Đức Thế tôn chỉ dạy,10 nghiệp lành là những việc thiện nguyện, mang lại công đức to lớn mà bất cứ ai, dù là chúng xuất gia, Phật tử tại gia hay người thường cũng nên chuyên cần thực hành để hướng về vô lậu giải thoát Niết Bàn, cho đến thành Vô Thượng Chính giác. Và điều đầu tiên trong Thập thiện nghiệp, Đức Phật dạy rằng:
Sự sống muôn loài thảy cùng nhau
Có thân như mình cũng biết đau
Nỡ nào giết hại mà gieo oán
Từ bi thương xót phúc về sau
(Kinh Thập Thiện)
Đạo Phật vốn luôn đề cao sự bình đẳng, bởi cho rằng hết thảy chúng sinh đều có sẵn bản tính Phật và đều có thể tu tập, giác ngộ thành Phật. Do đó, người học Phật cần nuôi dưỡng, phát triển tâm từ bi đến với muôn loài. Việc giết hại sẽ đem lại khổ đau cho con người, và vô số chúng sinh. Hơn nữa, việc đoạn mạng sống của chúng sinh tức là đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự bào mòn và tàn phá tâm từ bi của chính mình. Sự cảm nhận niềm đau nỗi khổ của chúng ta và của muôn loài đều giống nhau không khác. Tất cả chúng sinh trong 6 cõi luân hồi đều là thừa tự của nghiệp, để rồi đi tái sinh theo sự chi phối, dẫn dắt của nghiệp lực. Khi trả hết ác nghiệp mới có thể trở lại thân người, trái lại nếu không gieo trồng cội phúc, chạy theo tà kiến, ngu si, ác độc làm việc dữ thì sớm muộn gì chúng ta cũng đọa vào các cảnh giới đau khổ.
Người đệ tử Phật tin nhân quả, muốn cắt đứt guồng xoay của trả vay nhân quả, thì nhất định chúng ta phải xa lìa việc sát sinh hại vật, thương yêu mạng sống của chúng sinh dù cho là nhỏ bé đến đâu. Phật giáo cũng chỉ rõ quả báo của việc sát sinh là: Những ai sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh. Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung bị thác sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, trở lại làm người nhưng sinh ra ở bất cứ nơi nào, người ấy cũng chịu bệnh tật, dày vò, mạng sống ngắn ngủi.
Chúng ta biết rằng, đạo Phật là đạo của tình thương và lòng cảm thông sâu sắc luôn tôn trọng sự sống, sinh mạng của tất cả các loài chúng sinh. Trong kinh, Đức Phật có dạy: Nếu xa lìa sát sinh thì được thành tựu mười pháp không bức não, trong tâm luôn được an lạc, hạnh phúc, luôn là tấm gương sáng cho con cái noi theo, được mọi người yêu mến tôn trọng, lời nói luôn có giá trị, được mọi người tin tưởng muốn thân cận, không bị tổn thất về tài sản, hiện đời sống an vui, sau khi chết không phải trả quả báo vì giết hại. Tránh rơi vào ba đường ác: ít bệnh sống lâu, không lo sợ quả báo đòi mạng, vì thế dễ nhiếp tâm, mau đạt Thiền định hướng đến trí tuệ, giác ngộ giải thoát. Đây chính là bước thiền căn bản để những người học Phật chúng ta tiến xa hơn trên lộ trình giác ngộ. Do vậy, những đệ tử Phật chúng ta nên tinh tiến, kiên trì giữ gìn và thực hành đức hiếu sinh, nuôi dưỡng lòng từ với hết thảy muôn loài, vạn vật. Chớ nên hại vật sát sinh, tu nhân tích đức phúc mình thanh cao. Và người tu tập trọn vẹn cả mười thiện nghiệp thì công đức là bất khả tư nghị.