Bồ Tát Địa Tạng - Đại biểu của Hiếu Đạo
Bồ Tát Địa Tạng từ vô lượng kiếp đến nay thực hành hiếu đạo theo nghĩa rộng của Phật giáo. Do cứu bạt nỗi khổ của cha mẹ mình bị đoạ vào đường ác mà mở rộng đến cha mẹ người khác; do cứu bạt nỗi khổ của cha mẹ hiện đời bị đoạ vào đường ác mà mở rộng đến cha mẹ nhiều đời trong quá khứ và vị lai.

Chư Phật, Bồ Tát đều coi trọng hiếu đạo, hơn nữa dùng hiếu đạo để tự tu và giáo hoá chúng sinh nhiều kiếp báo đáp ân cha mẹ. Nhưng, từ vô lượng kiếp đến nay, vì tròn hiếu đạo, vì báo đáp ân cha mẹ mà phát nguyện độ chúng sinh hết đau khổ, mới thành Phật đạo, điều này đủ để đại biểu cho Phật giáo. Hành giả thực hành hiếu đạo không có bờ mé được nêu ra ở đây là Bồ Tát Địa Tạng. 

Hiếu đạo là cốt lõi của tâm tự lực 

Niềm tin vào công đức của Tam Bảo, Thần lực của chư tăng luôn là phương pháp tối thắng để cứu độ chúng sinh, Bồ Tát Địa Tạng cũng như vậy, Ngài luôn nhất tâm kính tin về điều ấy, cho nên khi còn hành Bồ Tát đạo Ngài luôn dùng phương pháp cúng dường Tam Bảo, nương nhờ thần lực của Phật, oai linh của chúng tăng để cứu độ cha mẹ chúng sinh. Trong Kinh Địa Tạng chép: “Thuở quá khứ khi Ngài làm cô gái Quang Mục, vì muốn cứu độ mẹ thoát địa ngục mà phát tâm cúng dường vị La Hán và phát đại thệ nguyện độ sinh để dẫn dắt mẹ từ cảnh địa ngục vào đạo Bồ đề”.

Thế nên tự lực và tha lực luôn là điểm then chốt song song phải tu trì trong hành trình tu nhân thành Phật và chính Bồ Tát Địa Tạng là người đã và đang hành trì, Ngài đã dùng chính sự tu trì của mình để chứng minh cho chúng ta thấy pháp môn “Bất nhị” này. Phát thệ nguyện cứu khổ chúng sinh, ấy là tự lực, nương vào công đức thần lực Tam Bảo ấy là tha lực. Hiếu đạo là cốt lõi của tâm tự lực, dùng tâm hiếu để phát khởi đại bi tâm, thương xót và rồi phát đại nguyện tâm, thệ độ tận pháp giới chúng sinh ấy là tha lực.


Bồ Tát Địa Tạng lúc đầu học Phật, thân là con của một vị trưởng giả, vì thấy đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, tướng tốt trang nghiêm mà phát tâm: “Con nay trong suốt đời vị lai, không thể tính kể kiếp số, vì những chúng sinh chịu tội khổ trong sáu đường này mà mở bày nhiều phương tiện, làm cho chúng sinh đều được giải thoát” để cầu chứng thân Phật. Nhưng khi Ngài thực hành Bồ Tát đạo, trong thời thượng pháp của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, thân Ngài là một Bà la môn nữ, vì mẹ tin theo tà thuyết, không kính Tam bảo nên chết đoạ vào đường ác vì muốn cứu mẹ: “Liền bán nhà cửa, mua hương hoa và các đồ cúng, trịnh trọng cúng dường nơi chùa tháp Phật”. Nhờ vào sức từ bi của Đức Phật gia hộ mà Bà la môn nữ biết được người mẹ đã mất bị đoạ vào địa ngục vô gián chịu khổ đau, liền “vì mẹ mà cúng dường tu phước, bố thí chùa tháp thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai”. Từ đó, không chỉ người mẹ đã mất được giải thoát nỗi khổ địa ngục mà tất cả chúng sinh chịu tội khổ trong địa ngục vô gián đồng thời đều được siêu sinh. 

Ngay lúc đó, Bà la môn nữ đứng trước tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, phát lời nguyện lớn: “Con nguyện suốt kiếp trong vị lai, nếu có chúng sinh chịu tội khổ thì con sẽ bày nhiều phương tiện làm cho chúng sinh đều được giải thoát” (kinh Địa Tạng, phẩm Thần thông trên cung trời Đao Lợi). 

Hiếu đạo là bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng 

Có thể nói: Hiếu đạo là nguyên nhân chủ yếu khuyến khích Bồ Tát Địa Tạng phát ra lời nguyện rộng lớn như thế, hiếu đạo là động lực thúc đẩy Bồ Tát Địa Tạng báo đáp ân cha mẹ trong nhiều kiếp. Hiếu đạo cũng là bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng, ở lâu trong sinh tử, nhiều kiếp độ chúng sinh, không thành Phật đạo, từ vô lượng kiếp đến nay Ngài đều lấy hiếu đạo để tự tu và giáo hoá chúng sinh. 

Bồ Tát Địa Tạng nói với Trưởng giả Đại Biện rằng: “Chúng sinh trong cõi Diêm Phù, nếu có thể vì cha mẹ, cho đến hàng quyến thuộc, sau khi mạng chung, thiết trai cúng dường, chí tâm thành khẩn, người làm được như thế thì kẻ còn, người mất đều được lợi ích”. Đây chính là lời khuyên trực tiếp của Bồ Tát Địa Tạng dành cho những người thực hành hiếu đạo. 

