TRANG NGHIÊM TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2024: PHẬT ĐẢN SANH TRONG TỪNG SÁT-NA TÂM
Như một ước lệ, tháng 4 âm lịch hàng năm đối với những người con Phật là tháng ân đức đại bi vô lượng, tháng kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Thế Tôn - Bậc Đạo Sư của nhân thiên, bậc Thầy của nhân loại. Tháng 4 - Mùa Phật Đản về là mùa của sự hoan hỷ, của những niềm hân hoan hỷ lạc khi lòng tôn kính vô biên được cộng hưởng, dâng trào trong tâm và trí của tất thảy chúng sanh khắp cõi Ta Bà.





Hoà chung niềm hân hoan của bao người con Phật trên khắp cả nước, các Phật tử, Liên hữu đồng tu thiện nam, tín nữ đã cùng quy hướng về chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen để cùng tham dự chương trình Cộng tu Tịnh độ nhân dịp Đại Lễ Phật Đản PL.2568 - DL.2024. 


Xuyên suốt những ngày Pháp hội, tất thảy đã cùng tinh tấn huân tu, cùng tưởng nhớ, ôn lại Phật hạnh sáng ngời, tri ân công hạnh, tình yêu thương cũng như quán chiếu những lời dạy minh triết vượt thời gian của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đến với toàn chúng sinh trong ba cõi, rồi từ đó quay về tự quán chiếu bản thể tâm mình mà ngõ hầu siêng năng thực hành lời Phật dạy để tỏ bày lòng kính tin vô hạn, lòng tri ân đến Đấng Giác ngộ toàn năng.

Chương trình Cộng tu Đại Lễ Phật Đản PL.2568 - DL.2024 tại chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen diễn ra xuyên suốt trong 05 ngày, từ ngày 18/05 đến 22/05/2024 (Nhằm ngày 11-15/04 năm Giáp Thìn).

Giác ngộ “Chân Diệu Pháp” – Bồ Đề tâm bất thoái chuyển

Cách đây hơn 2.600 năm giữa xứ Ấn Độ rộng lớn, khi những đoá hoa Vô ưu nở rộ, chư Thiên câu hội, trỗi nhạc cúng dường, Tam thiên Đại thiên thế giới rúng động bởi sự xuất hiện của một con người phi thường trên thế gian.

“Có một Con Người xuất hiện ở thế gian, đem nhiều lợi ích cho người, an ổn chúng sanh, thương đời ngu tối, muốn khiến trời người có được phước hựu. Một Con Người đó là ai? Đó là Đức Như Lai, A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó gọi là có một Con Người xuất hiện ở thế gian, đem nhiều lợi ích cho người, an ổn chúng sanh, thương đời ngu tối, muốn khiến trời người có được phước hựu”.
(Kinh Tăng Nhất A-hàm)




Sự thị hiện của Đấng Giác Ngộ ở cõi Ta Bà như một dòng nước mát thanh lương giúp gột rửa bao nhiêu phiền trược, cấu uế của chúng sinh, như một luồng gió mát lành xoa dịu tất cả những khổ đau của cõi ngũ trược ác thế, như một tiếng chuông tỉnh thức vang lên giữa cuộc đời tĩnh mịch, để chúng sinh được nương nhờ mà trở về với bến bờ Chánh pháp. 

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phương Tiện, Đức Phật nói: "Chư Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện trong đời là muốn khiến cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật". Tri kiến Phật ấy là Phật tánh, là trí giác trong mỗi con người. Ngộ nhập tri kiến tức là thể nhập Phật tánh sẵn có của chính mình. Trên trời dưới đất chỉ có chân ngã, chính là bản tâm thanh tịnh là đáng tôn kính. Chính cái chân thể độc tôn này là viên ngọc Phật tánh thường hằng, thanh tịnh bất biến trong mỗi con người. Chỉ có cái chân thể độc tôn này mới cho chúng sanh an lạc, giải thoát cứu cánh. Chính vì vậy, Đức Bổn Sư đã thọ ký: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".



