Chín chữ cù lao - Khắc ghi ân đức cha mẹ một đời không quên
“Chín chữ cù lao” là chín ân lớn thể hiện sự chăm sóc, hy sinh, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Chín chữ cũng là chín bài học của mỗi người mà ai cũng phải khắc ghi trong lòng thật sâu sắc, để từ đó phát khởi được tâm hiếu thuận đối với cha mẹ.

“Công cha mẹ sinh thành dưỡng dục

Ơn đức này chín chữ cù lao”. 

“Cù lao” là nhọc nhằn, khó khổ. Chín chữ cù lao thể hiện sự gian lao, vất vả khi sinh con, nuôi con, dạy dỗ con của cha, của mẹ. Chín chữ cù lao đó là: Sinh - Cúc - Phủ - Súc - Trưởng - Dục - Cố - Phục - Phúc.


Con cái hiếu thảo chính là món quà lớn nhất đối với Cha Mẹ

Ý nghĩa "chín chữ cù lao"?

1. Chữ Sinh

“Sinh” nghĩa là cha mẹ đã sinh ra chúng ta, cho chúng ta mầm sống, hình hài. Chúng ta trong thai mẹ suốt 9 tháng làm mẹ vất vả: ăn, ngủ không được, phải kiêng khem giữ gìn đủ thứ, thân thể nặng nề, xồ xề xấu xí. Đến ngày sinh, mẹ lại chịu đau đớn vô cùng; thậm chí đã có những người mẹ mất mạng sau khi sinh con ra. Có những người mẹ sức khỏe yếu quá nên quyết định hy sinh thân mạng để con mình được sinh ra. Cho nên, người ta gọi “cửa sinh là cửa tử” - người mẹ sinh con giống như đi vào cửa tử. Vậy nên, khi sinh được con thì cha mẹ quý con như vàng, như ngọc nên dù lỡ con sinh ra với hình hài có xấu xí, tật nguyền, cha mẹ cũng không vì điều gì mà bỏ rơi con. Tình thương của cha mẹ đối với con lớn lao như vậy nên chúng ta đừng làm điều gì buông lung để tổn hại đến thân thể mình khiến cho cha mẹ đau khổ.

2. Chữ Cúc

Nghĩa là cung cúc, nâng đỡ. Từ khi mới lọt lòng cho đến khi lớn khôn nên người, biết bao nhiêu lần chúng ta được cha mẹ tay truyền tay bế ẵm nâng niu trong tình yêu thương của cha mẹ. Đối với cha mẹ, chúng ta là giọt máu của cha mẹ, còn quý hơn cả vàng ngọc. Dẫu con thế nào thì tình yêu thương của cha mẹ không bao giờ thay đổi. Con là sự sống, là tất cả của cha mẹ; vì vậy, nếu có ai mang cả tấn vàng để đổi lấy con thì chắc chắn, cha mẹ cũng không đổi. Dù cha mẹ có phải ăn rau, ăn mắm thì cha mẹ cũng không bỏ rơi con. Chỉ cần mỗi ngày nhìn con cười, con nói, nhìn con lớn lên, trưởng thành thì đó chính là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Thật đúng với câu:

“Có vàng, vàng chẳng hay phô

Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe”

3. Chữ Phủ

Nghĩa là che chở, vỗ về. Từ khi con còn bé, mỗi lần con đau ốm, cha mẹ vỗ về, ngày đêm túc trực, chăm sóc con từng li từng tí. Khi đêm đông, sợ con bị rét lạnh, cha mẹ ôm chặt con vào lòng, sưởi ấm cho con, ủ ấm lấy hơi của mình truyền sang cho con xua tan đi giá lạnh để con được yên giấc ngủ ngon.

4. Chữ Súc

Chữ “Súc” trong từ súc dưỡng, ăn uống nuôi nấng, bú mớm. Mỗi chúng ta đều từ trong thai mẹ mà lớn lên, nhờ ơn mẹ nuôi nấng nên chúng ta mới được khỏe mạnh nên người. Khi con còn trong thai, sợi dây rốn kết nối giữa con và mẹ, mang máu, dinh dưỡng từ mẹ để con phát triển khỏe mạnh. Khi con sinh ra đời, mẹ dù thế nào cũng đều vì con mà cố gắng ăn uống những gì tốt nhất, bổ nhất để có sữa cho con. Bởi mẹ hiểu rằng, sữa mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất của con. Đó là một trong chín ân sâu mà mỗi người con cần khắc cốt ghi tâm, đem theo suốt cuộc đời.

5. Chữ Trưởng

Sinh con ra đã khó khổ, để nuôi dạy con trưởng thành thì cha mẹ lam lũ, càng vất vả bội phần. Đó chính là ý nghĩa của chữ thứ năm, chữ “Trưởng”. Cha mẹ làm nghề công chức, công nhân, tiểu thương buôn bán hay bất kì nghề gì đi chăng nữa, cha mẹ cũng rất vất vả sớm hôm, chỉ mong sao con được ăn học đàng hoàng, được bằng bạn bằng bè không phải tủi thân.

