Buông xả thì Tự Tại
“Dương gian là cảnh, Tịnh Độ là quê. Sống thì ta ở, Vãng sanh ta về”. Đây không phải là sự bi quan yếm thế mà chính là tinh thần “Tự Tại” của người niệm Phật.


Tự Tại để vui sống, Tự Tại trước hoàn cảnh, Tự Tại ngay trong giờ phút lâm chung. Có như vậy mới đáp ứng đúng theo lời Phật dạy: “Thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A-Di-Đà Phật Cực Lạc quốc độ”, (Kinh A-Di-Đà).


Người tu Thiền xả là luôn luôn để cho tâm thanh tịnh, không để tạp niệm xen lẫn

Tập sống hạnh buông xả - Bí quyết để thành tựu đạo nghiệp

Trên bước đường tu theo Phật, hạnh buông xả là điều tiên quyết phải thực hiện. Theo tinh thần Đại thừa, chúng ta phải nương theo Phật, Bồ-tát và Hiền Thánh Tăng mới được giải thoát; vì biết rằng chúng ta không thể tự thanh tịnh, tự sáng suốt được, nên tuyệt đối không theo ác ma. Tự chúng ta không tài nào lý giải được giáo pháp, không giải quyết được những vướng mắc trong cuộc sống, nhưng nhờ vị minh sư khai ngộ giúp chúng ta xử lý mọi việc tốt đẹp hơn. 

Xưa kia, khi Đức Phật chưa xuất gia, Ngài đã nhận thấy cuộc đời này đáng sợ, dù làm vua quan hay làm gì cũng phải chết thê thảm, vì một khi có quyền lợi vật chất là có ác ma xuất hiện để phá hại. Trong khoảng thời gian Đức Phật còn là thái tử điều hành việc triều chính, Ngài đã biết rõ điều này, mọi việc gì cũng đều kẹt vật chất và người ta luôn sẵn sàng tranh giành, giết hại nhau; cho đến các loài trên trái đất này cũng vì miếng ăn mà giết nhau. 

Đức Phật tự thấy cuộc đời là thế, nên Ngài không muốn dấn thân vào đời, mà nhất quyết thoát ra để không mang món nợ sinh tử truyền kiếp. Nhận thức sâu sắc như vậy, Đức Phật đã xả ly vật chất để tìm về cuộc sống cao quý vĩnh hằng, nhất là Ngài lại biết rõ sự hiện thân của Ngài trở lại thế giới này vì hạnh nguyện cứu khổ độ sanh, chứ không phải trần gian này là thế giới thực của Ngài.

Một trong những chất độc nguy hiểm nhất của chúng sanh là “Lòng tham”. Sự lo âu cũng chính vì lòng tham mà sinh ra. Tham tiền tài, tham danh sắc, tham sự nghiệp, tham luyến ái, tham hưởng thụ…đưa đến tham sống sợ chết. Tất cả những cái tham đó quay tâm hồn con người điên đảo đảo điên, tối tăm mù mịt. Càng lo càng sợ, càng bị dồn vào ngõ cụt, bị khốn đốn không lối thoát, làm cho cuộc sống đã khổ lại càng thêm khổ, có ích gì đâu!?

Với sự thiết thân thể nghiệm và thành tựu hạnh xả ly, Đức Phật dạy chúng ta xả bỏ vật chất để thân tâm được an lạc, vì sở hữu vật chất càng nhiều càng làm mình nặng lòng hơn. 

Có người tu hành cả đời mà ngày ra đi vẫn còn đau khổ mê muội, mù mù mịt mịt, chẳng biết đi về đâu, trong khi nếu mình được Phật thọ ký thì dại gì chần chờ, do dự, dại gì còn muốn lăn lộn thêm trong cảnh trần lao này làm chi cho khổ! Đường đời đầy cay nghiệt, ta lỡ sơ ý một chút cũng có thể sa hố, thì bá thiên vạn kiếp dễ gì gặp lại Phật đây!?

