Không bài xích người, giấu chuyện mình
Nói lời lành thiện sống văn minh
Thân gần học hỏi nơi bậc trí
Phúc đức cho ta, lợi quần sinh
(Kinh Thiện Sinh)
Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Thật vậy, Khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương trên thân thể theo thời gian có thể lành lại, nhưng vết thương từ lời nói có thể in mãi trong lòng, thấu tận tâm can, chẳng biết khi nào mới lành lặn được.
Theo giáo lý của Đức Phật, trong mười nghiệp bất thiện thì “khẩu nghiệp” có bốn thứ, tức là đã chiếm gần một nửa.
Bốn khẩu nghiệp đó gồm:
- Một là vọng ngữ - nói dối, nghĩa là nói những điều trái với lẽ phải và sự thật. Phật giáo coi trọng sự thật và điều thật. Chính vì vậy mà nói dối là một trong những tội nghiệp nặng nhất. Nói dối lâu ngày sẽ thành thói quen, nghiệp báo nặng nề: Người gặp thì đề phòng, bạn bè thì lánh xa, nhân duyên vụt mất, phước lành tu tập không còn. Nhiều người tu tập cả đời, nhưng lại nói dối (dù là ý tốt hay xấu) thì cũng bằng không.
- Hai là nói hai chiều – dèm pha, tức là nói xấu người này trước mặt người khác hoặc ngược lại, làm cho hai bên hiểu lầm nhau sinh ra mâu thuẫn, oán kết, trở thành kẻ trung gian đưa chuyện gây hiềm khích giữa hai bên. Đem chuyện người này ra nhạo báng, khích bác người nọ làm cho họ oán giận, thù ghét lẫn nhau. Người nói lưỡi hai chiều là người có tà tâm, thiếu đi sự trong sáng, dùng miệng ác mà gây chia rẽ thù oán, bất an cho tha nhân.
- Thứ ba là nói lời thêu dệt: Tô vẽ, phóng đại sự việc lên khiến cho sự thật bị bẻ cong hoặc bị hiểu một cách sai lạc.
- Thứ tư là nói lời ác khẩu, là dùng những lời lẽ độc ác, nguyền rủa, cay nghiệt làm tổn thương tâm trí người khác.
Nhiều người nói con độc miệng nhưng lòng con tốt, nhưng người ấy đâu hiểu rằng lời nói bất thiện cũng như gươm đao cắt xén vào lòng người, cũng sẽ gây tổn thương và đau khổ cho người rất nhiều.
Nhiều người nói con độc miệng nhưng lòng con tốt, nhưng người ấy đâu hiểu rằng lời nói bất thiện cũng như gươm đao cắt xén vào lòng người, cũng sẽ gây tổn thương và đau khổ cho người rất nhiều.
Nếu cứ tạo khẩu nghiệp triền miên, con người không chỉ gây hại cho người ác, cộng đồng xã hội mà ngay chính bản thân họ cũng không được thanh thản, an ổn. Thậm chí, theo lực hút của nghiệp lực mà bị cuốn vào dòng thác luân hồi đau khổ. Nếu ai không sớm biết tu tâm dưỡng tính, sửa thân tích đức, nói lời lợi ích, làm việc thiện lành,… thì người đó sẽ khó tránh khỏi phiền toái, hệ lụy.
Người có tấm lòng lương thiện là người có thể mang lại bình an cho thế nhân, chứ không phải dùng lời nói của mình để đem đến đau khổ và bất an cho người.
Người có tấm lòng lương thiện là người có thể mang lại bình an cho thế nhân, chứ không phải dùng lời nói của mình để đem đến đau khổ và bất an cho người.
Bởi vậy, để tránh được những nghiệp xấu này, chúng ta cần chọn những người bạn có sự thấu hiểu và tinh tiến thực hành theo lời Đức Phật dạy. Như vậy thì, cả bạn và ta sẽ gieo trồng những nhân lành, hưởng được trái ngọt ngay cuộc sống hiện tại cũng như tương lai.
Thiện tri thức, đó là những người bạn luôn nói lời từ bi, chân thành, luôn luôn tôn trọng sự thật, từ ái, hòa hợp tạo thành mối keo gắn kết làm cho bạn bè thêm tôn trọng nhau, bà con thân quyến thêm tin yêu nhau, mọi người thêm kính quý nhau.
Trong nhà đạo, theo kinh nghiệm của Thế Tôn, thân cận những ai mà “niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm” thì đó là thiện tri thức, cần nương tựa và học hỏi chư vị này đến suốt đời. Ngược lại, thân cận những ai mà niềm tin, giới, văn, thí, trí tuệ không tăng thêm, thậm chí suy giảm đi, thì chắc chắn đó không phải là thiện tri thức, cần phải tránh xa.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nên gần gũi Thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác. Vì sao thế? Gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ-kheo gần gũi Thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác. Vì sao thế? Nếu gần gũi Ác trí thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức, chớ gần gũi Ác tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức)
Thật rõ ràng, thiện tri thức là người có khả năng giúp mình phát triển năm thiện pháp tín, giới, văn, thí, tuệ.