Thế nhưng, hạng phàm phu vô trí chúng sanh thời Mạt pháp luôn chạy theo trần cảnh, tạo nghiệp thiện ác không cùng, rồi trôi lăn trong sáu đường sinh tử. Khi tâm ta thanh tịnh, không bị ngoại cảnh mê hoặc, không bị tham, sân, si quấy nhiễu thì lúc đó trí giác tỏ ngộ, không còn sanh tử luân hồi nữa. Mục đích của sự tu hành là phải sửa đổi tâm mình, chuyển từ tâm bất thiện trở thành tâm hiền thiện, để từ đó nhận chân được Phật tâm hằng hữu ở nơi chính mình. Khi chúng ta nhận ra Phật tánh nơi chính mình và sống trọn vẹn với bản tâm ấy thì được gọi là Thành đạo. Cho nên, tu đạo là tu tâm, ngộ đạo là ngộ tâm, chứng đạo là chứng tâm, và thành đạo cũng là thành tại tâm chứ không đâu khác.


Thời gian trôi đi gần ba thiên niên kỷ, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.

Tu Tịnh độ là đại nhân duyên, tin Tịnh độ là đại phước đức

Đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Có một pháp, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.



Pháp môn Tịnh Độ là bi tâm triệt để của Đức Như Lai, là pháp môn phổ độ chúng sinh khiến cho những kẻ phàm phu đầy rẫy phiền trược không có sức đoạn hoặc, nhờ tín nguyện trì danh sẽ được liễu thoát ngay trong đời này. Trên đến bậc Đẳng giác Bồ-tát, địa vị gần kề Phật quả vẫn còn phải vãng sinh mới thành Chánh Giác. Vì thế, trong khi Đức Phật giảng kinh A Di Đà, sáu phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài đồng thanh tán thán là kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, được hết thảy chư Phật hộ niệm.

Nhằm thể hiện lòng tôn kính và biết ơn những hạnh nguyện cứu khổ ban vui của Đức Thế Tôn – Bậc thầy Giáo chủ cõi Ta Bà đối với chúng sinh khắp mười phương pháp giới, trong không khí trang nghiêm của thời khoá công phu, hàng trăm Phật tử, đồng tu thiện nam tín nữ đều nương lực từ bi gia trì củ mười phương chư Phật, nương lực đại chúng để một dạ chí thành, nhất tâm quán lễ tụng kinh, niệm Phật.



Nhất tâm trì tụng, an trú trong từng câu kinh lời kệ, chúng sanh mới hiểu được rằng, dù sinh ra trong đời ngũ trược ác thế, không có túc duyên để diện kiến Như Lai nhưng chúng ta vẫn còn diễm phúc được làm thân người với sáu căn đầy đủ, hạnh ngộ minh sư để thể nghiệm giáo pháp vi diệu nhiệm mầu của đấng thiền thể. 

Chính vì nhân duyên thù thắng đó, bằng tất cả lòng thành kính, tôn kính của những người con Phật, mỗi Phật tử, đồng tu đều nguyện sẽ nhiếp tâm, định tâm để dùng chính tánh tâm bình đẳng, tâm giác ngộ của mình mà nỗ lực học Phật, đi đứng nằm ngồi đều trì danh niệm Phật, chỉ một phiến Phật hiệu “A Di Đà Phật”. Một câu "A Di Đà Phật" chứa đựng tất cả tinh tuý của Phật giáo nhưng không phải ai trong chúng ta cũng phát nguyện trì niệm được. Bởi sống trong thời mạt pháp, trong cõi Ta-bà này, chúng sanh có vô lượng vọng tưởng, tạp niệm, tức là chúng sanh đang liên tục tạo ra sáu cõi luân hồi và trôi lăn trong kiếp trầm luân không dứt. 