Buông xả từ trong tâm, nhứt thiết duy tâm tạo, tất cả đều do tâm mình định đoạt. Tu hành, nhất định phải vạch ra mục đích cho đúng, nhất định phải biết xa lìa cái danh hão huyền của trần tục, phải tránh những triết lý phiêu lưu vô chứng cớ, phải biết bỏ những quyền lợi nhỏ nhặt thế gian, phải đoạn trừ những sự cầu tài cầu lộc, cầu giàu, cầu phước,… vì những lời cầu nguyện chính là sự tự nguyện ở lại trong sinh tử luân hồi, tự nguyện chịu đoạ lạc mất phần giải thoát đó. 

Một chúng sanh nếu không có lập trường vững, không có đường đi rõ ràng, không chịu nương theo lực gia trì của Phật thì khó mà thoát khỏi tầm ảnh hưởng của ngoại đạo bủa lưới khắp nơi. Cuộc đời này, càng về sau càng rơi vào cảnh khốn nguy cho huệ mạng, chịu đựng suốt những chuỗi kiếp số lao đao lận đận trong sinh tử luân hồi, trong ba đường ác đạo khổ đau theo như kinh Phật nói “nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn”.

Trăm sông đều đổ về biển, hay tất cả giáo pháp chỉ có một nghĩa giải thoát. Trên bước đường tu tập, người có của và người không có của một khi thực sự quyết tâm buông xả thì cả hai đều được giải thoát như nhau. Chúng ta phải biết giựt mình tỉnh ngộ, phải mạnh dạn làm cách mạng tự thân để giải thoát cho chính mình, bởi chỉ có mình mới cứu được đời mình. 

Từ thế giới buông bỏ, tâm dễ dàng định tĩnh giúp chúng ta thấy sự vật thế gian và xuất thế gian một cách chính xác. Tâm định tĩnh chúng ta càng cao càng thấy sâu gọi là chứng Tha tâm thông, tức thấy biết được tâm thức của người đối diện, biết họ nghĩ gì, muốn gì, nên hành giả dễ thành công trong việc giáo hóa người khác.

Học Phật, mấy người có thể buông xả? 

Trên bước đường tu, đầu tiên buông xả vật chất và cuối cùng xả ly luôn cái tâm chấp vật chất, xả bỏ được phần nào thì an lạc giải thoát phần đó. Bước theo dấu chân Phật, thực tu, chúng ta phải thực tập hạnh xả bỏ mới thấy thật tướng các pháp. Nhưng tuổi trẻ mà khuyên họ buông xả thì khó lắm, vì tình trần còn đang lừng lẫy, tương lai còn đầy tham vọng thì làm sao có thể buông xả được. 

Nói như vậy không có nghĩa là người trẻ khó đi về với đạo, khó ngộ Phật pháp. Nếu họ trực nhận thấy được con đường đi mà phát tâm tu hành tinh tấn, nhiếp tâm niệm Phật và ngoài việc niệm Phật, không dấy khởi một niệm nào khác, thì tất cả đều là duyên lành thiện căn phúc đức từ nhiều kiếp. 

Còn người khi tuổi đã về chiều, nhìn lại cuộc đời mới thấy như trò huyễn hoá. Bởi lý thường, con người luôn ưu tư về cuộc sống, càng gần ngày mãn phần càng lo âu, có người còn sợ sệt chạy đầu này đầu nọ để cầu cho sống thọ hơn. Nhưng, cầu đâu được? Mà để làm chi? Họ chỉ tạo thêm khổ ải cuộc đời. Đây chỉ là thường tình của người thế gian, của người trần tục, của những người không hiểu đạo lý giải thoát của Phật. Còn người đã ngộ Phật pháp thì họ an nhiên tự tại, họ tuỳ thuận theo tự nhiên, họ coi sự ra đi như một lần vứt bỏ chiếc áo cũ. “Dương gian là cảnh, Tịnh Độ là quê. Sống thì ta ở, Vãng sanh ta về”, có gì đâu mà lo với lắng!

