Bồ Tát là một phần của chúng sinh: Phát nguyện giữ lấy Tịnh độ
Là một hình tượng, hoa sen không những đại diện cho Phật giáo như một biểu tượng mà còn xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật và văn chương, chẳng hạn như kiến trúc, hội họa, thủ công mỹ nghệ, điêu khắc và thi ca.

Phật giáo, bắt nguồn nơi triết học Ấn Độ, được phát triển cách đây hơn 2.500 năm với mục đích giúp cho con người đạt được hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau và từ đó tạo nên một thế giới hòa bình, tự do và an lạc.

Một trong những giáo lý cốt lõi của đạo Phật là Tứ diệu đế, mà nó nói rõ về bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế). Chân lý này nhấn mạnh trải nghiệm siêu việt khổ đau, như là tiến trình giác ngộ, mà ở trong đó đau khổ là chất liệu tích cực cho giải thoát. Khổ đau là không thể chối cãi, nó liên quan đến những thách thức và căng thẳng trong đời sống, sự không thỏa mãn và bất lực, mà nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết về chân lý vô thường và nỗi sợ hãi về những điều không chắc chắn.

Phật giáo khẳng định rằng vạn vật thì vô thường và luôn thay đổi theo lý duyên khởi. Thuyết này giải thích về bản chất của các pháp, rằng mọi sự vật đều là tạm thời và tồn tại như một phần của một chuỗi liên tục. Một thể liên tục như vậy có kết quả từ một đời sống sinh tử nối tiếp sinh tử, cùng với đó là chu kỳ mất đi rồi lại tái sinh qua một hình thức khác, và vì đó mà chúng sinh phải chịu đau khổ trong đời sống thế tục. Chu kỳ này lặp lại một cách nhanh chóng và không thể nhìn thấy được, do cuộc sống hiện hữu như một chuỗi những khoảnh khắc nối tiếp nhau. Như vậy chúng sinh có hai đặc điểm: không tồn tại độc lập và bình đẳng. Không có gì có thể tồn tại độc lập và bản chất không thể tách rời nhau của vạn vật cho thấy sự bình đẳng giữa chúng. Chẳng hạn, một hạt giống chỉ có thể phát triển khi có đủ ánh sáng mặt trời, nước, không khí và đất. Hạt giống sẽ chết nếu thiếu bất kỳ thành phần nào kể trên. Tương tự, độ ẩm ảnh hưởng đến chất lượng của nước và không khí từ đó tác động gián tiếp đến quá trình phát triển của hạt giống. Sự phụ thuộc lẫn nhau biểu thị sự biến đổi liên tục giữa nhân và quả mà nó tạo nên nghiệp. Hành vi tốt (nhân tốt) sẽ dẫn tới một kết quả tốt, và ngược lại. Các kết quả ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại và tương lai cũng như các kiếp sau của chúng sinh trong vòng luân hồi, do đó người Phật tử phải hành động thận trọng để đạt lấy những kết quả tốt và ngăn chặn những hậu quả xấu trong tương lai. Như vậy, con người chịu trách nhiệm cho quyết định và hành động của họ, và từ đó không còn sự than vãn khi gặp tai họa.


Hoa sen là một biểu trưng của khái niệm Bồ-tát

Thực tế, trong khi người ta thường hoan hỷ đón nhận các sự việc mà họ kỳ vọng, nhưng hiếm khi họ dễ dàng chấp nhận những sự việc không như ý. Phật giáo đưa ra nhiều giáo lý và pháp môn nhằm làm giảm đi đau khổ, qua đó giúp người tu tập có sự hiểu biết sâu sắc rằng các pháp xảy ra như thế nào, làm sao vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và tránh việc làm hại người khác. Điển hình trong đó là giáo lý Bát Chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tính tấn, Chánh niệm, Chánh định. Đặc biệt, thiền có hiệu quả trong việc tu tập Chánh niệm và Chánh định, điều này không chỉ giúp đạt đến giải thoát tâm linh mà hiện nay nó còn được áp dụng như các phương pháp trị liệu và lợi ích tâm lý trong nhiều tình huống khác nhau như ở nơi làm việc, và giáo lý này cũng được áp dụng với những người không phải Phật tử hay thanh thiếu niên.

