Con đường Như Lai đã tìm ra
Là đường Trung đạo vượt lẽ tà
Tránh đi khổ hạnh và hưởng lạc
An vui tuệ giác vượt trùng ba
(Kinh Chuyển Pháp Luân)
Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân cho năm anh em Kiều Trần Như tại Vườn Nai (Lộc Uyển) về pháp Trung đạo. Qua sự thực chứng, Đức Thế Tôn đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh nhân sinh về lẽ thật cuộc đời. Đồng thời, kiên quyết khẳng định rằng, nếu con người còn vướng mắc trong hai trạng thái cực đoan là mê đắm hưởng thụ và khổ hạnh ép xác, thì vĩnh viễn không thẻ giải quyết được cội nguồn sinh từ khổ đau.
Thái cực thứ nhất chính là đắm mình trong dục lạc thế gian như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều đẩy con người đến những bất an, khổ đau vô tận. Cho nên, tránh xa những tham đắm dục lạc là điều tiên quyết để trả lại một cuộc đời bình phàm, biết đủ thường vui. Cực đoan thứ hai, tức là tự hành hạ mình bằng các hình thức khổ hạnh ép xác khiến thân thể đau đớn cùng tột, tâm hồn u mê thiếu sáng suốt.
Nghĩ tưởng rằng tương lai có thể giải thoát khổ đau nhưng rốt cuộc càng nỗ lực lại càng xa đích đến. Đức Phật không chủ trương hưởng thụ một cách cực đoan nhưng không đồng nghĩa tuyệt đối bác bỏ việc kiếm tiền và tiêu dùng vật chất một cách hợp lý. Bởi lẽ, những thứ vốn là những nhu cầu thiết yếu cần và đủ của nhân loại thì đương nhiên có thể duy trì ở một mức vừa phải.
Trung đạo là con đường tu dưỡng hướng nội, bằng phong cách sống tương ứng với giáo pháp và hòa hợp với thiên nhiên. “Trung đạo” hay còn gọi là “Bát chính đạo” bao gồm” Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Có thể nói, đây là con đường tám nhánh, sẽ đưa hành giả tới giải thoát, an vui. Là con đường soi sáng tâm linh giúp chúng ta hoàn thiện bản thân qua ba nghiệp thân, khẩu, ý. Bởi thấu hiểu bản chất cuộc sống vô thường, chúng sinh ai cũng mang trong mình những nỗi khổ, niềm đau riêng. Đức Phật đã từ bi chỉ cho chúng ta biết quay về nuôi dưỡng thế giới nội tâm, làm chủ và dần chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của chính mình thành an lạc, hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.
Nhờ thực tập lối sống Trung đạo, thực hành Bát Chính đạo, chúng ta hoàn thiện cho mình một nhân cách cao thượng, sống hòa hợp giữa thế gian, biết tha thứ, yêu thương con người cùng muôn loài. Và khi đó, hẳn là chúng ta sẽ luôn nhìn nhau bằng con mắt từ bi hơn, bao dung hơn.