Trong cuộc sống, chúng ta nghe thấy không ít những câu chuyện về cha mẹ vì con mà dù khó, dù khổ cũng làm. Chúng ta hãy dành thời gian nghĩ đến cha mẹ, khi mình ngồi trên ghế nhà trường mát mẻ, nơi làm việc thanh nhàn thì cha mẹ ở nhà đầu tắt mặt tối, mồ hôi nhễ nhại vất vả. Cho nên mọi sự thành tựu của chúng ta đều nhờ công sức lớn lao của cha mẹ mà ra.

6. Chữ Dục

Chữ “Dục” mang ý nghĩa dạy dỗ. Cha mẹ là người thầy đầu tiên trong đời của chúng ta. Cha mẹ dạy ta tập lẫy, tập bò, tập đi rồi tập nói. Từ kinh nghiệm sống của mình, cha mẹ dạy con cách ứng xử từ trong gia đình cho đến ngoài đời xã hội. Chính nhờ cha mẹ dạy dỗ mà chúng ta mới biết sống đạo đức, đạt được thành tựu trong cuộc đời này. Vì thế, có thể nói, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và cũng là thầy của chúng ta trong suốt cả cuộc đời. Nếu chúng ta khéo biết nhìn, biết học thì tấm gương của cha mẹ luôn là bài học quý báu cho chúng ta.

7. Chữ Cố

Chữ “Cố”, nghĩa là ngóng trông, nhìn về, hướng tới. Đối với cha mẹ thì các con là khúc ruột nên không lúc nào cha mẹ rời mắt khỏi các con, lúc nào cũng nghĩ đến và ngóng trông con. Con dù lớn khôn, trưởng thành nhưng đối với cha mẹ, con vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào cha mẹ vẫn ẵm trên tay, là đứa trẻ còn non dại cần được yêu thương, che chở; vậy nên mới có câu “mẹ già trăm tuổi, vẫn thương con tám mươi”. 

8. Chữ Phục

“Phục” nghĩa là quấn quýt, không rời. Cha mẹ bao giờ cũng thế, không muốn rời con, lúc nào cũng muốn con quấn quýt bên mình. Vậy mà, chúng ta không hiểu được điều ấy, lớn lên rồi lại chỉ muốn rời khỏi vòng tay cha mẹ để được tự do, khám phá thế giới bên ngoài; mà quên rằng, nơi quê nhà, cha mẹ vẫn ngày ngày tựa cửa ngóng trông con về. Thiếu vắng con là thiếu vắng niềm vui, ngôi nhà trở nên vắng vẻ. Vậy nên, chúng ta hiểu lòng cha mẹ thì đừng làm cha mẹ buồn lòng. Dù bận đến đâu, chúng ta cũng nên sắp xếp về quây quần bên cha mẹ để cha mẹ được vui vẻ, được thấy niềm hạnh phúc gia đình đoàn tụ, sum vầy.

9. Chữ Phúc

Chữ thứ chín cũng là chữ cuối cùng, đó là chữ “Phúc”. “Phúc” có nghĩa là che chở, bảo vệ. Quả thật, cha mẹ nào cũng đều có tâm che chở bảo vệ cho con bởi vì con là giọt máu của cha mẹ. Đối với con, cha mẹ luôn yêu thương con vô điều kiện, vô bờ bến, sẵn sàng bảo vệ cho con. Dù phải hy sinh thân mình vì con, cha mẹ cũng không hề tiếc, sẵn sàng chịu khổ, thiệt thòi về mình để con được bình an.

Hiểu về ý nghĩa “chín chữ cù lao”, chúng ta mới thấy ân đức sinh thành cha mẹ rất lớn mà không có ngôn từ nào kể hết được. Thế nhưng, chúng ta biết rằng mình không chỉ có cha mẹ hiện đời mà còn có cha mẹ trong các kiếp quá khứ. Bởi Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sinh đều từng là cha mẹ của chúng ta; tất cả chúng sinh đều từng là cha mẹ của Đức Phật. Thế nên, Đức Phật trong vô số kiếp quá khứ tinh tấn tu hành để cứu độ chúng sinh, báo đền ân đức cha mẹ. Cho nên, Đức Phật là bậc Đại Hiếu. 

Là người đệ tử Phật, chúng ta phải tu tâm hiếu đạo, đặt hiếu đạo lên hàng đầu. Chúng ta phải sống thật tốt, không làm khổ mình, không làm khổ người. Dù sống ở đâu, trong quốc độ, môi trường nào, chúng ta cũng cần tu thân, dưỡng đức và chỉ nghĩ làm lợi ích cho chúng sinh. Đó mới thật là người biết đạo, đó mới thật là báo đền ân đức của cha mẹ, ân đức của chúng sinh. 

trong Tin tức
Chín chữ cù lao - Khắc ghi ân đức cha mẹ một đời không quên
Ban Lien Huu 20 tháng 8, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tích đức hành thiện - Ngọn đèn sáng thành kính nhất của người học Phật
Ngọn sóng cả cuộc đời, không ai mà không gặp. Đức Phật có câu: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp”. Những cơn sóng cả đó âu cũng là nghiệp tự thân mỗi người mà ra. Không điều gì tự đến và tự đi cả, tất cả rồi cũng chỉ là bài học mà mỗi người cần tự nếm trải trong cuộc đời mình.