Đem ánh sáng Phật pháp soi rọi, xoá tan “bóng tối vô tận” cho Phật tử khiếm thị
Đang đêm tối mịt mùng khó cất bước đi, bỗng nhiên có được một ngọn đèn sáng, thật chẳng khác nào người mù bỗng dưng được sáng mắt. Cũng giống như khi màn đêm buông xuống, lại có thể lưu giữ chút ánh tà dương để soi chiếu khắp mặt đất. Đối với những mảnh đời khiếm khuyết đang rơi vào cảnh ngộ phải đi trong đêm tối, còn có ân huệ nào lớn hơn là được khai mở con đường tìm đến với ánh sáng Phật pháp?


Đôi mắt “tâm” của những Phật tử khiếm thị bừng sáng khi về cửa Phật

Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng mong có được một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng với những người khiếm thị, số phận dường như đã không mỉm cười với họ. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt cũng như cuộc sống, 15 Phật tử khiếm thị tham gia Khoá Tu cuối tháng 11/2022 vừa qua tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen luôn có niềm tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo, có tâm khao khát học Phật và hành trì lời Phật dạy. 


Nhóm Phật tử khiếm thị hữu duyên về tham gia Khoá Tu cuối tháng 11/2022 cùng đạo tràng Đại Tùng Lâm Hoa Sen

Nhóm Phật tử khiếm thị ấy, họ là những mảnh đời chật vật mưu sinh trên mảnh đất Sài Gòn, hằng ngày phải rong ruổi khắp các nẻo đường để bán vé số, bán tăm, bán kẹo,... Tưởng chừng như bóng tối bao phủ lên mọi ngõ ngách trên con đường tìm hiểu Phật pháp gian nan của những mảnh đời bất hạnh ấy. Thế nhưng, có một đôi tay từ bi đã cầm ngọn đèn chiếu soi, dẫn lối cho những người khiếm thị tìm về nương tựa cửa Phật để tu học, để hiểu, hành giáo pháp, để quãng đời bất hạnh còn lại của họ vơi đi những tăm tối và khổ đau, phiền trược. 


Dù khiếm khuyết một trong sáu căn, các Phật tử khiếm thị vẫn cố gắng tinh tấn tu tập theo đạo tràng

Phật tử Diệu Nương (đến từ TP. Hồ Chí Minh) – một người con Phật đã quy y Tam Bảo, tu học hơn 25 năm nay chính là người đã gieo duyên cho các mảnh đời khiếm thị được về tu học theo pháp môn Tịnh Độ tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen. “Con đã đi rất nhiều ngôi chùa, tham gia rất nhiều khoá tu an lạc, nhưng sự an lạc mà con mong mỏi bao lâu nay, con tìm thấy khi về tu tập ở Đại Tùng Lâm Hoa Sen. Bản thân con người chúng ta khi trải qua cảnh ngộ buồn đau, bất hạnh cũng phải có Thầy lành, bạn sáng an ủi dẫn dắt chúng ta, nên những người khiếm thị họ thật sự rất cần duyên học Phật, nghe pháp giúp họ tự giải thoát khổ đau để sống lạc quan hơn, an vui hơn”.

Người khiếm thị niệm Phật – “Ánh sáng” của họ dung hoà với ánh sáng của Phật A Di Đà

Đức Phật đã dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Đối với những người học Phật, niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời chính là thấy được ánh sáng Phật pháp. Ai thấy được pháp người đó có đường đi, ai có đường đi người đó có nẻo về với đời sống đích thực an vui, hạnh phúc.

Sống trong thời Mạt pháp, với những người may mắn lành lặn, có đầy đủ giác quan, có đôi mắt sáng và trước mắt họ là những chồng kinh sách, thế nhưng đâu phải ai cũng có đủ nhân duyên, đâu phải ai cũng chịu phát nguyện bỏ thời gian để đọc những lời vàng thước ngọc của đấng Giác Ngộ, nói chi là đến Chùa tu học, niệm Phật! 


Về với đất Phật tại Đại Tùng Lâm hoa Sen, nhóm Phật tử khiếm thị luôn giữ vững niềm tin sâu Tam Bảo

Ngày nay, gặp được Phật pháp thật sự chẳng phải là thiện căn – phước đức – nhân duyên dễ dàng. Nhưng giờ đây, những người khiếm thị đã được về Đại Tùng Lâm Hoa Sen để hoà mình tu học cùng đạo tràng như những Phật tử bình thường khác. Đây phải chăng là một đại sự nhân duyên, phước báu khôn cùng hay sao! 

