Lời Phật dạy - Bát Chính đạo – Nền tảng của tòa thành giác ngộ
Thực hành Bát Chánh Đạo là tự trang bị cho mình đôi cánh của từ bi và trí tuệ để tung bay trên bầu trời tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn.


Tu hành có tám chi phần:

Nhận thức chân chính để dần sửa tâm

Tư duy chân chính thậm thâm

Ngôn ngữ chân chính chẳng lầm oán than

Hành động chân chính thường an

Nghề nghiệp chân chính nhẹ nhàng tương lai

Chuyên cần chân chính không sai

Tư duy chân chính nhớ hoài pháp minh

Định tâm chân chính tuệ sinh

Trung đạo là lối để mình giác mê

Như Lai chỉ rõ đường về

Giải thoát an lạc là quê muôn đời.

(Kinh Chuyển Pháp Luân)

 
 

Bát chính đạo là tám phương tiện vi diệu đưa chúng sinh thiết lập một đời sống an lạc ngay hiện tại, đồng thời đến gần hơn với giải thoát giác ngộ. Theo Đức Phật đưa ra, yếu tố đầu tiên trên con đường Bát Chính đạo là “Chính kiến”: “Chính” là ngay thẳng, đứng đắn, “kiến” là thấy, nhận biết. Vậy, Chính kiến nghĩa là sự nhận thức sáng suốt và đúng đắn với chân lý trên căn bản của trí tuệ, không còn vướng bụi tà kiến, chẳng bị mê lầm vọng chấp che mắt.

Hiểu biết chân chính nghĩa là biết tất cả sự vật hiện hữu trên thế gian này đều do nhân duyên sinh, luôn luôn biến chuyển vô thường, không có bất cứ thứ gì trường tồn, bất diệt. Nhận thức rõ nhân quả nghiệp báo để ý thức hơn trong từng lời nói, hành động và ý nghĩ sao cho thiện lành, lợi ích. Nhận thức rõ: Khổ - Vô thường – Vô ngã vốn là bản chất của vạn pháp tại thế gian. “Chính tư duy” là bước thứ hai, có nghĩa là suy nghĩ chân chính, không trái với lẽ phải. Suy nghĩ chân chính tức là hiểu được nguồn cội gây khổ đau cho mình, và cho người đó là vô minh, là tham – sân – si. Bởi thấu hiểu một cách thông suốt, ta mới nỗ lực trên lộ trình tu tập giải thoát cho tự thân. 

“Chính ngữ” tức là thực tập nói lời thành thật, ngay thẳng, hòa nhã, giản dị, khen ngợi. Và hơn thế, cần nói lời chân lý, lợi ích có tác dụng chuyển hóa mê tâm, khai mở từ bi và trí tuệ nơi mỗi người. 

“Chính nghiệp” là hành động tạo tác trong đời sống, cần phải sáng suốt, chân chính, tôn trọng lẽ phải cũng như quyền sống của mọi người, mọi loài, không tổn hại đến nghề nghiệp, tài sản, danh tiếng và địa vị của kẻ khác. Thêm vào đó, là biết gìn giữ tính hạnh, biết hy sinh chính đáng để đem lợi lạc cho quần sinh. Tiếp đó, chúng ta phải thực hành “chính mạng”. Mạng ở đây nghĩa là sinh mạng, sự sống. Phật giáo đề cao sự bình đẳng của mọi chúng sinh, vậy nên Đức Thế Tôn mới dạy người Phật tử cần chọn lấy nghề ngiệp chân chính, thiện lương, không bóc lột, không xâm hại đến lợi ích của tha nhân. 

“Chính tinh tiến” nghĩa là cố gắng không nản, một lòng hướng thực hiện lý tưởng đúng đắn mà mình đang theo đuổi. Sự nỗ lực đúng đắn là khi hành giả không ngừng cố gắng, tiêu diệt các thói hư tật xấu, điều phục ba nghiệp, đồng thời vun đắp những điều thiện lành, thường hẳng trau dồi phúc đức, trí tuệ.

Tiếp đến là “Chính niệm”. “Niệm” tức là ghi nhớ, suy nghĩ. Trong Chính niệm được chia làm hai yếu tố: Suy nghĩ về quá khứ và quan sát hiện tại, bắt đầu tương lai. Như vậy, “Chính niệm” tức là nhớ đến bốn ân đức sâu nặng để báo đền. Nhớ đến những lỗi lầm xưa cũ, tránh để tái phạm trong hiện tại và tương lai. Và quan trọng nhất, bản thân cần ý thức được khoảnh khắc hiện tại là đáng quý nhất, từ đó tập trung quán niệm thực tướng của của các pháp để vững tiến trên con đường giải thoát. 

Chi cuối cùng trong Bát Chính đạo là “Chính định”, nghĩa là tập trung tư tưởng tu tập thiền định đúng với chân lý, lợi mình và người. Chỉ có Chính định mới giúp chúng ta trở về tỉnh thức, nhìn thấu bản tính vô thường, duyên khởi của muôn sự, vạn vật, loại bỏ đi những lo lắng, sợ sệt, nghi ngờ, tham luyến, giận dữ hay ảo tưởng, huyễn hoặc về thế giới và nhân sinh. 

Qua con đường Bát Chính đạo, chúng ta có cơ hội tiếp cận một pháp tu vô cùng thiết thực đối với cả hai chúng xuất gia và tại gia. Người Phật tử có thể ứng dụng 8 chi nhánh ấy trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào nhằm giữ gìn thân – khẩu – ý của chúng ta luôn thuần thiện, sáng trong. 


Lời Phật dạy - Bát Chính đạo – Nền tảng của tòa thành giác ngộ
Ban Lien Huu 28 tháng 6, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Lời Phật dạy - Học lấy chữ Nhẫn để tạo nên nghiệp lành, vãng sanh cực lạc
Nhẫn nhục là một hạnh lành, là một thái độ khiêm cung và còn là một lối sống đẹp. Có trí tuệ và từ bi, chúng ta sẽ đủ sức kham nhẫn, chấp nhận và vượt qua tất cả chướng ngại một cách nhẹ nhàng