Phúc Trí Lưỡng Toàn - Thành Tựu Phật Quả
Đức Phật từng dạy rằng: “Hết thảy chúng sinh đều có đủ trí tuệ, đức tướng của Như Lai”. Thế nhưng tại sao, hiện tại chư Phật và chúng ta lại có nhiều điểm sai khác lớn lao như vậy? Bởi trí tuệ Vô thượng của chư Phật chẳng còn bất cứ một hạt bụi vô minh nào làm chướng ngại. Trong khi, chúng ta lại vướng mắc trong rặng mây mù của phiền não tăm tối.

Con Phật tu Tuệ hướng Thế Tôn

Căn lành vững chãi vượt càn khôn

Trời người qua lại trong bảy kiếp

Sẽ đạt Niết bàn tịnh lạc môn.

(Kinh Người áo trắng)

 
 

Phật dạy chúng ta diệt hết “Tham – Sân – Si”, siêng tu “Giới – Định – Tuệ”. Đây chính là con đường đưa hành giả ra khỏi sự bủa vây của sáu cõi luân hồi, thoát lìa khổ đau. Muốn thực hiện hóa lý tưởng đó thì chúng ta luôn phải nhớ áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày, lấy chính pháp làm ngọn đèn soi tỏ mọi góc tối mê si, dần dần khai mở tuệ giác. 

Hiểu rõ thế gian là vô thường, thì khi có những biến cố ập đến với bản thân và gia đình mình, chúng ta không hốt hoảng, sợ hãi mà sẽ giữ được tâm bình tĩnh. Bởi hiểu lý nhân quả, nên ta không sợ cũng như đủ sáng suốt để giải quyết mọi việc một cách nhẹ nhàng, thỏa đáng. Đồng thời, biết rằng mọi danh lợi tài sắc ở thế gian là vô thường, tạm bợ. Tham đắm đuổi bắt nó rốt cuộc ta chỉ chuốc khổ về mình và gây đau khổ cho người. 

Cho nên, Đức Phật dạy: “Biết dừng lại đúng lúc, biết hướng thiện và hướng thượng để đưa cuộc đời mình về phía ánh sáng”. Hơn nữa, việc tu phúc cần xuất phát bởi lòng từ bi. Có tâm từ bi thì ta mới thương người, giúp vật vô điều kiện, không đòi hỏi. Còn tu tuệ thì xuất phát từ lý trí, biện biệt được lẽ chính – tà: chân – ngụy. Trong khi Phật dạy, người Phật tử cần phải gia công tu tập cả hai: “Phúc trí lưỡng toàn mới thành tựu Phật quả”. Cho nên, không thể khuyết thiếu một trong hai, bởi nếu chỉ có từ bi mà không có trí tuệ, thì từ bi đó dễ trở thành mù quáng. Ngược lại, nếu chỉ biết tu tuệ thì đó lại là trí tuệ bị đóng băng, chẳng thể làm lợi lạc cho tha nhân. Vì vậy, người Phật tử cần phải song tu “Phúc – Tuệ”.

Để có cuộc sống an lạc hiện tại và hướng đến con đường giải thoát, người noi theo gót chân Phật không những phải thực hành Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện mà ngày càng phải tinh tiến hơn nữa trong việc trau dồi chân nghĩa Tứ diệu đế, Bát chính đạo, mới mong rằng chúng ta ở giữa chốn Sa bà ngũ trược phiền não, vẫn có thể nương học giới hạnh của chư Tăng, nương vào giáo Pháp mà thấy được niềm hi vọng và ánh sáng để bước ra khỏi sáu đường như “hoa sen vượt thoát bùn nhơ, tự trở nên thanh khiết, vô nhiễm”. 

Người tu hiểu rõ khổ vô thường
Gắng công tu tập Giới Định Hương
Lắng trong phiền lụy nơi ba cõi
Tuệ sinh giải thoát tri kiến hương.

Phúc Trí Lưỡng Toàn - Thành Tựu Phật Quả
Ban Lien Huu 3 tháng 8, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Bốn tăng thượng tâm – Hướng thượng và hướng thiện
Bốn tăng thượng tâm là các pháp quán niệm về Phật, quán niệm về Pháp, quán niệm về Pháp, quán niệm về Tăng và quán niệm về Giới. Đây được xem là những tâm hướng thượng và hướng thiện, giúp cho người tại gia có thêm niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo, khiến mình và người hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.