Chúng ta đi chùa là để tu theo Phật nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau, thành an vui, hạnh phúc. Do đó, dù đã trải qua mấy ngàn năm thăng trầm thịnh suy, vinh nhục, vật đổi sao dời, qua phân ly tán, nhưng hình ảnh ngôi chùa vẫn mãi mãi hiên ngang hiện hữu trong lòng người dân Việt.
Như lời thơ của Vũ Hoàng Chương đã viết:
“...Dân tộc ta không thể nào thua
Đạo Phật ta đời đời xán lạn
Dầu trải mấy qua phân ly tán
Nhưng vẫn còn núi còn sông
Còn chót vót mãi ngôi chùa”.
Chùa là nơi nuôi dưỡng đời sống tâm linh, đóng góp xây dựng nếp sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh thiện. Sở dĩ người ta hay nói, cửa chùa rộng mở là vì ai bước chân vào chùa cũng được. Cửa chùa vốn không chứa đựng những công danh lợi lộc, những thị phi tranh chấp, những ganh tỵ thù hằn,… ở đời.
Vào chùa là đi tìm chính cái tâm trong sạch của ta để hòa vào cái tâm trong sạch của người. Người đến chùa cảm nhận sự thanh thản, nhẹ nhàng từng bước chân khi tiến vào sân chùa và cửa chánh điện. Không gian này giúp đại chúng kịp xả bỏ, lắng dịu, giảm nhẹ những âu lo trước khi vào chùa dâng hương lễ Phật.
Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen là nơi dành cho Chư Tăng; Chư Ni; Quý Liên hữu đồng tu; các đạo tràng; Phật tử từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước cùng tu pháp Tịnh độ - chân thật tu hành; chân thật niệm Phật, cùng một chí hướng trên con đường tu học để đạt tới thành tựu vãng sanh về Tây phương cực lạc.
Trong bài viết dưới đây, Ban Liên hữu xin được hướng dẫn “Các thủ tục, nghi thức khi đến chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen”, nhằm đảm bảo quá trình tu tập của Quý Liên hữu được trang nghiêm, thanh tịnh, đồng nhất khi đến Chùa.
1. HƯỚNG DẪN THỦ TỤC KHI ĐẾN CHÙA ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN
Khi đến chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen, đầu tiên Quý liên hữu sẽ làm thủ tục check in, nhân viên hộ chúng sẽ hướng dẫn những quy định khi liên hữu tham gia tu tập tại Chùa. Liên hữu cần chú ý phải tuân thủ những quy định để có thể hoàn thành khóa tu an lạc.
2. OAI NGHI TRANG PHỤC CỦA LIÊN HỮU KHI ĐẾN CHÙA
3. OAI NGHI TRONG SINH HOẠT HẰNG NGÀY
Khi đến chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen, Quý Liên hữu phải giữ gìn vệ sinh công cộng, không vứt rác bừa bãi, khi thấy rác trên đường đi, chúng ta chủ động nhặt và cho vào thùng rác.
+ Sắp xếp dép lên kệ dép cho ngay ngắn, không để dép lung tung trước lối đi.
+ Thay dép trước khi bước vào nhà vệ sinh, xếp dép ngay ngắn khi rời nhà vệ sinh.
+ Không được dẫm lên cỏ, không chụp hình check in tạo dáng dẫm lên cỏ và ngắt lá bẻ hoa hủy hoại cảnh quan tại Chùa.
3. OAI NGHI KHI MẶC ÁO TRÀNG
Khi đến niệm Phật đường, liên hữu phải trang nghiêm y áo thể hiện sự tôn kính đối với Tam Bảo.
Khi lựa chọn áo tràng Hải Thanh, liên hữu phải lựa chọn chiều dài phù hợp, thông thường chiều dài của áo phải vừa chạm gót chân, đây là chiều dài phù hợp. Theo quy định của Đại Tùng Lâm Hoa Sen màu áo tràng Hải Thanh là màu lam, và vớ (tất) cũng là màu lam.
+ Liên hữu thay áo tràng đúng nơi quy định, không vừa đi vừa mặc hay cởi áo tràng.
+ Khi khoác trên mình chiếc áo tràng, Phật tử luôn để hai tay trước bụng, đi đứng trang nghiêm, không chạy nhảy, đùa cợt, tạo dáng selfie chụp ảnh.
4. OAI NGHI KHI VÀO CHÁNH ĐIỆN
Khi có hiệu lệnh chuông báo, trước khi bước chân lên Chánh Điện:
+ Quý Liên hữu trang nghiêm pháp phục của mình, vân tập phía trước chánh điện trước 5 phút để ổn định đạo tràng, hàng lối chỉnh tề.
+ Sau khi có hiệu lệnh, liên hữu đồng xá nhau, sau đó xoay về hướng Tam Bảo xá 1 xá, sau đó liên hữu theo thứ tự từng hàng tiến vào trong chánh điện.
+ Khi vào bên trong chánh điện, liên hữu xoay hướng đối mặt nhau, tay để ấn kiết tường, đợi cho đến khi có hiệu lệnh xá lễ.