Lắng nghe với tâm từ bi làm vơi bớt khổ đau
Tâm từ bi luôn có sẵn trong bạn và tâm từ bi ấy sẽ phát khởi khi bạn thấy người kia đang đau khổ. Lắng nghe với tâm từ bi, với tất cả sự chú tâm, với tất cả thiện chí, nghe hết mình chỉ với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và vơi bớt khổ đau.


Khi lắng nghe một người đang đau khổ thì bạn đang bước vào một vùng lửa cháy. Vùng lửa khổ đau, sân hận đang đốt cháy bên trong con người mà bạn đang nghe. Một người mà lời nói đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Vì đau khổ mà người ấy nói ra những lời chua chát, cay đắng, trách móc khiến cho ta khó chịu và tìm cách xa lánh. Muốn thấu hiểu và chuyển hóa cơn giận thì phải học cách thực tập hạnh lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ. 


Có một vị Bồ-tát có khả năng lắng nghe của tâm từ bi rộng lớn, đó là Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài là hiện thân cho tinh thần đại từ, đại bi trong Phật giáo. Ngài đã thực hành con đường Bồ-tát một cách viên mãn trong vô lượng kiếp về quá khứ với một tâm nguyện lợi sinh rộng lớn. Chúng ta phải thực tập theo đức tính từ bi và công hạnh lắng nghe của Ngài, để thấu hiểu hơn, cảm thông hơn, yêu thương và chia sẻ hơn, góp phần làm vơi bớt đi những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, con người, vạn vật được chung sống bình yên và tốt đẹp.

Từ bi là đóa hoa của hiểu biết. Từ bi chỉ có mặt khi hiểu biết có mặt. Hiểu biết gì? Hiểu rằng người kia đang đau khổ và ta phải giúp đỡ. Nếu như ta không giúp người ấy thì ai giúp bây giờ? Khi lắng nghe người kia, bạn có thể nhận thấy họ có rất nhiều tri giác sai lầm trong khi nói. Tuy nhiên, chúng ta phải giữ tâm từ bi vì ta biết rằng, người kia là nạn nhân của tri giác sai lầm. Nếu như muốn sửa chữa tri giác sai lầm của người kia thì bạn nên đợi đúng lúc. Bởi vì khi lắng nghe, bạn chỉ có một mục đích duy nhất: để cho người kia có cơ hội nói ra tất cả tâm tư sâu kín tự đáy lòng. 

Tâm từ bi luôn có sẵn trong bạn và tâm từ bi ấy sẽ phát khởi khi bạn thấy người kia đang đau khổ. Tuy nhiên mặc dù có nhiều thiện chí ta cũng khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. 

Tâm từ bi được nuôi dưỡng và duy trì bằng hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm chế tác năng lượng chánh niệm, hơi thở chánh niệm giúp bạn giữ vững ước muốn căn bản là giúp người kia bộc lộ tâm tư khi người kia nói, mặc dầu lời nói của người ấy có thể sẽ đầy chua cay hay lên án phán xét. Lời nói của người ấy có thể sẽ chạm đến khổ đau của chính bạn. Nhưng nếu tâm từ bi được duy trì trong suốt thời gian lắng nghe thì sân hận, bực dọc không thể phát hiện. Chỉ cần tâm từ bi thôi, bạn cũng đã được che chở để khỏi bị bực dọc, sân hận và khổ đau. Nếu bạn giữ sáng tâm từ bi, nếu bạn thực tập hơi thở chánh niệm, bạn sẽ được bảo hộ. Bạn có thể ngồi nghe hàng giờ mà không đau khổ. Tâm từ bi sẽ nuôi dưỡng bạn, bạn biết rằng mình đang giúp cho người kia bớt khổ. 


Phải lắng nghe thật chăm chú. Phải lắng nghe với tay, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi. Muốn vậy, trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy trì ý hướng muốn giúp người kia. Lắng nghe với tâm từ bi là một phép thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn giúp người kia vơi bớt khổ đau. Thực tập lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hóa sân hận và khổ đau của họ.

Bạn có quyền được hạnh phúc, bạn có quyền có tâm từ bi, có tâm thương yêu. Hạt giống giác ngộ luôn có sẵn trong bạn. Nhờ thực tập, bạn có thể biến hạt giống ấy thành một đoá hoa rất mau. Bạn có thể chấm dứt nỗi đau khổ, bởi vì Chánh pháp đem đến kết quả ngay tức thì. 

(Nguồn: Sách Thế Giới Cực Lạc, Phân tích ứng dụng Kinh A-di-đà, NXB Hồng Đức)

trong Tin tức
Lắng nghe với tâm từ bi làm vơi bớt khổ đau
Ban Lien Huu 18 tháng 6, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tâm từ bi là linh dược giải độc sân hận
Phần lớn những khổ đau của chúng ta là do chúng ta thiếu hiểu biết và không giác ngộ được rằng: không có một cái ngã biệt lập. Bạn vẫn còn đứng bên bờ này của khổ đau, sân hận. Thì tại sao bạn lại không vượt qua bên bờ kia, bờ của tâm không sân hận, của bình an và giải thoát? Có con thuyền có thể đưa bạn vượt qua bờ bên kia nhanh chóng. Đó là con thuyền của thực tập trở về với tự thân, nhờ vào hơi thở chánh niệm mà có thể nhìn sâu vào niềm đau nỗi khổ, vào sân hận, vào tuyệt vọng để có thể mỉm cười.