Tuy rằng, đôi mắt của những Phật tử khiếm thị có thể không sáng tỏ, nhưng “đôi mắt tâm” của họ đã bừng sáng từ lâu ngay trong chính cái tâm của một người con Phật. Họ không chắc rằng thiện căn của mình đã thuần thục, nhưng họ có niềm tin vững chắc vào Tam Bảo. 

Dù khiếm khuyết ở mắt, nhưng 5 căn còn lại họ vẫn dùng để tu. “Tai” để nghe kinh nghe pháp; “mũi” để ngửi được hương thơm của Tam học: Giới – Định – Tuệ; “miệng” để nói những lời vị tha, ái ngữ; “thân” để làm lợi lạc cho mình và cho người và “ý” để phân biệt, suy lường được cái tâm vọng tưởng tạp niệm của mình mà nhiếp phục lục căn, không để lục trần chi phối, bước dần theo con đường Bát Chánh Đạo rồi mới tìm tới chân lý giải thoát.


Con đường tìm đến ánh sáng Phật pháp của những người khiếm thị được khai mở khi về chùa tu tập

Tham gia các thời khoá công phu cùng đạo tràng, nhóm Phật tử khiếm thị tuy không thể hành trì trọn vẹn tất cả các pháp như các Phật tử, Liên hữu đồng tu khoẻ mạnh. Nhưng họ luôn chuyên cần tinh tấn trì danh niệm Phật và giữ vững niềm tin vào Chánh pháp để làm “tư lương” cho mình trên bước đường tu tập giải thoát, giác ngộ, cầu được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc khi hết báo thân đời này. 


Dù chưa thuần thục thiện căn, mỗi Phật tử đều niệm Phật với đầy đủ niềm tin và tâm nguyện chí thành

Khi niệm Phật, họ không chỉ niệm suông mà luôn nghĩ tưởng nhớ đến Đức Phật A Di Đà và công hạnh của Ngài để hành trì theo, tinh tấn tu tập theo giáo lý Phật đà để được an lạc tự thân ngay trong phút giây hiện tiền. Phật tử khiếm thị Ngọc Ân (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) đã có những lời bộc bạch đầy niềm hỷ lạc sau khi tham gia Khoá tu: “Từ trước đến nay, Ngọc Ân con chỉ thường nghe kinh, nghe giảng pháp qua mạng và qua một người chị Phật tử chứ thật sự con rất ngại đi chùa vì con sợ phải nhờ cậy, làm phiền người khác vì sự khuyết tật của mình. Hôm nay là lần đầu tiên con được về chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen tu tập, được nghe tiếng niệm Phật và trì niệm theo, nghe âm thanh pháp khí, con cảm nhận được năng lượng tinh tấn, trang nghiêm của cả đạo tràng, con thực sự rất biết ơn và cảm tạ”.


Phật tử khiếm thị Trương Ngọc Ân (32 tuổi, đến từ TP. Hồ Chí Minh) cảm nhận được niềm an lạc, hoan hỷ khi tu tập tại Đại Tùng Lâm Hoa Sen

Với sứ mạng hoằng dương Chánh pháp trong tinh thần từ bi, trí tuệ, gieo duyên thiện lành tới những Phật tử khiếm thị, Ban Liên hữu Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen hy vọng rằng: Tuy ánh sáng của đôi mắt Phật tử khiếm thị bị che lấp, nhưng ánh sáng trí tuệ của các Phật tử sẽ không bị vô minh che lấp. Hy vọng rằng sau khoá tu, ánh sáng của đạo Phật đã đi vào tâm khảm để quý vị thấu tỏ và tự thắp sáng chính mình, chiếu soi lấy mình. Từ đó, quý vị thêm tin sâu Tam Bảo, vững tâm tu hành trên con đường học Phật để chuyển hoá thân tâm, nghiệp báo, để tương lai của quý vị luôn được nhiều thắng phước. 

Xin quý vị hãy thường niệm:

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!


trong Tin tức
Đem ánh sáng Phật pháp soi rọi, xoá tan “bóng tối vô tận” cho Phật tử khiếm thị
Ban Lien Huu 27 tháng 11, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Nhiếp tâm niệm Phật - Công đức thù thắng
Kinh Thập lục quán dạy rằng: Niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội 80 ức kiếp sanh tử. Chỉ cho người đó niệm Phật một tiếng, ở đây tức chỉ một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” mà hơn cúng dường 7 báu suốt trăm năm. Chí thành niệm Phật thì không có bệnh gì mà không tiêu".