Lời phật dạy – Điều giác ngộ thứ 6
Lời phật dạy – Điều giác ngộ thứ 6

 Điều giác ngộ thứ 6

Điều thứ sáu phải nên giác biết:

Người nghèo cùng dễ kết oán sân

Tạo duyên xấu ác nhiều lần

Bồ Tát bố thi ai cần đều cho

Mong sao hết thảy ấm no

Bình đẳng khắp cả chẳng do thân thù

Lỗi người quên hết mờ lu

Cũng không nỡ ghét người ngu ác nhiều

Một lòng thương xót bao nhiêu

Dùng tâm Phật pháp dạy điều giác nhân.

 
 

Theo lẽ thường tình, khi quá nghèo khổ, con người ta dễ sinh tâm oán hận cuộc đời bất công, vì rơi vào tình trạng thiếu thốn, túng quẩn, lúc nào cũng bị những điều bất như ý làm cho bức bối, nên họ thường hay cáu giận, bất mãn, nhất là những người không hiểu về lý nhân quả. Khi lâm vào cảnh nghèo khó, đói cơm rách áo thì liền oán trời trách đất. Thấy người giàu có hơn mình là sinh tâm đố kỵ, thấy người quyền quý hơn mình là oán ghét, lúc nào cũng có mặc cảm không tốt với người hơn mình. Là người phật tử tu học chính pháp đã thấu suốt lý nhân quả thì dù cho hoàn cảnh hiện tại có nghèo khổ đến đâu cũng hoan hỷ. Vì họ hiểu một điều rằng, nhân mình đã gieo trước kia là keo kiệt, bỏn sẻn, không biết giúp đỡ ai hoặc tham lấy của người nên kiếp này nhận quả như vậy. 
Nhân quả công bằng, không cần oán trách, than vãn. Việc quan trọng nhất cần làm ngay hiện tại chính là nỗ lực gột bỏ tâm keo kiệt, bỏn sẻn, cố gắng phát triển hạnh lành, phát hạnh bố thí giúp đỡ mọi người. Đây là nhân duyên chuyển nghiệp từ nghèo khổ thành giàu sang hạnh phúc về sau. 
Tu không phải đợi có thật nhiều tiền mới bố thí làm phúc. Chúng ta biết thương người và tùy theo khả năng sẵn có mà hết lòng giúp đỡ người. Chẳng hạn như, nhường chỗ ngồi cho người già bệnh, giúp người mang đỡ đồ vật nặng, nói lời an ủi khích lệ kẻ tuyệt vọng, chán chường, chia sẻ Phật pháp cho những ai mê lầm ác thành. Như vậy là chúng ta đang dần chuyển đổi tâm niệm keo kiệt, bỏn sẻn thành tâm bố thí lợi tha, chuyển đổi hành động hành động xấu ác thành lương thiện làm lợi ích cho người và vật. Thế nên, đi theo lời Phật dạy, chúng ta cần phải nỗ lực hóa trừ nguyên nhân của nghèo khổ như vậy. Bố thí là một công hạnh không thể thiếu của một vị Bồ-tát hay một vị đệ tử Phật, nhưng tâm bố thí ấy cần phải bình đẳng đối với mọi chúng sinh đối với mọi chúng sinh, bất kể đó là người thân hay người lạ, bất kể là người thương hay kẻ ghét mình, bất kể là người có ân hay kẻ từng bức hại mình. Bồ-tát đều yêu thương chan hòa như nhau mà không hề có sự phân biệt, khinh trọng cao thấp. 
Trong Điều thứ sáu này, Đức Phật chỉ ra rằng: Bố thí là một công hạnh có tác dụng, lợi ích rất đặc biệt, biểu hiện đủ cả hai mặt. Phúc đức và trí tuệ. Phúc đức có được là dùng tâm từ đem đến an vui cho chúng sinh đang phiền não, giảm bớt đi những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Và một điều vô cùng quan trọng trong hạnh Bồ-tát, đó chính là trải tâm từ thương xót đến cả những kẻ sai trái ác nghiệp, chứ không bao giờ nỡ ghét bỏ, hắt hủi. Bởi lẽ, bản thân họ làm sai, nghĩ sai và không biết mình sai thì hiện tại đã phiền não, tương lai cũng sẽ vô cùng khổ đau. Cho nên càng cần trải tâm từ bi dẫn lối cứu độ cho những kẻ gây ác nghiệp. Có như vậy, công hạnh tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, mới thực sự viên mãn cho tới khi trọn thành Vô thượng Bồ đề Phật đạo.
Lời phật dạy – Điều giác ngộ thứ 6
Ban Lien Huu 12 tháng 6, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Lời Phật dạy – Con đường giác ngộ - Kinh Thiện Sinh
Lời Phật dạy – Con đường giác ngộ - Kinh Thiện Sinh