Người hay tự hào về chốn sinh
Tài sản cho đến dòng họ mình
Đối nhân xử thế đầy khinh miệt
Sẽ sớm bại vong cõi u minh
(Kinh Bại Vong)
Tính kiêu ngạo vốn là một trong những căn bản phiền não, mà Phật giáo gọi là “mạn”. Đây cũng là một trong ba chướng ngại lớn của con người gồm: ngạo mạn, tật đố và tham dục. Kiêu ngạo xuất phát từ sự so bì, phân biệt giữa mình với người, từ đó mới phát sinh những tranh chấp hơn thua về danh lợi, địa vị, tài sắc,…
Không chỉ vậy, tính kiêu ngạo còn đi kèm với lòng đố kỵ, ganh ghét, đòi hỏi người khác phải công nhận và tán thưởng bản thân, nhưng chẳng chịu tiếp thu ý kiến của tha nhân, và lại càng không thể chấp nhận chuyện người khác mạnh hơn, giỏi hơn mình. Họ không nhìn thấy khuyết điểm của bản thân mình, tuy nhiên lại thường ghi nhớ hết thảy mọi thiếu sót của người.
Có lần Tôn giả nghiêm khắc nhắc nhở các vị Tỳ kheo trẻ về tâm khiêm hạ trong công phu tu tập để tránh sinh kiêu mạn và cho rằng mình đã chứng đắc cao siêu. Vì chỉ một ý nghĩ như vậy sẽ phá tan mọi công đức, đổ vỡ phạm hạnh, tạo thành vực thẳm cắt ngang con đường đi đến giác ngộ thực sự. Dù có đạt được những điều thù thắng vi diệu trong tâm, hãy cứ xem như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, vì phía trước còn là cả bầu trời cao xanh vời vợi.