Hiện tại lạc trú – Tuỳ duyên bất biến
Theo Phật giáo, “ở đời vui đạo” phải dựa trên nền tảng 4 chữ: “Hiện tại lạc trú” hay “Hiện pháp lạc trú”, tức là cách vun trồng hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại và ngay đây.

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà sẵn báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền

(Cư trần lạc đạo - Phật hoàng Trần Nhân Tông)

Bài thơ Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông cho chúng ta phần nào hiểu tôn chỉ của Thiền phái Trúc Lâm. Đạo là nền tảng cho mọi hoạt động ở đời, và mọi hoạt động ở đời chính là Đạo.

 
 

Đời và Đạo như là hai mặt của một bàn tay luôn luôn song hành và nương theo mà tồn tại. Nếu không có Đời thì sẽ không có Đạo. Có mặt này thì không thể thiếu mặt kia. Cho nên, Chư Cổ Đức mới nói: “Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian mà giác ngộ”. Chính vì thế, ngay cả những chuyện sinh hoạt trong đời sống như ăn, uống, ngủ nghỉ, gánh nước, quét nhà…cũng đều là Phật pháp. 

Khái niệm ở đời cho thấy, Đạo Phật không trốn tránh với thực tại mà dạy con người đủ sức nhìn rõ bản chất mọi vấn đề để tìm ra nguyên nhân của những khó khăn bế tắc, khổ đau, trở ngại cho đến những chướng duyên trên đường đời để từ đó ta bình tĩnh hơn, vững chãi hơn và trí tuệ hơn khi đứng trước phiền não, khổ đau. 

Phật giáo nhận định rằng, quy luật nhân quả là yếu tố chi phối và quyết định tiến trình của mọi nhân duyên, mọi sự vật trên đời. Do vậy, trong cái “vui đời”, làm sao ta nhận được các giá trị phúc báo trên sự chân chính và không để hối hận về sau. 

Qua bài kể này, Phật hoàng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần tuỳ duyên bất biến của nhà Phật, đó chính là vui lòng chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, tạm ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Chúng ta ngưng tìm hạnh phúc ở bên ngoài, nên không còn mong muốn cũng như áp đặt nhân duyên phải thuận theo ý mình. Cho nên, khả năng tuỳ duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng thênh thang. 

Khái niệm “trong nhà sẵn báu” nhằm ám chỉ trong kho tàng tâm của mỗi chúng ta đều đã có sẵn Chân như Phật tính. Đây chính là bản tính trong sáng, thanh tịnh tròn đầy và bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh. Tự tâm là Phật, thì thế giới bên ngoài cũng là châu báu, trong ngoài điều cùng một thể, không cách ngăn, không tăng giảm, không gián đoạn. Triết lý này dạy ta niềm tự tin vào năng lực vốn có của mình, khơi dậy tiềm năng vô tận của chính mình mà chẳng cần tìm kiếm ở bất cứ chốn nào xa xôi.

“Vô tâm” là không để cho tâm chấp trước, khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng trần cảnh không sinh phân biệt, không mê đắm cũng chẳng chán bỏ. Tức là, mắt thấy sắc không có đẹp xấu, tai nghe âm thanh chẳng chấp có hay dở, mũi ngửi chẳng nhiễm hương mà chối bỏ tanh hôi, lưỡi nếm vị chẳng ham ngon chê dở, cứ nhẹ nhàng tĩnh tại để cho tâm thư thả, bình an. 

Phật giáo cũng chỉ ra rằng, “ở đời vui đạo” phải dựa trên nền tảng 4 chữ: “Hiện tại lạc trú” hay “Hiện pháp lạc trú”, tức là cách vun trồng hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại và ngay đây. Có nghĩa là, tâm ý sống trọn vẹn trong hiện tại, không tìm về quá khứ, chẳng đuổi kiếm tương lai, tinh tấn không ngừng trên lộ trình làm mới thân tâm luôn hướng thượng, hướng thiện. 

Có thể nói, tinh thần “Cư trần lạc đạo” của Đức Phật Hoàng như ngọn đèn thiền toả rạng soi sáng cho thế nhân về việc sống giữa đời mà không bị nhiễm đời, giác ngộ Vô thượng Bồ đề ngay trong phiền não khổ đau, thành Phật ngay giữa cõi sa bà ngũ trược. 

Hiện tại lạc trú – Tuỳ duyên bất biến
Ban Lien Huu 10 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tu dưỡng lời nói hỏa ái, thiện lương
Ngôn từ là một phương tiện mang sức mạnh to lớn, chẳng thế mà người xưa từng có câu “Thiện ý một câu ấm cả mùa Đông, lời ác lạnh người suốt tháng Hạ”.