Ngoài sự tương thuộc giữa vạn vật, Phật giáo đề cập đến hai lĩnh vực: thuyết Duyên khởi (bản chất của vạn vật) cùng với luật Nhân quả như đã nói ở trước, và khả năng giác ngộ vốn có. Mục đích cuối cùng của người Phật tử là trở thành một vị Phật, nghĩa là một người tỉnh thức. Vì mọi người đều có Phật tính bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, tầng lớp xã hội, cho nên mọi chúng sinh đều bình đẳng và có thể giác ngộ. Một khi giác ngộ, họ sẽ thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, từ đó đạt được Niết-bàn (đoạn trừ phiền não và chấm dứt luân hồi). Theo nghĩa này, bình đẳng Phật giáo gắn liền với bản chất của hiện hữu, bao trùm cả con người và phi con người, là điển hình lòng từ bi của đạo Phật. Nó soi sáng tất cả chúng sinh và mang tới hy vọng giải thoát khỏi đau khổ. 

Những nguyên tắc này có mặt trong hầu hết các truyền thống Phật giáo, đặc biệt là Đại thừa, một trong những tông phái Phật giáo được phát triển vào thế kỷ thứ nhất và được truyền bá khắp Bắc và Nam Á. Khác với các tông phái khác, Đại thừa đặc biệt nhấn mạnh đến lòng vị tha, được gọi là Bồ tát đạo, trong đó Bồ tát đề cập đến những người hy sinh giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Vì thế, tinh thần của Đại thừa cũng tương đồng với tinh thần của Bồ tát, và “lòng vị tha của Bồ tát” là khát vọng của các Phật tử Đại thừa.

Có bốn vị Bồ tát vĩ đại - Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Địa Tạng, Phổ Hiền - đại diện cho Đại bi, Đại trí, Đại nguyện, Đại hạnh, chỉ rõ sứ mệnh chính yếu của Bồ tát và Đại thừa. Để thực hiện những nhiệm vụ này, các vị Bồ tát thực hiện Tứ vô lượng tâm và tu tập Lục độ Ba-la-mật. Tứ vô lượng tâm biểu hiện sự tương hỗ giữa bốn tâm xác định tình thương của Bồ tát: tâm từ mang niềm vui đến cho chúng sinh, tâm bi xoa dịu nỗi đau của chúng sinh, tâm hỷ là vui với niềm vui của chúng sinh, và tâm xả là đạt được sự yên bình nội tâm bằng tuệ giác bình đẳng và vô phân biệt. Những phẩm hạnh của Lục độ Ba-la-mật bao gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền đinh và trí tuệ. Với những phẩm hạnh này, Bồ tát làm lợi ích chúng sinh và chính họ cũng là những chúng sinh giác ngộ. Phật giáo Đại thừa đặt ra một hệ thống tương tác mà ở đó chư Bồ tát và chúng sinh cùng hợp tác mang lại kết quả.

Hệ thống tương tác này xây dựng một liên kết giữa Bồ tát và chúng sinh, cho thấy một thực tế rằng Bồ tát là một phần của chúng sinh. Trong khi Tứ vô lượng tâm trực tiếp đối với người nhận, nó cũng đem lại lợi lạc cho chính người tu tập. Tương tự, bố thí thì lợi lạc cho cả người nhận và người cho bởi vì thông qua hành vi giúp đỡ, người bố thí có thể làm trăng trưởng lòng từ bi và thành tựu tuệ giác. Kết quả từ sự cho đi hào phóng, Bồ tát tiếp tục trau dồi các phần còn lại của Tứ vô lượng tâm và Lục độ Ba-la-mật. Vòng luân lưu này làm lợi lạc cho tất cả những người tham gia.


Mối liên hệ biểu tượng giữa hoa sen và bùn đề cập đến mối liên hệ mật thiết và sinh động giữa Bồ-tát và chúng sinh, như trong kinh Duy Ma Cật đã giải thích.

