Thực hành “Thiền định” – Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Trong Kinh Châu Báu, Đức Phật đã dạy rằng: Chỉ khi làm chủ được chính mình, tâm trí chúng ta mới đủ sáng suốt nhìn thấu triệt mọi vấn đề và đưa ra những quyết định cũng như giải pháp đúng đắn nhất trong cuộc sống.

Không ai mang ô nhiễm

Không gì giúp cao thượng

Ta làm ta ô nhiễm

Ta giúp ta cao thượng.

(Kinh Châu Báu)

“Gieo nhân nào, gặt quả nấy” là một trong những quy luật bất biến chi phối toàn thể vũ trụ. Vạn vật trên thế gian và xuất thế gian đều vận hành theo nguyên lý nhân quả. Cho nên, nhân quả chính là một định luật công bằng tuyệt đối, không sai lệch, không bỏ sót dù đếm một mảy bụi. Hết thảy nhân bất thiện chúng ta đã gieo thì đương nhiên ta phải chịu hậu quả khổ đau, không một ai khác có thể chịu thay cho chúng ta được. Bởi vậy, không ai mang đến khổ đau cho chúng ta ngoài chính bản thân ta, cũng như chỉ có chính chúng ta mới có khả năng mang lại hạnh phúc, an vui cho mình. 
 
 
Bằng tuệ giác, Đức Phật chỉ ra rằng, Ngài không phải là đấng toàn năng chế tác hay điều khiển quy luật nhân quả, mà chính mỗi chúng ta chính là chủ nhân thật sự nắm giữ vận mệnh của đời mình. Khổ đau do con người tạo ra thì cũng chính con người phải tự mình tìm ra đầu mối nguyên nhân sinh tử nhằm chấm dứt phiền não, khổ đau để rồi tự mình triệt phá vô minh, tự mình dập tắt tham giận, si mê mà đi tới sự giải thoát hoàn toàn. 

Gần 3000 năm trước, Đức Phật đã khẳng định: Không có đấng thần linh thượng đế nào ban phúc, giáng họa cho chúng ta cả. Ngài cũng chẳng phải là đấng Cứu Thế mà có thể tự ý cứu rỗi những kẻ khác bằng sự giải thoát của cá nhân ngài. Đức Phật khuyên dạy các đệ tử của Ngài hãy nương tựa vào chính mình để tìm giải thoát, bởi "Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gột rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch". 

Nhằm khuyên các đệ tử nên biết "tự chủ", Đức Phật đã dạy trong Kinh Bát Niết Bàn như sau: "Hãy làm những hòn đảo cho chính các ngươi, hãy làm một nơi ẩn náu cho chính các ngươi, đừng tìm chốn nương tựa nào ở kẻ khác".  

Như vậy, thanh tịnh hay ô nhiễm được quyết định bởi nội hàm nơi tự tâm mỗi người. Vì vậy, “tự chủ” là một kỹ năng cần phải kiên trì, vấn tập và thực hành không gián đoạn. Đức Phật gọi kỹ năng này là “khéo tự mình quan sát lấy mình”. Khi quan sát như vậy, chúng ta sẽ tích lũy đủ nội lực để giữ mình vững chãi trước những con sóng đam mê, dục vọng tầm thường, nẩy mình chìm nổi khắp sáu đường, trôi lăn cả ba cõi. 

Chỉ khi làm chủ được chính mình, tâm trí chúng ta mới đủ sáng suốt nhìn thấu triệt mọi vấn đề và đưa ra những quyết định cũng như giải pháp đúng đắn nhất trong cuộc sống. Vì lẽ đó, nâng cao khả năng làm chủ bản thân, giữ tâm định tĩnh trước sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh cũng như chi phối bởi cảm xúc tiêu cực bên trong, đây gọi là “định”. Nhờ có “định” mà thân tâm trở nên tịnh tại, làm nền tảng căn bản để dần dần phát khởi trí tuệ. Và khả năng tỏa sáng để suy xét thấu đáo mọi việc, tìm giải pháp thích hợp cho mọi vấn đề trong cuộc sống được gọi là "tuệ". "Định" giúp chúng ta có đủ sức mạnh để làm chủ bản thân và "tuệ" là khả năng sử dụng sức mạnh ấy một cách thông minh và hợp lý. Có thực hành kỹ năng định tĩnh mới có trí tuệ (Pháp cú câu 282), có trí tuệ thì mới có năng lực tự chủ, sống bình an và hạnh phúc.

Một khi làm chủ bản thân, con người có khả năng gom tụ nguồn năng lượng của mình và điều hướng chúng theo lý trí, tập trung tâm vào một điểm mà nhà Phật gọi là nhất tâm để thân đi không chệch hướng. Kinh Di giáo dạy: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Khi có thể dùng sức thiền định nhiếp tâm về một mối thì trí tuệ phát sáng, không có việc gì không giải quyết thông suốt. Tâm loạn thì thân loạn, tâm an thì thân an.

Là những người con Phật, chúng ta có cơ hội được tiếp xúc với những lời dạy vô giá này của Đức Phật thì nên sớm thực hành thiền định, tu dưỡng nội tâm, tĩnh tại, bình lặng giữa thế gian vô thường không ngừng đổi thay, đầy những thách thức này. Đây cũng là cách duy nhất nuôi dưỡng nguồn trí tuệ giúp ta soi sáng tự thân và sống an lạc giữa dòng đời luôn biến động, để “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. 

Thực hành “Thiền định” – Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Ban Lien Huu 19 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Hương người đức hạnh ngược gió bay khắp mười phương
Trong Kinh Pháp Cú số 54, Đức Phật đã dạy: Người Phật tử giữ đúng ngũ giới, siêng năng bố thí, nhờ đó mà danh thơm tiếng tốt, được mọi người xa gần đều quý mến. Bởi chỉ có hương người đức hạnh mới ngược chiều gió toả khắp mọi phương trời.