Đây không phải là sự bi quan yếm thế mà chính là tinh thần “Tự tại” của người niệm Phật. Tự Tại để vui sống, Tự Tại trước hoàn cảnh, Tự Tại ngay trong giờ phút lâm chung. Có như vậy mới đáp ứng đúng theo lời Phật dạy: “Thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A-Di-Đà Phật Cực Lạc quốc độ”, (Kinh A-Di-Đà). 


Xả bỏ, buông bỏ những Tham-sân-si để tâm được an lạc, thể xác được tự do


Trong kinh Phật dạy: Một thần thức trải qua một cuộc cách ấm là tất cả công phu tu hành dang dở đều bị xoá sạch. Qua một đời khác phải làm lại từ đầu. Thiện căn phước đức dù có nhiều đi chăng nữa, nhưng không gặp cơ duyên cũng đành tan tành theo mây khói! 

Cho nên, có gặp được Phật, có về với Phật hay không nằm ngay trong tự tâm thanh thịnh, ở lòng chí thành chí thiết, ở ý chí kiên cường dũng mãnh, quyết định dứt khoát theo Phật không lay chuyển. Theo sau “Phóng Hạ” là “Tự Tại”. Hễ buông xả thì “Tự Tại”. Quyết đi thì phải buông xuống mọi ơn nghĩa ràng buộc của thế giới Ta Bà này, né tránh càng nhiều càng tốt những liên hệ thế gian, thì tự nhiên ta thấy ngay sự tự tại. 

Tự Tại ngay trong cuộc sống, Tự Tại trong mọi hoàn cảnh, Tự Tại về với Phật. Người tu hành chân chính chắc chắn sẽ được hưởng phước báu này. Chính vì vậy, khi trực tỉnh được sự thật của chân tướng thì mình phải biết nghỉ ngơi, phải biết liệng gánh nặng trên vai xuống đất để mình bước đi thong dong “Tự Tại”. Thế nhưng, nếu lưỡng lự thì tâm hồn lo lắng, tinh thần hoảng hốt, ý chí chao đảo, tâm trí rối bời, Phật quang tan biến, oan gia trái chủ trùng trùng điệp điệp bủa vây, không thể nào thoát khỏi cảnh giới xấu ác. Ta có về được với Phật hay không cũng chỉ xảy ra trong tích tắc thời gian mà thôi. Quyết đi thì ý chí phải kiên định, tâm thái phải tự tại, tinh thần phải trong sáng, phải niệm được câu “A-Di-Đà Phật”. 

Một lòng niệm Phật, niệm liên tục ngày đêm, niệm cho tiếng Phật hiệu nhập vào tâm, đừng để tâm mình xen tạp những việc khác. Ngoài việc niệm Phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác, nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay, cố gắng buông xả vạn duyên, nhờ lực gia trì của Phật A-Di-Đà mới tránh được nghiệp chướng, hầu cầu thoát khỏi cạm bẫy nguy hiểm. 

Tài liệu tham khảo: 
Sách Khuyên người niệm Phật (Tập 1), NXB Tôn giáo
trong Tin tức
Buông xả thì Tự Tại
Ban Lien Huu 2 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
THÔNG BÁO MỜI ĐĂNG KÝ THAM GIA - ĐẠI LỄ VÍA ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT, ĐẠI LỄ CẦU SIÊU ĐỒNG BÀO TỬ NẠN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ VIẾT SỚ CẦU AN
Nhân ngày Vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại lễ Vía Địa Tạng Vương Bồ Tát và Đại lễ Cầu siêu đồng bào tử nạn trong đại dịch Covid-19 kết hợp viết sớ cầu an cho nhân dân và đồng bào (không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc). Sự kiện này sẽ diễn ra tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen (Quốc lộ 20, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).