Trong bầu không khí trang nghiêm, lễ bái kim thân Đức Bổn Sư với lòng tôn kính tuyệt đối, mỗi người con Phật đều lắng lòng thanh tịnh, định tâm để phản quang tự kỷ, để biết được mình là ai giữa cuộc đời trầm luân, trôi lăn sầu khổ này, để hiểu được đâu là nẻo thiện, đâu là nẻo ác, để quán tưởng mình đang đi dưới ánh từ quang gia hộ của mười phương chư Phật, được tưới tẩm dưới dòng nước cam lồ tinh sạch mà gội nhuần tâm tư, tẩy trừ những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê, gạt bỏ hết thảy những vọng tưởng, chấp trước của thế gian. Để rồi từ đó nhận ra được cái bản thể thanh tịnh thường hằng của chính mình, chơn tâm Phật tánh của chính mình mà chân thật lễ Phật bái tổ, chân thật tu hành, chân thật niệm Phật.





Sau mỗi thời khóa công phu, sau hàng giờ hành trì niệm Phật, toàn thể đạo tràng đồng nguyện đem tất cả công đức hồi hướng đến cửu huyền thất tổ, thân bằng quyến thuộc cùng hết thảy chúng sanh hữu tình, vô tình trong mười phương pháp giới, tất cả bốn loài trong sáu nẻo, oán thân từ vô lượng kiếp cho đến nghiệp chướng hiện tiền đều nương nhờ tha lực đồng nguyện tu hành đến tri kiến giải thoát, thoát khỏi sanh tử luân hồi, đồng xin nguyện vãng sanh về Cực Lạc Quốc.


Kính lễ Đấng Pháp vương Vô thượng, mừng kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Thế Tôn, là đệ tử Phật, là những người con Phật, chúng con ngưỡng nguyện ngưỡng nguyện giáo pháp của Ngài sẽ luôn được lan toả khắp thế gian để tất thảy pháp giới chúng sinh đều được kết duyên lành với Tam Bảo, đều giác ngộ Chân Diệu Pháp mà từ đó ngõ hầu phát nguyện học Phật, thực hành lời Phật dạy để được an lạc, thắng phước ngay trong kiếp hiện tiền và các kiếp vị lai, chí nguyện tu hành cho đến tri kiến giải thoát.




Nguyện mong tất cả quý vị Phật tử, Liên hữu đồng tuluôn cố gắng giữ gìn giới hạnh, siêng năng hành thiện và tinh tấn tu tập hành trì theo đúng Chánh pháp để tỏ lòng thành kính tri ân, tưởng nhớ công đức vô lượng của Bậc Đại Giác Ngộ giáng trần cứu độ chúng sanh; để từ đó quý vị dần thoát ra khỏi những cấu uế, phiền não, tri kiến mê lầm, quay về nương tựa bóng Bồ Đề cao cả của Đức Phật mà vượt qua biển sanh tử khổ não để đến bờ Niết Bàn an vui. 

Kính mời Quý Phật tử, Quý Liên hữu đồng tu cùng hướng tâm xem lại các hình ảnh trong Pháp hội Đại lễ Phật Đản 2024 & Thời khóa Tịnh Độ tại chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen qua thước phim dưới đây: 

 
 

NAM MÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ 
BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT 


TRANG NGHIÊM TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2024: PHẬT ĐẢN SANH TRONG TỪNG SÁT-NA TÂM
Ban Lien Huu 26 tháng 5, 2024
Share this post
Lưu trữ
KÍNH MỪNG NGÀY ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH THỊ HIỆN 08/04 PL.2568 - ÁNH ĐẠO VÀNG SOI TỎ VÀO LÒNG VẠN PHÁP, SOI SÁNG KHẮP CẢ THẾ GIAN
Mỗi độ tháng Tư Âm lịch hàng năm, khi những cánh sen bắt đầu khoe sắc nở, một mùa hoa Vô Ưu lại về là dịp để tất thảy những người con Phật, những người mến mộ đạo Phật cùng tưởng nhớ, ôn lại Phật hạnh sáng ngời, tri ân công hạnh, tình yêu thương cũng như quán chiếu những lời dạy minh triết vượt thời gian của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đến với toàn chúng sinh trong ba cõi.