Bồ Tát Địa Tạng nói với Ma Da Phu Nhân: “Nếu có chúng sinh bất hiếu cha mẹ, cho đến sát hại cha mẹ, kẻ đó phải đoạ vào địa ngục vô gián, nghìn vạn ức kiếp, không có kỳ hạn ra khỏi…”. Đây chính là Ngài gián tiếp khuyên người thực hành hiếu đạo. 

Mục đích chính là Bồ Tát Địa Tạng muốn hoá độ chúng sinh, làm cho chúng sinh hiểu được nhân quả, hiếu kính cha mẹ, dừng điều ác làm việc thiện, lìa khổ đau được an vui. Bồ Tát Địa Tạng có bi nguyện không cùng tận, thực hành hiếu đạo không cùng tận, Ngài vĩnh viễn ở trong sinh tử nơi sáu đường “Trên thì báo đền bốn ân nặng”, mãi mãi trông coi cõi giới U Minh, “Dưới thì cứu khổ ba đường”, cho đến khi độ hết chúng sinh, Ngài mới chứng bồ đề, địa ngục chưa trống không, thề sẽ không thành Phật. Hiếu đạo của Bồ Tát Địa Tạng là hiếu đạo vô tận. 


Con cháu có hiếu thảo trong nhân gian, nếu vì cha mẹ quyến thuộc trong quá khứ mà cúng Phật và Tăng, tụng kinh Địa Tạng, lạy sám Địa Tạng hoặc xưng niệm thánh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc làm các Phật sự, tự mình nhất định có được công đức, người đã qua đời nhất định được siêu thăng. Hàng quyến thuộc nam nữ muốn siêu độ cho cha mẹ, hoặc tự mình gieo trồng phước đức đều phải thành khẩn cung kính, làm các Phật sự. Khi cha mẹ hoặc quyến thuộc qua đời, trong thời gian 49 ngày tốt nhất nên ăn chay niệm Phật, thành tâm đọc tụng kinh Địa Tạng, thì nhất định cõi âm, cõi dương đều có lợi ích, người có tội hay kẻ không có tội đều có thể lìa hẳn đường ác. 

Bồ Tát với trí tuệ rộng lớn và lòng tư bi bao la luôn thấy chúng sinh là cha mẹ trong hiện tại và chư Phật trong tương lai nên nguyện khi nào độ hết nỗi khổ của chúng sinh, không một ai còn đau khổ, khó khăn, đều đạt thành Phật đạo thì Ngài mới yên tâm đạt tới cảnh giới Niết Bàn. Hình ảnh của Bồ Tát Địa Tạng với khuôn mặt đôn hậu, từ ái, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm tích trượng là một hình ảnh luôn tỏa sáng trong tâm khảm của những người con Phật, đặc biệt là trong mùa Vu Lan báo hiếu. Chiếc thiền trượng của Bồ Tát Địa Tạng đã, đang và sẽ gõ mãi vào cánh cửa địa ngục. Năng lực của tâm đại bi sẽ làm mở tung tất cả những cánh cửa hắc ám, làm tan rã những xiềng xích trói buộc, giải cứu tất cả những ai còn bị đọa đày trong cõi vô minh, tù ngục để từ đó những hạt giống bồ đề, những hạt giống thương yêu sẽ nẩy mầm mạnh mẽ trong những linh hồn đau khổ của anh, của chị, của chúng ta, của tất cả những thân bằng quyến thuộc, đang sống hay đã qua đời...

Là những người đệ tử Phật, vì thế chúng ta hãy mở rộng nguyện lực từ bi, tinh thần cứu đời của Bồ Tát Địa Tạng, thực hành hiếu đạo theo nghĩa rộng được Bồ Tát Địa Tạng đề xướng, nhiều kiếp trên báo đáp bốn ân, dưới cứu khổ ba đường, trên cầu Phật đạo, dưới hoá độ chúng sinh, tự cứu mình cứu người, tự lợi lợi tha. 

Sống trong thời mạt pháp, nếu mọi người có thể học theo tinh thần của Bồ Tát Địa Tạng, bỏ mình vì người, kính trọng mọi người, thương yêu mọi người, dùng tài thí để xua tan nỗi khổ trong đời sống của mọi người, dùng pháp thí cứu giúp sự đói khát về tinh thần cho mọi người, làm cho giữa con người và con người khi đối xử nhau nên dùng sự tôn kính người già, tôn trọng người hiền để thay thế sự cao ngạo và thành kiến, dùng tâm từ bi thương yêu, bảo hộ để thay thế sự cay nghiệt và thiếu tình cảm, dùng sự giúp đỡ khoan dung để thay thế sự thù hận và đối địch. Điều này sẽ khiến cho mọi người đều lấy tâm biết ơn, đền ơn để gỡ bỏ sự đau khổ của cá nhân. Mọi người cùng tạo phúc cho quần chúng, cùng nỗ lực cho tiền đồ của nhân loại. Được như vậy thì nhân loại sẽ đầy ắp tiếng cười vui và hạnh phúc, đời sống tinh thần của con người sẽ được an ủi, bình an!

trong Tin tức
Bồ Tát Địa Tạng - Đại biểu của Hiếu Đạo
Ban Lien Huu 21 tháng 8, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Thánh hiệu và công đức bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng
Trải qua muôn ngàn số kiếp, đã có không biết bao nhiêu chúng sinh chứng quả thành Phật. Riêng chỉ có Bồ Tát Địa Tạng, vì lòng đại từ đại bi tha thiết vô tận cứu độ chúng sinh, vẫn chưa thành Phật. Do lời đại nguyện ấy, đức Thế Tôn đã phong ngài làm U Minh Giáo Chủ, cứu độ các linh hồn tội lỗi đang bị đọa ở U Minh Địa Giới hay nhiều người vẫn thường gọi là cõi Diêm Vương Phù Đề.