Hoa sen là một biểu trưng của khái niệm Bồ tát

Ngoài việc hiểu về những ý nghĩa của hoa sen trong đạo Phật, kinh Duy Ma Cật còn giải nghĩa động lực giữa Bồ tát và chúng sanh, Bồ tát đạo, nhưng điều cần thiết để hoàn thành Bồ tát đạo thông qua pháp môn bất nhị, như được thuật lại ở nơi phẩm Phật đạo (phẩm tám):

“Ví như chỗ gò cao không thể sinh hoa sen, mà nơi bùn lầy thấp ướt mới có hoa sen. Như thế, người thấy vô vi, vào chánh vị không còn sanh trong Phật pháp được, mà ở trong bùn lầy phiền não mới có chúng sinh nghĩ đến Phật pháp mà thôi. Lại như gieo hạt giống trên hư không thì không sinh được, ở đất phân bùn mới tốt tươi được. Như thế, người đã vào vô vi chánh vị không sanh được trong Phật pháp, kẻ khởi ngã kiến như núi Tu Di còn có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà sinh trong Phật pháp. Cho nên phải biết tất cả phiền não là giống Như Lai. Ví như không xuống bể cả, không thể có bảo châu vô giá, cũng như không vào biển cả phiền não thì làm sao mà có ngọc báu nhất thiết trí”.

Sự liên hệ giữa hoa sen và bùn biểu thị một mối liên hệ không tách biệt; hay quan trọng không kém, có một sự thống nhất giữa tính đa dạng với tính đồng nhất, bằng việc phá bỏ lối tư duy nhị nguyên của con người.

Mối liên hệ giữa chư vị Bồ tát và chúng sinh

Thuật ngữ Bodhisattva bắt nguồn từ tiếng Sanskrit, “Bodhi” có nghĩa là tỉnh thức và “sattva” đề cập đến chúng sinh. Thuật ngữ này cho thấy rõ rằng chúng sinh có thể trở thành Bồ tát vì trong bản chất của họ có hạt giống giác ngộ. Bồ tát giác ngộ từ một người bình thường, và khái niệm giác ngộ dùng để xác định một người nào đó là Bồ tát hay là một kẻ phàm phu. Bồ tát là một người đã tỉnh thức, và kẻ phàm phu là người còn mê lầm và chưa dấn thân vào quá trình tu tập giác ngộ. Ngoài ra, một người phát nguyện giúp đỡ người khác cũng là một vị Bồ tát. Như vậy, điều này lại một lần nữa chứng minh rằng Bồ tát là chúng sinh và chúng sinh là Bồ tát. Mặc dù các vị Bồ tát đã sẵn sàng trở thành Phật, thoát khỏi khổ đau và sống ở nơi Tịnh độ, họ sẵn lòng trì hoãn việc chứng nhập Niết-bàn để ở lại thế giới mê lầm vì lợi ích của chúng sinh. Quyết định này là vì lòng từ bi muốn giúp đỡ những người khác. Bởi vì sống với chúng sanh là hạnh nguyện của các vị Bồ tát, họ quyết định hòa nhập với cộng đồng thế tục, nhờ đó họ không xa rời chúng sanh. Điều này xác định một mối quan hệ rõ ràng giữa hai phía, bởi vì cả hai bên đều phụ thuộc lẫn nhau.

Với hoa sen biểu thị cho một vị Bồ tát thanh tịnh và giác ngộ, và bùn biểu thị cho một cá nhân đang lạc lối, kinh Duy Ma Cật nhấn mạnh rằng hoa sen mọc trên đầm lầy nhưng vẫn nổi lên trên mặt nước, như một vị Bồ tát mặc dù đang sống trong thế giới ô trược cùng với những người đang chịu khổ đau vẫn sẽ không bao giờ bị uế nhiễm. Điều này thể hiện thái độ sống của một vị Bồ tát, người đang theo con đường Bồ tát và thực hiện lòng vị tha Bồ tát. Một sự liên hệ chặt chẽ giữa người bố thí vị tha (một vị Bồ tát) và người nhận (một người bình thường) khiến cho họ không thể tách rời: chúng sanh là một đối nhân cần thiết cho Bồ tát thành tựu Bồ tát đạo, và Bồ tát là một hình mẫu cho chúng sanh như là một hiện thân của giác ngộ, trí tuệ và từ bi.

