Dạy việc lợi ích giúp người thân
Kính trên nhường dưới phúc tăng dần
Học nghề đúng mức tài năng trưởng
Khéo giữ gia tài không tán phân
(Kinh Thiện Sinh)
Với lời kinh này, Đức Phật dạy chúng ta cách ứng xử với người thân trong gia đình và bằng hữu. Người dạy: “Nhờ sống thân kính, nên được an ổn không lo sợ gì”. “Thân kính” tức là tôn trọng trên dưới, có trật tự, nề nếp, gia phong, hiếu thuận, luôn tương thân tương ái, trợ giúp lẫn nhau. Nhờ vậy, thân bằng quyến thuộc sẽ trở thành nơi sản sinh ra nguồn năng lượng yêu thương đoàn kết và tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn. Một trong sáu điều đạo đức của người tại gia được Đức Phật dạy là “bố thí” ba-la-mật. “Bố thí” là thước đo, và cũng chính là nhịp cầu giúp đỡ người thân. Trong gia đình, chúng ta phải có tinh thần bố thí, sẵn sàng giúp đỡ anh chị em cùng bà con thân thuộc. Không giúp đỡ bằng vật chất thì có thể hỗ trợ bằng công sức, sự quan tâm nâng đỡ và khích lệ tinh thần.
Để có thể nuôi sống bản thân gia đình, giúp đỡ cho người thân và rộng hơn là cống hiến trong những thiện nguyện xã hội, chúng ta phải có được công việc ổn định. Cuộc sống có vô vàn công việc khác nhau để chúng ta lựa chọn, nhưng có một điều tất yếu cần phải nhớ, đó chính là: Nếu công việc, nghề nghiệp nào đem lại tổn hại cho bản thân, cho mọi người và làm tổn thương các sinh vật sống khác, thì đó đều là những công việc sai trái, sẽ đem lại nhiều hệ quả bất thiện cần tránh tạo tác. Lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, đó là chỉ làm những công việc thiện lành chính đáng, không gây ra đau khổ phiền não cho mình và tất cả chúng sinh, sống một đời tràn đầy năng lượng an vui, tích cực.
Ngoài việc giáo huấn về đạo đức tu tập, Đức Phật còn khuyên dạy người Phật tử cần phát huy tuệ giác để quản lý và chi tiêu tài sản sao cho hợp lý, đúng mức và có lợi ích cho cả hiện tại và đời sau. Theo Đức Phật, tài sản do mình làm ra cần được chia thành 4 phần:
1. Một phần tư tài sản để chi tiêu cho cuộc sống
2. Một phần tư của khối tài sản để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh
3. Một phần tư tài sản để dành phòng khi ốm đau hoặc bất trắc
4. Một phần của khoản để dành có thể đem cúng dường, bố thí, giúp đỡ cộng đồng cùng với các chi phí giao tiếp khác.
Chính nhờ thái độ biết sống này mà trong cơn đại dịch Covid-19 vừa qua, tại những vùng cách ly, người dân vẫn thấy ấm lòng khi đồng bào trong đó có nhiều Phật tử san sẻ thức ăn, vật dụng, chỗ ở tiện nghi, đầy đủ. Nhiều bữa cơm miễn phí được các nhóm thiện nguyện đi phát khắp các nẻo đường. Như vậy, các Phật tử càng phần nào thấm thía hơn lời dạy của Đức Phật về một đời sống giản đơn, luôn ý thức việc ăn, mặc, ngủ chỉ cần vừa đủ, đừng xa xỉ lãng phí, mà phải biết quản lý gia sản một cách thông minh và có ích.
Từ lời dạy của Đức Phật, chúng ta thấy Ngài là Bậc Giác ngộ, khai sáng con đường tuệ giác Tối thượng, với lòng từ bi cùng trí tuệ siêu việt ra ngoài phiền não nơi ba cõi. Con đường giác ngộ ấy không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số nhân sinh, là nền tảng thiết lập hạnh phúc ngay hiện tại cũng như tương lai. Mà đồng thời còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản, nhân văn cao thượng và trở thành một Di sản Văn hóa vô giá của nhân loại, hôm nay và mãi mãi về sau…