Kiền thành đọc tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa: Chân thật thọ trì – Khai mở trí huệ – Nhất thiết Chủng trí
Cùng quy hướng về ngôi già lam trang nghiêm, thanh tịnh Đại Tùng Lâm Hoa Sen tham dự Lễ Vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát Đản Sanh 19/2 Âm lịch năm Giáp Thìn 2024, hàng trăm Phật tử thiện nam, tín nữ đã cùng nhau kiền thành trì tụng trọn bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đắc được pháp ích của bộ kinh, đắc được pháp hỷ sung mãn, vô lượng vô biên công đức.



Hai mươi tám phẩm kinh Pháp Hoa chan chứa tâm hạnh, tâm nguyện của Phật và Đại Bồ Tát, trải dài những con đường phương tiện giáo hóa thênh thang ngõ hầu mang chúng sanh từ phàm đến thánh, từ tam thừa Thanh văn Duyên giác và Bồ-Tát đến quả vị nhất thừa vô thượng Phật quả.

Khai thị chúng sanh ngộ nhập Tri Kiến Phật 

Trong niềm tôn kính, thiêng liêng của mỗi thời khoá công phu tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hơn 500 Phật tử, đồng tu thiện nam tín nữ thảy đều một dạ chí thành, nhất tâm quán lễ thọ trì. Không chỉ nương vào oai lực đại từ đại bi, đại nguyện và ân đức gia trì của Tam Bảo, chư Phật mười Phương, chư Đại Bồ Tát, tất thảy đều nương nhờ tâm và trí tinh tấn của toàn thể đạo tràng để an trú trong từng câu kinh lời kệ, để liễu ngộ và thấu suốt được nghĩa lý thâm sâu chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của chư Phật và Bồ Tát. 




Tâm nguyện của Phật là tâm nguyện độ khắp chúng sanh đạt thành đạo quả giác ngộ. Cũng chính vì tâm nguyện rộng lớn ấy nên ngay quyển đầu của kinh về phẩm Phương tiện đã nói: 

“Xá Lợi Phất ! Vì sao lại nói chư Phật Thế Tôn, chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời ? Vì chư Phật Thế Tôn muốn khiến cho chúng sinh, khai mở tri kiến của Phật, để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời, muốn mở bày cho chúng sinh tri kiến của Phật mà hiện ra nơi đời, muốn khiến cho chúng sinh ngộ tri kiến của Phật mà hiện ra nơi đời, muốn cho chúng sinh vào được tri kiến của Phật mà hiện ra nơi đời”. (Phẩm kinh 02 – Phương tiện)


Phương tiện của Đức Phật là phương tiện huyền diệu được trưởng dưỡng bởi trí huệ từ bi hỷ xả lợi tha có khả năng đưa tất cả chúng sanh đồng chứng nhất thừa Phật quả. Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. “Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vì thương xót tất cả chúng sanh mà Ngài hiện ra nơi đời ác trược, rộng mở phương tiện pháp môn, chỉ bày chơn tâm Phật tánh để chúng sanh phát khởi niềm tin sâu dày nơi tự tánh, tin tưởng vào khả năng thánh thiện của mình mà tiến tu đến Phật quả.






Thế nhưng sống ở thời Mạt pháp, mỗi chúng sanh là mỗi bản thể riêng biệt, mỗi cái ta đều rất đặc thù, không có cái ta nào giống cái ta nào. Đồng căn nhưng khác tánh, đồng riêng biệt. Chúng sanh thảy đều là phàm phu vô trí, căn tánh cao thấp, nghiệp duyên nặng nhẹ khác nhau, do vô minh che lấp nên chúng sanh tự che khuất ánh sáng của tự tánh, tham ái cảnh trần, phan duyên bên ngoài nhiễu loạn bên trong, cam chịu trần lao hành hạ. Vô minh sinh ra tất cả phiền não, phân ra thành ba loại, tức là tham, sân, si, ba độc. Ba độc này che lấp Phật tánh của mọi người. Phàm phu chúng ta từ vô thỉ cho đến hiện tại, chưa thành Phật là vì có ba thứ phiền não này

Đức Phật lại phải từ đó mà lập ra có muôn ngàn phương tiện để hóa độ. Nghĩa là từ nhất thượng thừa mà Đức Phật đã phải phương tiện huyền khai làm thành ba thừa để rồi sau đó, khi căn tánh chúng sanh thuần thục, Ngài lại dần dần đưa lên nhất thừa Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. 

