Vun trồng phúc đức hạnh xả ly
Siêng năng bố thí gắng duy trì
Nuôi đức từ bi và giải thoát
Giác ngộ viên tròn tâm chứng tri
(Kinh Người áo trắng)
Ngay từ buổi đầu giáo đoàn mới thành lập, Đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo! Các thầy hãy ra đi, đem sự tốt đẹp đến cho nhiều người, đem hạnh phúc đến cho số đông. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại”. Đây được xem là thông điệp của lòng từ bi cứu khổ ban vui.
Ngày nay, chư Tăng và hàng Phật tử tại gia tiếp nối sự nghiệp độ sinh của Đức Phật nên vẫn hằng ghi nhớ và thực hành thông điệp từ bi đó. Đạo Phật là giác ngộ, cho nên trí tuệ là yếu tố căn bản không thể nào thiếu được. Người tu theo Đạo Phật dù xuất gia hay tại gia cũng phải mở sáng con mắt trí tuệ. Chúng ta hãy nhớ lấy lời Phật dạy: “Người tu phải tự giác và giác tha”. Tự giác là mở sáng trí tuệ của mình, giác tha là đem trí tuệ đó đánh thức cảnh tỉnh mọi người cùng giác ngộ. Tự giác là việc của mình, giác tha là giúp cho người, đó chính là tâm từ bi. Bởi vậy, có giác ngộ rồi mới có từ bi.
Đức Phật đã dạy: Chưa giác ngộ thì chưa thể thực hành từ bi một cách đúng như pháp. Ví như, nếu chúng ta bố thí giúp người nghèo để mong ước sau này sẽ được phúc báo giàu sang, vậy thì bố thí ấy không phải là từ bi, bởi lẽ từ bi là vì người chứ không phải vì mình. Trong Đạo Phật, lòng từ bi và yêu thương được nhìn nhận là hai khía cạnh của cùng một pháp. Từ bi là ước muốn hết thảy chúng sinh thoát khỏi mọi sự khổ đau, còn tình yêu thương là mong muốn tất cả chúng sinh có được niềm vui và hạnh phúc.
Lòng từ bi thực sự được y cứ trên nhu cầu, hạnh phúc của tha nhân bất kể đó là bằng hữu hay kẻ thù, người phát tâm từ sẽ luôn nguyện cho tất thảy mọi người đều được bình an, hạnh phúc và vượt thoát phiền não, khổ đau.
Đại Từ – Đại Bi – Đại Hỷ và Đại Xả chính là những “liều thuốc” hóa giải chống lại những thái độ sai lầm. Đại Từ hóa giải ý nghĩ “sống chết mặc bay”; Đại Bi hóa giải ý nghĩ “mặc kệ họ cứ khổ đau, chẳng liên quan gì đến ta”; Đại Hỷ không cho phép ta cảm thấy “thích thú khi thấy kẻ khác phải chịu đựng nỗi thống khổ, đáng đời cho họ”; Đại Xả đem đến cho ta những xúc cảm trong sáng, bình đẳng cũng như loại bỏ đi ý niệm “cái này là của ta, của gia đình ta, của bạn bè ta, không tội gì mà chia sẻ cho người dung nước lã hay vì bất cứ kẻ xa lạ nào”. Đây chính là lòng từ bi đích thực.
Để nuôi dưỡng tâm từ bi lớn mạnh, người con Phật nên học rộng nghe nhiều để trí tuệ ngày một thêm cao rộng. Bởi khi và chỉ khi có trí tuệ, chúng ta mới hành đúng chính pháp, làm lợi ích an lạc cho mọi loài, mọi người. Có như vậy, tâm từ bi phát triển một cách rộng lớn hơn, kiên cố hơn. Mục tiêu cốt lõi của người học Phật là trưởng dưỡng lòng từ bi chân thật, mở tâm thương yêu, bao dung và có thể hy sinh hết thảy con người cùng vạn loại chúng sinh có mặt trên khắp tinh cầu này.