Giữ gìn tròn vẹn hai chữ “hiếu nghĩa”
Đức Phật từng khen ngợi người con hiếu thảo như sau: “Người nào có lòng tận tâm hiếu thảo đối với cha mẹ, người đó xứng đáng được cúng dường, được tôn kính ngang bằng với trời Phạm Thiên, được xem như các bậc đạo sư ở đời”.

Làm con đối với mẹ và cha

Không kính không thương lúc tuổi già 

Tuy giàu mà thiếu đi tâm hiếu

Cánh cửa bại vong chẳng còn xa

(Kinh Bại Vong)

Nếu hiếu thảo là nền tảng đức hạnh căn bản nhất của mỗi người, thì bất hiếu chính là tội nặng nhất trong các tội ở thế gian. Đức Thế Tôn từng dạy rằng: “Điều lành cao tội chẳng gì bằng hiếu. Điều ác cùng cực chẳng gì bằng bất hiếu”. Kinh Báo Ân cha mẹ cũng dạy rằng: “Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ vô lượng vô biên, thì tội bất hiếu cũng vô biên vô lượng”. 

 
 

Hiếu thảo với cha mẹ vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và cũng như của tất cả những người con Phật. Người con có hiếu là phải biết báo đáp, chăm lo cho cha mẹ cả về tinh thần lẫn vật chất. Tức là thường quan tâm, chăm lo phụng dưỡng cha mẹ được đầy đủ về vật chất trong đời sống sinh hoạt, về tinh thần thì luôn tôn trọng, cung kính, đồng thời tránh không làm những việc khiến cho cha mẹ phải phiền lòng, sầu muộn. 

Và hơn thế, theo tinh thần nhà Phật, chúng ta còn phải hướng cha mẹ bỏ tà kiến, tin sâu nhân quả, phát khởi được thiện tâm, gieo trồng phúc lành, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai. 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của con người chính là không biết ơn và báo ơn, không hiếu kính. Tuy giàu có mà lơ là việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha. Con người sống ở đời quan trọng nhất là giữ gìn tròn vẹn hai chữ “hiếu nghĩa”, vì hiếu nghĩa là nền tảng căn bản của hết thảy các phẩm chất đạo đức làm người. Vậy nên, trong nhà mà con cái hiếu thảo với cha mẹ thì gia đình được êm ấm, hòa thuận, cuộc sống an vui thì làm việc gì cũng dễ đi đến thành công. Trái lại, gia đình có con bất hiếu, ngỗ nghịch, thì nhất định gia đình đó sẽ rơi vào phiền muộn bất an, công việc do đó mà muôn phần trắc trở. Đó là lý do Đức Phật khuyên mọi người phải biết hiếu kính, đừng nên lơ là việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Bởi lẽ, làm con mà bỏ rơi cha mẹ già yếu thì tức là chúng ta đã đánh mất lòng nhân, tổn phúc hoại đức, phá vỡ tình thương đáng quý trong gia đình, để lại tấm gương bất hảo cho con cháu, ngay đến xã hội cũng coi thường. 

Cho nên, Đức Phật từng khen ngợi người con hiếu thảo như sau: “Người nào có lòng tận tâm hiếu thảo đối với cha mẹ, người đó xứng đáng được cúng dường, được tôn kính ngang bằng với trời Phạm Thiên, được xem như các bậc đạo sư ở đời”. Ngược lại, với những người ngược đãi cha mẹ sẽ phải chịu quả báo khổ đau vô cùng, phúc báo có gây dựng bao nhiêu cũng tiêu tán; nghiệp xấu kiếp này không chịu hết thì sang đến tận kiếp sau nhất định vẫn phải trả. 

Qua đây, mỗi người con Phật chúng ta hẳn sẽ càng cố gắng tô bồi cho mình tâm hiếu hạnh viên mãn hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, đó không chỉ là cách để báo đền ân nghĩa sâu dày của hai đấng sinh thành, mà đó còn là nhân lành cốt yếu trong việc tu dưỡng phẩm hạnh và phúc đức, hướng tới thành tựu mọi hạnh nguyện tốt đẹp, lớn lao giữa thế gian. 
Giữ gìn tròn vẹn hai chữ “hiếu nghĩa”
Ban Lien Huu 6 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Biết trân quý sự sống - Nghệ thuật sống để chế tác an lạc, hạnh phúc
Đức Phật từng dạy rằng: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, có nghĩa là chúng ta chẳng thể chờ đợi sự cứu vớt từ bất cứ một ai, bởi chỉ có mình mới có thể cứu được mình ra khỏi vũng lầy mê vọng”.