Hun đúc tinh thần “hiếu hạnh vi tiên”
Trong kinh Báo Ân, Đức Phật đã giảng dạy về 10 đức ân của hai đấng sinh thành như sau: 1 – Gìn giữ khi con mang thai; 2 – Khổ đau trong sinh nở; 3 – Lo lắng trăm bề đến lúc sinh; 4 – Nuốt đắng nhả ngọt; 5 – Nhường khô nằm ướt; 6 – Bú mớm nuôi nấng; 7 – Tắm rửa săn sóc; 8 – Thương nhớ không nguôi; 9 – Quá vì con, thậm chí làm ác; 10 – Thương con trọn đời.
Còn trong kinh Phân biệt nói rằng: Sở dĩ Đức Phật thành Phật là bởi vì “Phụ mẫu thế thế phóng xả, sử kỳ học đạo, lụy kiếp tinh tiến, kim đắc thành Phật, giai thị phụ mẫu chi ân. Nhân dục học đạo, bất khả bất tinh tiến hiếu đạo”. Tức cha mẹ đời đời buông xả, giúp con học đạo, trải qua nhiều kiếp cần mẫn tinh tấn, nay được thành Phật, đều là công ơn của cha mẹ. Con người muốn học đạo, không thể không tinh tấn hiếu thuận. Từ duyên khởi của kinh Phân biệt, Đức Phật đã dạy rằng, hết lòng hiếu thảo thì cũng giống như học Phật vậy.
Đức Phật dạy: Con người muốn học đạo, không thể không tinh tấn hiếu thuận
Trong mỗi chúng ta, ai có mặt trên cõi đời này cũng nhờ vào tinh cha huyết mẹ. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Mẹ đã rơi nước mắt vì ta, những giọt nước mắt hạnh phúc sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Khi ta biết lắng nghe cuộc sống, Mẹ dạy ta cảm nhận, khi ta bập bẹ học nói, Mẹ chỉ ta cách gọi Cha. Khi ta chập chững những bước đi đầu đời, Cha luôn cầm tay dẫn dắt. Cha là người dạy ta cách đứng vững, Mẹ ôm ta vào lòng sau những vấp ngã của cuộc đời. Trong những lúc con vấp ngã trên con đường đời, cha mẹ là ánh sáng nâng đỡ, soi đường cho mỗi bước chân con đi. Dù đi đâu, làm gì thì mẹ cha vẫn luôn dõi mắt theo con, luôn dang rộng vòng tay che chở khi con cần. Suốt cả một đời người, cha mẹ chỉ biết sống, chỉ biết hy sinh cho hạnh phúc của những đứa con, vì con cái mà cha mẹ chịu biết bao vất vả, gian nan. “Ơn cha lành như núi Thái, nghĩa mẹ hiền sâu hơn biển cả. Nếu ta ở trong đời một kiếp, nói công ơn cha mẹ không thể hết” (Kinh Tâm Địa Quán).
Người Phật tử hiểu được chân như Phật Pháp, được hun đúc tinh thần “hiếu hạnh vi tiên” sẽ hiểu được công ơn trời biển của hai đấng sinh thành, thấu cảm được phụ mẫu công ơn đều trọng. Chính vì vậy, tất cả những người làm con phải tận tâm báo hiếu, nỗ lực đền đáp bằng tất cả tấm lòng trong mọi tình huống, dù trong lúc khốn đốn khó khăn, vật đổi sao dời, lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ phải trước sau như một.
Làm sao trả đặng thâm ân song đường?
“Ân cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng trọn một đời
Cũng không trả hết ơn người sanh ta”
"Hiếu", một chữ thôi, gần gũi nhưng sao cũng xa vời. Bởi công ơn cha mẹ sánh bằng non biển, phận làm con biết sao cho vẹn tròn chữ hiếu đây? Có chăng sự báo hiếu của con thảo cháu hiền chỉ có thể đền đáp được phần nào đó trong muôn một.
