Lời Phật dạy - Nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với vạn vật
Phàm là con người, phải thường ghi nhớ về bốn ân đức lớn, đó là: Ân cha mẹ, Ân quốc gia xã hội, Ân Tam Bảo và Ân chúng sinh. Đây là một trong những lời dạy quan trọng mà Đức Phật răn nhắc chúng sinh cần nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.

Đức Phật dạy về bốn ơn sâu

Ơn cha ơn mẹ đứng hàng đầu

Nhớ ơn chúng sinh, ơn Tổ quốc

Ân đức Tam Bảo quên được đâu

(Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán)

 
 


Trong Kinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân chép rằng: Phàm là con người, phải thường ghi nhớ về bốn ân đức lớn, đó là: Ân cha mẹ, Ân quốc gia xã hội, Ân Tam Bảo và Ân chúng sinh. Đây là một trong những lời dạy quan trọng mà Đức Phật răn nhắc chúng sinh cần nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày. Bởi lẽ “cây có cội, nước có nguồn”, bất cứ ai sống trên đời đều nương nhờ vào rất nhiều những nhân duyên tác thành và hỗ trợ. Cho nên, biết ơn chính là nền tảng đạo đức căn bản, dần dần dung dưỡng nên những việc làm tốt đẹp khác đối với nhân sinh thế giới. 

Trong Tứ ân, đứng đầu là Ân đức của cha mẹ có công sinh thành nuôi dưỡng, cho chúng ta học hành, lo dựng vợ gả chồng cũng như theo dõi mỗi bước chúng ta trong suốt cuộc đời. Do đó, người làm con cần phải trân trọng gìn giữ và tìm cách báo đáp bằng tấm lòng hiếu kính, đồng thời phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già như là một nghĩa vụ thiêng liêng của đời mình. Tuy nhiên, theo Phật giáo, báo hiếu không chỉ đơn thuần là cận kề chăm sóc, khiến cho cha mẹ vui vẻ, mà hơn thế còn phải hướng cha mẹ tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành, biết buông bỏ những điều bất thiện, sống hướng thượng trên con đường chính hạnh, bình yên, hạnh phúc mai sau.

Bên cạnh những ân đức đó, chúng ta cũng cần ghi tạc ơn đức của Tam Bảo. Đức Thế Tôn đã khai sáng con đường chân chính để chúng ta tu tập, mở ra lộ trình giải thoát để đi tới hạnh phúc tối thượng. Nhờ có chính pháp, chúng ta biết làm sao để không sa đọa vào chốn địa ngục tối tăm, ngã quỷ đói khát thiêu đốt, hay cõi súc sinh ngu muội. Nhờ chư Tăng hoàng truyền và giảng giải đạo lý mà ta thấu hiểu, khai mở trí tuệ. Ngày ngày nương theo đức hạnh từ bi của chư Tăng, sống đời phạm hạnh, chế tác năng lượng bình an và hướng tới an lạc ngay trong hiện tại cũng như tương lai. Cho nên, chúng ta không thể quên đi ân đức lớn lao ấy. Có nhớ ơn, chúng ta mới biết cách báo ơn. Và khi muốn báo ơn, chúng ta mới nhiệt tâm tu học, thực hành Phật pháp, hỗ trợ chư Tăng ni có điều kiện tu học, cũng như hết lòng hy sinh phụng sự Tam Bảo và chúng sinh.

Ngoài ơn cha mẹ sinh dưỡng, ơn Tam Bảo, thầy cô dạy dỗ, ơn quê hương đất nước thì còn ơn của vạn loài chúng sinh. Cuộc sống này không có bất cứ thứ gì tồn tại một cách độc lập. Bản chất ta và chúng sinh muôn loài vạn vật luôn có nhân duyên gắn kết chẳng thể tách rời, từ đó mới tạo nên trạng thái cân bằng cuộc sống. Bởi vậy, không có một giây phút nào mà chúng ta không tiếp nhận ân đức của tha nhân. Vậy nên, nhớ ơn chúng sinh là cách hay nhất để tạo nên động lực, giúp chúng ta vui vẻ, kham nhẫn những khó khổ trên hành trình tu tập, luôn trải từ tâm đến hết thảy muôn loài và nỗ lực xây đắp tịnh độ an vui cho thế gian.

Giáo lý Tứ đại trọng ân giúp chúng ta nhận ra rằng: Mọi người, mọi vật cho đến thiên nhiên cây cỏ đều nuôi dưỡng và hỗ trợ chúng ta. Bằng cách nuôi dưỡng lòng biết ơn vô hạn đối với tất cả, chúng ta sẽ ý thức về việc bản thân phải sống một đời ý nghĩa, không ngừng tu dưỡng nhằm tự hoàn thiện mình để tạo nên những giá trị thiết thực báo đáp đền ân đức sâu nặng ấy. 

Lời Phật dạy - Nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với vạn vật
Ban Lien Huu 22 tháng 6, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Đạo Phật mang ánh sáng soi chiếu cuộc đời
Gặp gỡ Phật pháp là bước ngoặt cuộc đời của nhà thơ Lương Đình Khoa. Đạo Phật như một cơn mưa đã tưới tẩm cho anh rất nhiều nguồn năng lượng tích cực. Từ đó, thơ anh viết luôn mang hơi hướng thi vị liên quan đến Phật giáo, viết không chỉ để giãi bày mà muốn hướng người đọc đến những suy nghĩ tích cực, chỉ cho họ cách đối diện và mỉm cười với những khổ đau. Đó cũng chính là sự giác ngộ tỉnh thức theo quan niệm nhà Phật.