Lời phật dạy – Thực tập “Tâm buông xả”
Lời phật dạy – Thực tập “Tâm buông xả”


 Không tham mà biết cho đi

Trồng sâu nhân thiện phúc gì lớn hơn!

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, khi mà đức Phật còn tại thế, Ngài đã hỏi một vị Sa môn rằng: "Tuổi thọ của con người thường kéo dài trong bao lâu?". Vị này sau đó mới trả lời rằng: "Chỉ dài bằng một hơi thở". Đức Phật liền nói rằng: "Đúng vậy, ông là người hiểu đạo". 

Hơi thở có thể hiểu là sự giác ngộ, một hơi thở ra không màng thế tình thế thái, như vậy thân tâm an lành, giác ngộ hơn cả. Nếu cuộc sống của con người chỉ tồn tại "dài bằng một hơi thở", vậy thì sao ta phải để tâm mình mãi luẩn quẩn trong phiền não, khổ đau, trong "tham - sân - si"? Chẳng phải nếu ta biết cách buông xả, quên đi những danh lợi hão huyền, bỏ đi ba độc "tham - sân - si" thì tâm sẽ thanh tịnh, an lạc hay sao? 

 
 

Từng nghe Đức Thế Tôn dạy rằng: Người nào muốn thoát khỏi thân bệnh, không bị tai nạn, gia đình được đầm ấm, yên vui, con cháu hiếu thảo, vợ chồng thuận hòa, sống trong tình nghĩa yêu thương tràn đầy hạnh phúc thì hãy sống và thực hành theo đúng theo “Mười điều thiện”. 

Của cải, tài sản vốn là nhu cầu sinh sống của mọi người trên thế gian. Một phần là do phúc báu đã tích trữ từ nhiều kiếp nên đời này được đầy đủ được sung túc trọn đời, còn đa phần là nhờ chịu khó làm ăn, chăm chỉ thức khuya dậy sớm, biết tiết kiệm mới có được. Chính bởi vậy, người ta xem những thứ của cải vật chất ấy quan trọng như sinh mạng của mình nên dân gian có câu “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. 

Do đó, khi bị tước đoạt mất, con người ta sẽ đau khổ vô cùng. Có thể chia ra hai hình thức trộm cướp: một là loại trộm cướp trực tiếp, thứ hai là gián tiếp bằng cách lừa đảo hay gian lận. Lòng tham của con người là vô đáy, nếu không tỉnh thức tự chủ thì tâm trí sẽ bị nó che mờ, tương tri sẽ bị nó bịt mắt khiến chúng ta sa vào vũng lầy của mưu mô, ác độc. Tự mình đẩy bản thân rơi vào chốn tù tội, lao hình thống khổ. Không chỉ vậy, còn để lại những quả báo hết sức sâu nặng. Đời sau bị đọa vào địa ngục, thường phải chịu cảnh đói lạnh, nhiều kiếp lâu sau mới được sinh làm người, dự báo luôn bị đói khát, nghèo cùng khốn khổ. 

Bởi vậy, người Phật tử chân chính cần tin sâu nhân quả, quyết không làm điều tổn hại đến người khác, tránh xa mọi tội lỗi bất thiện. Bên cạnh việc khuyên dạy con người không được trộm cắp thì Đức Phật đồng thời còn khuyên dạy chúng ta phải biết phát tâm bố thí, cúng dường thì sẽ được mười quả báo phúc lành. 

Đức phật có dạy: Bố thí mà không chấp vào tướng thì phúc đức rộng lớn như hư không, chẳng những mình không tham lam của người mà còn bỏ đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình ra bố thí cúng dường thì những người ấy không bao giờ phải lâm vào cảnh nghèo đói, túng thiếu.

Giữ giới không trộm cắp là thực tập “Tâm buông xả”, biết buông xả nhất định lòng sẽ thảnh thơi, ít sầu lo, không có gì phải tính toán hơn thiệt, thân tâm thường an lạc, phúc đức luôn tăng trưởng. 

Buông xả tức là ngoài không sở cầu, trong không sở đắc. Buông tức là không bám víu bên ngoài, xả là ý niệm tâm tư bên trong. Buông xả chính là đưa tâm về với an yên thanh tịnh, không gì có thể khiến tâm khởi động. Chỉ khi tâm thanh tịnh thì an lạc yên vui mới đến, khi ấy mới là hạnh phúc chân thực của đời người.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Lời phật dạy – Thực tập “Tâm buông xả”
Ban Lien Huu 18 tháng 6, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Lời phật dạy - Người biết đủ là người giàu có và hạnh phúc nhất
Lời phật dạy - Người biết đủ là người giàu có và hạnh phúc nhất