Phật tức là Giác, chia làm bốn cửa: Khai Giác Tri Kiến, Thị Giác Tri Kiến, Ngộ Giác Tri Kiến, Nhập Giác Tri Kiến. Nếu nghe khai thị liền được ngộ nhập tức giác tri kiến, do đó bổn lai chơn tánh liền được hiển hiện. Nếu ngộ pháp này, ngay trong một niệm tâm liền sáng tỏ, ấy gọi là khai thị ngộ nhập Tri Kiến Phật.

Nhập tịch tĩnh chân như – Giác ngộ trong sát-na  

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Ðức Phật từng nói với Ngài A Nan: “Thành Phật là do sáu căn, đọa lạc cũng do sáu căn”. Sáu căn, sáu thức, mười pháp giới đều là diệu pháp, đều là biểu hiện nói về tâm. Do đó, tâm không thể chuyên nhất, không thể chuyển thức thành trí. Trí là do thức biến hóa; trí cũng là diệu pháp. Ở phần chúng sanh là chuyển trí thành thức, là trí huệ vốn có biến thành ý thức, cho nên từ diệu biến thành thô, mà thô thì chẳng diệu. Ở tại phần của Phật thì chuyển thức thành trí; cho nên ở trong sào huyệt ý thức, đắc được trí huệ chân chánh, mà chứng được diệu pháp.


Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, là mười pháp giới. Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn là bốn pháp giới của bậc Thánh. Trời, người, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, là sáu pháp giới của phàm phu, hợp lại là mười pháp giới. Mười pháp giới là từ một niệm tâm hiện tiền của chúng ta tạo thành, cho nên nói tâm pháp diệu. Nếu tâm pháp không diệu thì chúng sinh pháp cũng không diệu ; chúng sinh pháp không diệu, thì Phật pháp cũng không diệu. Vì tâm pháp diệu cho nên chúng sinh pháp cũng diệu, Phật pháp cũng diệu.

Mười phương chư Phật cũng chẳng vượt ra một tâm niệm hiện tiền, mười phương các Bồ Tát cũng chẳng vượt ra một tâm niệm hiện tiền của chúng ta ; cho đến mười phương các Duyên Giác, Thanh Văn cũng chẳng vượt ra một tâm niệm hiện tiền của chúng ta. Thậm chí trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, cũng chẳng vượt ra một niệm tâm hiện tiền.



Đức Phật dạy, “Vạn Pháp như huyễn” không có thật. Vì vậy, là người tu hành chúng ta phải tùy thuận, lìa tất cả ý niệm phân biệt chủ quan để thể nhập chân như. Theo thiển ý, đa số kinh Phật thảy đều Tâm Nghe, Tâm Thấy, Tâm Biết Thể Tánh cho nên muốn thọ kinh điển phải dùng Trí Tuệ Bát Nhã để tùy thuận quán ngộ cái Âm, thấy cái Quang (ánh sáng,) ngửi cái hương thơm của Phật Pháp.


Đối với Chân Như, Chân Không Diệu Hữu, thế giới sanh tử này là một đạo tràng thử thách rộng lớn cho hành giả, vì thế giới này là bể khổ theo nghiệp nhìn bởi “nhục nhãn” của chúng sanh nhưng lại là Chân Như Tĩnh Tịnh được nhìn theo thiên nhãn của bồ tát. Chân Như vẫn luôn có đó, không đến không đi, nhưng còn ẩn giấu chờ hành giả an tâm để kiến tánh, giác được chân như, chứng được niết bàn, thành Phật.




