Thuở ấy có hai thầy Tỳ-kheo đang đi dọc bờ sông, họ trông thấy một người quản tượng dẫn voi xuống sông tắm. Chẳng may, con voi bị sa lầy, người quản tượng lúng túng, chẳng biết làm thế nào để kéo voi ra. Thế rồi một thầy Tỳ-kheo nguyên trước kia cũng là quản tượng đến chỉ dẫn cho người chủ con voi cách thúc voi ra khỏi vũng lầy.
Người quản tượng liền làm theo lời thầy Tỳ-kheo ấy chỉ dạy, quả nhiên con voi ngoan ngoãn làm theo và thoát ra được. Khi về đến tịnh xá, thầy Tỳ-kheo thuật lại tài khéo điều phục voi của bạn mình lên Đức Phật.
Đức Phật sau khi nghe xong câu chuyện, bảo rằng: "Này chư Tăng, chẳng phải khoe tài khéo huấn luyện voi mà kẻ tu hành sớm đến được cảnh giới Niết Bàn. Chỉ những ai khéo tự huấn luyện mình mới sớm chứng được cảnh vô sinh an lạc ấy". Đức Phật nói lên bài kệ:
Nương vào ai khác nên mới than
Làm sao đi tới được Niết Bàn
Tự mình điều phục về nương trú
Đến đích vững vàng, tâm sẽ an
(Kinh Pháp Cú số 323)
Đức Phật từng dạy: “Các Đức Như Lai giảng dạy Chánh đạo, nhưng chính các ngươi phải làm việc của mình”. Có thể thấy rằng, Đức Phật đã tìm ra con đường đi đến giải thoát, Niết Bàn. Nhưng đi đến giải thoát, Niết Bàn đó hay không, chúng ta phải tự bước trên con đường ấy. Chính vì điều này nên Đức Phật không muốn bất cứ ai, kể cả những vị Tỳ-kheo đệ tử cũng không nên nghĩ Ngài là người điều khiển Tăng-già.
Trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài đã căn dặn các Tỳ-kheo: "Này các Tỳ-kheo, sau khi ta nhập Niết Bàn thì các thầy hãy lấy giới luật và giáo pháp của ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc. Với Pháp này ta đã chơn chánh giác ngộ, ta hãy cung kính đảnh lễ và sống y chỉ Pháp ấy". Pháp mà Đức Phật cung kính đảnh lễ ở đây chính là Giới - Định - Tuệ.
Lời dạy của Đức Phật đã nhắc nhở mỗi chúng sanh không nên xao nhãng việc tuân hành giới luật, thực tập thiền định, đạt được trí tuệ thì mới tự mình chứng nghiệm được Niết Bàn giải thoát. Bởi Niết Bàn ở đây chính là trạng thái tâm đã dứt được hết phiền não, đoạn trừ vô minh. Cho nên, chẳng có voi, có ngựa hay phương tiện chuyên chở nào đưa ta đến cảnh giới Niết Bàn được ngoài chính bản thân ta.
“Chẳng phải loài cưỡi ấy,
Ðưa người đến Niết Bàn,
Chỉ có người tự điều,
Ðến đích, nhờ điều phục.”
(Kinh Pháp Cú)