Mạng sống con người vốn vô thường ngắn ngủi giống như ngọn đèn treo trước gió, có thể bị tắt bất cứ lúc nào. Thân người cũng vậy, không phải ai cũng chờ đến già, bệnh mới chết mà mạng sống kết thúc bất cứ khi nào với muôn nghìn nhân duyên đưa đẩy.
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Đâu thể nào mặc cả
Ai thường biết an trú
Đêm ngày trong chính niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người biết sống một mình.
(Kinh Người Biết Sống Một Mình)
Trong bài kinh Người Biết Sống Một Mình, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng sinh về nghệ thuật sống để chế tác an lạc, hạnh phúc một cách sâu sắc ngay trong từng sát na hiện tại. Hãy thường nhắc bản thân mình rằng: “Được sinh làm người rất khó. Phải có nhiều phúc báu chúng ta mới được sinh làm người”, song cũng đừng quên rằng đời người rất ngắn, mà thời gian thì trôi qua quá nhanh. Cho nên, nếu không biết trân quý sự sống, và sống một đời đáng sống, muốn sống có trí tuệ, chúng ta cần nỗ lực tu tập ngay bây giờ để mau trở thành người tự chủ, tự do, buông bỏ mọi chấp trước, cởi trói mọi ràng buộc bởi bất cứ ái nhiễm và niệm bất thiện nào.
Để một mai khi thần chết bất ngờ tìm đến, chúng ta sẽ nhẹ nhàng ra đi với hành trang là công đức tu tập và trí tuệ soi sáng tâm linh của riêng mình. Đức Phật từng dạy rằng: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, có nghĩa là chúng ta chẳng thể chờ đợi sự cứu vớt từ bất cứ một ai, bởi chỉ có mình mới có thể cứu được mình ra khỏi vũng lầy mê vọng”.
Có lẽ con người ta thường rất sợ cô đơn nhưng đôi khi, một mình lại là lúc an bình và thanh thản nhất. Chính những lúc ở một mình, chúng ta học cách quay trở về đối thoại với tâm mình để không bị cuốn theo những cảnh tượng bên ngoài đầy biến động, bất an. Nhưng điều đó không có nghĩa là xa lánh cuộc đời, xa lánh mọi người, chỉ biết có riêng mình, mà hãy biết sống một mình tức là thấy rõ được bản chất hư ảo của cuộc đời nên hạ xuống cái tôi chấp trước si mê, tìm ra nguồn gốc của mọi phiền não đau khổ để học cách dứt trừ.
Người nào biết an trú trong hiện tại sẽ không bị quá khứ níu chân, chẳng bị tương lai lôi kéo, cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc bởi ngũ dục lục trần của chấp ngã chấp pháp. Sống một mình trong vắng lặng để phát sinh trí tuệ như thật từ đó đạt tới “Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”. Thân tâm giải thoát hoàn toàn, nhẹ nhàng bước ra ngoài mọi khổ não buồn đau của cuộc đời.