Nhiếp trọn sáu căn thanh tịnh và luôn giữ tín tâm kiên cố xuyên suốt các thời khóa thọ trì Kinh Pháp Hoa, tuy rằng không phải tất thảy đại chúng đều liễu nghĩa được kinh văn, nhưng nhờ sự tinh tấn của đại chúng và ân đức gia trì của Phật, Bồ Tát, toàn thể đạo tràng đều hiểu được Kinh Pháp Hoa vốn lấy nhân duyên xuất thế làm tông chỉ, nhân duyên ấy cũng chính là tâm nguyện độ chúng sanh ngộ nhập Tri Kiến Phật của Đức Thế Tôn.

Bởi lẽ, không phương tiện độ sanh nào mà không có, không cửa pháp môn giải thoát rốt ráo nào mà không mở, không cảnh giới Phật nào mầu nhiệm thiện duyên thâm mật với chúng sanh cõi ta bà này mà không ảnh hiện, không hạnh nguyện giáo hóa độ sanh nào của Phật, Bồ Tát mà không thể đạt ba-la-mật. 

Bởi khi hành giả hoàn toàn phá hết ngã chấp, pháp chấp, không chấp, giác ngộ tánh không của vạn pháp; thấu hết mọi lẽ huyền vi của Tam Giới; đạt được lục thần thông; chứng quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.




Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ, độ trì cho tất thảy Phật tử thiện nam tín nữ, chư Liên hữu đồng tu Đại Tùng Lâm Hoa Sen sau khi thọ trì trọn bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đều khai Tri Kiến Phật nơi tự tâm, thường sanh trí huệ chiếu soi tự tâm, dứt ác làm lành, tức là tự khai Tri Kiến Phật, sớm ngộ nhập Tri Kiến Phật, phát tâm tu học, thực hành lời Phật dạy, tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác ta, tích tụ căn lành công đức, hồi hướng về quả Vô thượng Bồ-đề, ngõ hầu thành tựu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. 


Tất cả công đức và sự bình an, thanh tịnh của khóa lễ xin được hồi hướng về khắp pháp giới lục đạo chúng sanh cùng thân bằng quyến thuộc của tất cả quý vị còn sống hoặc đã quá vãng, thảy đều được lợi lạc, căn lành tăng trưởng, tâm Bồ Đề kiên cố, luôn luôn an trụ ở trong chánh pháp, tu hành chánh pháp, rốt ráo được thoát khỏi sinh tử luân hồi, đến được bờ giác ngộ.

Kính mời Quý Phật tử, Liên hữu đồng tu cùng điểm lại thời khóa tụng kinh trang nghiêm, tinh tấn qua thước phim - phóng sự ảnh dưới đây: 

 
 

NAM MÔ ĐẠI THỪA VIÊN GIÁO DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT

Kiền thành đọc tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa: Chân thật thọ trì – Khai mở trí huệ – Nhất thiết Chủng trí
Ban Lien Huu 17 tháng 4, 2024
Share this post
Lưu trữ
THÔNG BẠCH: CỘNG TU TỊNH ĐỘ CUỐI THÁNG 04 DL.2024 - PL.2568 TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN
Đại Tùng Lâm Hoa Sen là nơi hội tụ, kết nối và cũng là một đại thắng duyên tăng thiện căn, phước đức, nhân duyên cho các Quý liên hữu đồng tu, các đạo tràng, Phật tử đến từ nhiều nơi khác nhau cùng tu pháp môn Tịnh độ – chân thật tu hành – chân thật niệm Phật, có cùng một chí hướng trên con đường tu học tăng trưởng Tín – Hạnh – Nguyện để đạt tới sự Niệm Phật nhất tâm bất loạn, thành tựu việc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc khi hết báo thân đời này.