Tín ở đây là tin sâu Tam bảo, Phật-Pháp-Tăng. Người Phật tử chúng ta tin Phật là bậc Giác ngộ. Tin lời Phật dạy là con đường sáng để đi đến an vui, giải thoát. Tin bản thể của Tăng-già luôn thanh tịnh và hòa hợp. Tam bảo là ngọn đèn sáng soi thế gian. Tin sâu Tam bảo là đặt bước chân đầu tiên lên lộ trình giải thoát.
Giới chính là những nền tảng đạo đức, có công năng giúp người giữ giới thiết lập hạnh phúc, an vui. Người Phật tử tại gia và xuất gia có giới luật khác nhau, họ tự nguyện giữ giới vì hạnh phúc và an vui cho chính mình và mọi người. Một người sống đạo đức mới có khả năng khuyến khích người khác giữ gìn và phát huy đạo đức.
Văn chính là học tập giáo pháp. Đức Phật vì thương chúng sinh mà nói pháp đến tận cuối đời. Lời Phật dạy chính là bậc thầy hiện hữu giữa thế gian. Giáo pháp có công năng trị liệu và chuyển hóa khổ đau rất nhiệm mầu. Ai có tâm học giáo pháp thì tự thân đã hướng thiện. Ai giúp người hiểu đúng giáo pháp chính là thiện tri thức.
Thí chính là sự chia sẻ tài sản, sức lực, tri thức…, là nguồn phước đức ở thế gian. Tự mình biết chia sẻ, khuyến khích người khác lập hạnh chia sẻ để cuộc sống thêm ấm áp, tươi vui. Bản chất cuộc đời là khổ đau, hạnh thí xả như dòng nước mát tưới tẩm những bất hạnh ở đời.
Tuệ chính là sự thấy biết đúng như thật về thân, tâm và thế giới. Nghiệp lực của con người luôn ngăn cản, che lấp sự thấy biết này. Thấy rõ quy luật nhân quả, hiểu rõ về Bốn sự thật cao thượng, nhận rõ bản chất duyên sinh của vạn pháp… là những tuệ giác lớn. Tuệ giác này sẽ giúp chúng ta chuyển hóa và đoạn tận khổ đau.
Phàm những người lương thiện ở đời, ai cũng mong cầu tìm được bậc thiện tri thức để tựa nương, học hỏi. Sở dĩ chúng ta - những người đệ tử Phật - chưa giáo hóa được nhiều người, không quy hướng được họ về với chánh đạo vì đạo đức của chúng ta chưa cao, phạm hạnh chưa trọn vẹn. Khi “là người phạm hạnh phân nửa”, nghĩa là đạo hạnh còn khiếm khuyết thì chúng ta không thể là thiện tri thức, nơi quy hướng bền vững cho người.
Theo quan điểm của Thế Tôn, bậc thiện tri thức đúng nghĩa, ngoài phạm hạnh trọn vẹn, phải có khả năng dẫn dắt người đi theo con đường lành. Trong quá trình gần gũi, thân cận bậc thiện tri thức sẽ khiến cho tín, văn, thí, tuệ của chúng ta tăng thêm. Vì thế, nếu tựa nương một người, xem vị ấy là thiện tri thức (là tôn sư, là sư phụ) mà sau một thời gian niềm tin Tam bảo bị thối thất, không học hỏi được gì trong giáo pháp, tâm hạnh thí xả kém hơn xưa, nhất là lu mờ tuệ giác (sa đà vào cầu cúng, thiên về tín ngưỡng) thì chắc chắn vị ấy không phải là thiện tri thức, cần “kính nhi viễn chi”.
Với trái tim hướng thiện, tình bạn chân thật, cao thượng sẽ dẫn tới những hành động cao thượng. Chúng ta thấy rằng, cuộc sống quanh ta còn rất nhiều khó khăn, thử thách; vậy nên, hãy dùng một trái tim cảm thông, nhân ái, bao dung và vị tha để bạn và ta cùng chung chí hướng, đồng lòng góp sức mà vun đắp nhân sinh trở nên tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Cũng từ đó, nhất định chúng ta sẽ tìm được những niềm vui chân thật trong cuộc sống và đồng thời tạo cho bản thân nguồn động lực to lớn để có thể vượt qua những cám dỗ tầm thường, những hơn thua nhỏ nhặt ở đời.
Hẳn là, nếu cứ một đường nhất hướng trên lộ trình học Phật và thực hành giáo pháp như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ thiết lập cho bản thân nền tảng phúc đức thiện lành và đưa đến những kết quả tốt đẹp, viên mãn mai sau.
“Chẳng để tâm miệng đời – tiếng gần xa
Ai tốt xấu – ai khen chê cũng kệ
Miễn bản thân không bao giờ sống tệ
Thì lòng mình cứ thế khắc an yên”