Đức Phật dạy: Hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất của đời người, là phúc báo mà mọi người đều nên làm nhất trên đời. Trong kinh Báo Ân, Đức Phật đã khẳng định: Những kẻ bất hiếu là tự gieo bất hạnh cho bản thân và khó có cơ hội sống trong hạnh phúc thật sự. Thiếu hiếu thảo, tính cách đạo đức của con người đã bị phá vỡ và do đó không thể trở thành các bậc hiền thánh để đời ca tụng và học hỏi theo được. Cũng chính vì thế mà kinh Nhẫn Nhục thuộc hệ Đại thừa đã đẳng thức hoá “hiếu” với “điều thiện tối cao” và “bất hiếu” là điều ác nguy hại: “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác tối cao là bất hiếu”. Kinh điển Đại thừa cũng khẳng định: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” nhằm xác quyết rằng, đạo hiếu là con đường mà tất cả các bậc thánh hiền, các bậc giác ngộ đã đi qua.
Kinh Thiện Sinh đã chỉ ra: "Phàm là người con thì nên sùng năm việc để hiếu thuận cha mẹ, một là cung phụng không để thiếu thốn, hai là phàm làm điều gì trước phải thưa cha mẹ, ba là những gì cha mẹ làm không được trái nghịch, bốn là cha mẹ sai bảo không được trái phạm, năm là không làm đứt đoạn nghề nghiệp chân chánh mà cha mẹ làm".
Mẹ cha cho ta tình thương vô hạn, hãy yêu thương mẹ cha đừng kể tháng kể năm
Tâm hiếu hạnh luôn có sẵn trong mỗi người con, thế nhưng đôi khi, chúng ta thường mải miết tìm kiếm những điều xa vời bên ngoài cuộc sống, mải miết chạy theo đam mê hoài bão mà quên đi hạnh phúc giản dị bên cạnh, đó là gia đình, là cha mẹ. Để rồi khi giật mình nhìn lại thì đã thấy những mái tóc phai màu sương gió, những nếp nhăn in dấu nhọc nhằn, những chiếc lưng dường như không còn thẳng, cả nụ cười cũng chứa đựng biết bao giọt mồ hôi cùng bao nhiêu nước mắt... Cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng ta như thế. Không quản ngại gian nan vất vả, không oán trách than phiền và cũng chưa một lần hối tiếc, cha mẹ chỉ biết yêu thương và luôn cố gắng dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất. Khi ấy ta mới day dứt` một điều rằng: Phải chăng chúng ta đã dành quá ít thời gian cho cha mẹ? Và liệu rằng chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa để trả đặng thâm ân song đường?.
Hằng năm, cứ đến mùa Vu Lan, mọi cảm xúc lại đưa ta trở về với vòng tay của cha mẹ, khiến ta thổn thức nhớ về bổn phận của đạo làm con, tìm cách đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng dĩ nhiên không phải chỉ trong lễ Vu lan hay Ngày của Cha, Ngày của Mẹ con cái mới nghĩ tưởng đến cha mẹ mình, hiếu thảo với cha mẹ mình, còn những ngày tháng khác thì bỏ quên cha mẹ. Phận làm con cái phải luôn nhớ nghĩ đến cha mẹ mình, hiếu thảo với cha mẹ mình mọi lúc mọi nơi; khi mình còn nhỏ và cả khi tuổi đã xế chiều, vì dù con có lớn đến bực nào thì cũng vẫn là con của cha mẹ. Sự quan tâm, kính trọng, thương yêu, báo hiếu cha mẹ là tình cảm đạo đức, là bổn phận, trách nhiệm của người con, là đạo lý làm người.
Biển Đông có lúc vơi đầy
Chứ lòng cha mẹ suốt đời trào dâng
Con nguyện báo đáp thâm ân
Công cha nghĩa mẹ khắc ghi trọn đời
Mẹ cha cho ta tình thương vô hạn, hãy yêu thương mẹ cha đừng kể tháng kể năm, hãy bao dung khi cha mẹ già đi, hãy báo hiếu cha mẹ khi còn có thể! hãy luôn tự hỏi lòng mình, rằng chúng ta còn được sống bên cha mẹ thêm bao nhiêu lâu nữa để biết trân trọng hơn từng ngày được sống bên cha mẹ thương yêu!