Trong kinh Phạm Võng, Đức Phật dạy: “Mỗi một chúng sinh đều là anh em, thân quyến, cha mẹ, con cái từ nhiều kiếp đến nay của chúng ta. Nếu đem nhãn quan của mình mở rộng đến chân tướng vô hạn của không gian, thời gian, của vũ trụ, đối diện với thân quyến của mình lúc bị bắt, bị nhốt, bị giết, bị ăn thịt… vẫn không cố gắng tận tâm mà rụt rè do dự; không gấp rút mà giải cứu họ, thật chẳng bằng loài cầm thú”.
Mọi chúng sinh trước khi được trả về với thế giới tự do đều được toàn thể đạo tràng nhiếp tâm gia trì chú nguyện, trì tụng bài kệ Phóng Sinh với tâm nguyện cứu độ chúng giải thoát những sinh vật bé nhỏ khỏi khổ đau sau khi thoát kiếp. Thời khắc chúng sinh được Chư tôn đức đặt pháp danh “Diệu Âm” – tức là âm thanh vi diệu của Phật pháp, toàn thể đạo tràng đã cùng ngưỡng nguyện hồng ân Tam bảo khắp mười phương từ bi quang giáng đàn tràng, tiếp độ, cứu giúp cho các chúng sinh luôn tin sâu Tam bảo, thoát kiếp trầm luân, mạng căn dứt thác vào đường lành, gặp Chánh pháp tu hành sớm được giác ngộ giải thoát.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các Phật tử, Liên hữu đồng tu đang giải phóng khổ đau cho chính mình bởi nghiệp lực đã từng gây tạo, như Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức có dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn".
Phóng sanh cũng là một Pháp tu để trưởng dưỡng tâm từ bi của người con Phật. Mỗi mạng sống được trả về với thiên nhiên là các Phật tử đang gieo một nhân lành, đồng hồi hướng công đức này đến khắp pháp giới, nguyện cho tất cả chúng sinh đều viên thành Phật đạo.
Nhìn hàng trăm con chim, con cá, con ếch, con lươn,... được tiếp tục cuộc sống tự do nhỏ nhoi của mình, trên gương mặt mỗi Phật tử là sự hoan hỷ vô biên và mãn nguyện trong lòng vì đã góp một chút tịnh tài trong việc giải cứu sinh mạng cho chúng sanh.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại Lễ phóng sanh sáng ngày 15/10/2022 tại chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen: