Không lửa nào bằng tham
Không chấp nào bằng sân
Không lưới nào bằng si
Không sông nào bằng ái
(Kinh Pháp Cú số 251)
Thuở ấy có năm người cư sĩ tại gia đến Tịnh xá Kỳ viên nghe Đức Thế Tôn giảng pháp. Trong khi đức Phật thuyết giảng thì năm người đó, một người ngủ gục, một người lấy ngón tay vẽ xuống mặt đất, người thứ ba ngồi kế cạnh gốc cây thì lắc nhẹ vào cành lá, người thứ tư ngẩng đầu nhìn lên trời xanh. Chỉ duy nhất người ngồi gần bên đức Phật chăm chú nghe giảng.
Thấy vậy, đợi tới khi đức Phật giảng xong, tôn giả A-nan mới thưa trình về thái độ ngồi nghe kinh của năm vị cư sĩ này. Đức Phật nói rằng: “Này A-nan, năm cư sĩ có thái độ như vậy là do họ chưa dẹp bỏ được các thói quen trong tiền kiếp trước. Người ngồi ngủ gục vốn là con rắn, thường khoanh mình trong xó. Người lấy ngón tay vẽ xuống đất là côn trùng thường chui qua chui lại trong đất. Người lắc nhẹ cành lá vốn là con khỉ thường chuyền từ cành này sang nhánh nọ trên cây. Người thứ tư là một nhà chiêm tinh nên cứ ngẩng đầu lên xem các ngôi sao trên trời. Riêng người chăm chỉ nghe pháp đó, kiếp trước ông ta là nhà thiên văn học".
"Này A-nan, một người muốn biết nghe, hiểu chánh pháp cần phải thực sự chú tâm, chăm chỉ tư duy. Nhưng vẫn còn rất nhiều người chẳng biết chú ý lắng nghe thì không thể nào hiểu được chánh pháp".
Tôn giả A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn có sự ngăn cản nào khiến cho người ta chẳng nghe hiểu được chánh pháp?”
Đức Phật liền dạy: “Có 3 điều ngăn cản người nghe chẳng thể hiểu rõ chánh pháp, đó chính là ba độc: Tham – Sân – Si”.
Ngọn lửa tham lam đốt cháy tất cả tâm can con người mà chẳng hề ngưng nghỉ. Sự sân hận bám chặt trong lòng khiến lòng từ bi của con người không thể phát khởi. Sự si mê, đắm say luyến ái khiến người ta không phân biệt được thật – giả, đúng – sai, chánh – tà. Ba thứ độc này khiến họ trôi lăn trong bể khổ, khó lòng thoát được vòng luân tử sinh hồi.
Vì thế, mỗi người trong chúng ta, để đi tới bến bờ giải thoát, giác ngộ phải chế ngự, diệt trừ được ba độc “Tham – Sân – Si”.