Một trong nhưng công việc thiêng liêng mà các vị Bồ tát cam kết là tạo ra những cõi Tịnh độ riêng cho từng loại chúng sanh, những người mất phương hướng vì những nghịch cảnh khác nhau, và đây là phương tiện thiện xảo. Nơi các cõi Tịnh độ, chúng sinh có thể vượt qua được những chướng ngại và có được an lạc. Đoạn kinh này trình bày về cõi Tịnh độ:

“Chính các chúng sinh là Phật quốc của chư Bồ tát… Bởi vì Bồ tát đạt được Tịnh độ là do muốn đem đến lợi ích cho chúng sinh. Chính vì muốn giúp chúng sinh đạt được thành tựu nên họ phát nguyện giữ lấy Phật quốc (Tịnh độ)”.


Phiền não là nguồn gốc của đau khổ, là chướng ngại cho hạnh phúc.

Tịnh độ thì hữu ích với chúng sinh hơn là với các vị Bồ tát; chư vị Bồ tát ở đó vì chúng sinh đang ở đó, và khi tất cả chúng sinh đều giác ngộ, sự tồn tại của các vị Bồ tát không còn cần thiết. Điểm này chỉ ra sự bình đẳng giữa chư Bồ tát và chúng sinh, không có sự thấp kém hay cao cả, mà biểu hiện cho sự tương hỗ giữa hai bên.

Tóm lại, Bồ tát và chúng sinh thì không khác nhau hay tách biệt nhau. Thay vào đó, mối quan hệ này vượt qua mối quan hệ tôi-bạn, và thiết lập mối quan hệ “chúng ta” mà từ đó hai bên cùng đồng lòng hướng tới thành tựu giác ngộ. Điều này thắt chắt sự đồng hành và củng cố tính liên đới. Phật giáo Đại thừa làm gia tăng tính liên đới thông qua Tứ vô lượng tâm, mà nó không chỉ chia sẻ khổ đau và hạnh phúc mà cũng phát triển lòng vị tha vô điều kiện. Trong khi hành xử vị tha có liên hệ tích cực đến hạnh phúc như một phần thưởng bên trong, mà nó liên quan đến khả năng liên kết thần kinh, nó cũng thúc đẩy sự phát triển cá nhân để nâng cao ý nghĩa cuộc sống, chất lượng của cuộc sống, và mức độ hài lòng với cuộc sống.

Mối liên hệ biểu tượng giữa hoa sen và bùn đề cập đến mối liên hệ mật thiết và sinh động giữa Bồ tát và chúng sinh, như trong kinh Duy Ma Cật đã giải thích. Bùn thì dơ bẩn nhưng là thiết yếu cho sự phát triển của sen. Tương tự, một vị Bồ tát thì phải sống cùng với chúng sinh, đó là một thực hành cần thiết của Bồ tát đạo. Phát khởi Bồ-đề tâm, mà đó là bản chất nội tại, các vị Bồ tát nhiệt tâm cứu độ chúng sanh bằng cách sử dụng Tứ vô lượng tâm, trí tuệ, phương tiện thiện xảo và pháp môn bất nhị, để thành tựu lòng vị tha Bồ tát. 

Nguồn: Asia Pacific Journal of Religio (Trịnh Phụng Cơ - Phan Huy An dịch)


trong Tin tức
Bồ Tát là một phần của chúng sinh: Phát nguyện giữ lấy Tịnh độ
Ban Lien Huu 13 tháng 10, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Trang nghiêm Đại lễ tưởng niệm Đức Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN - Cố Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ
Sáng ngày 11/10/2022, nhằm ngày 16/9/Nhâm Dần, tại Tổ đình Viên Minh tự (Chùa Ráng), Chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ nhân tuần lâm Tiểu tường (giỗ đầu).