Học hạnh khiêm tốn và chân thực
Cuộc đời Đức Phật là một bài học không ngừng về hạnh tu im lặng và khiêm tốn. Trong kinh văn kể, khi vua chúa là những Phật tử đến thăm, Đức Phật đã thỉnh cầu Ngài đi thọ trai tăng. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.
Đức Phật luôn giữ im lặng đối với những vấn đề siêu hình hay huyền học mà luôn luôn đề cao tinh thần thực tiễn. Quá thiên trọng về huyền hoặc thì sẽ thêm nhiều phiền não và dẫn đến không lối thoát vì tính rối rắm của chúng. Đức Phật cũng dạy chúng ta nên im lặng vì im lặng sẽ phát sanh trí tuệ và có im lặng thì sự sâu lắng càng cao. Ông cha ta cũng có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Cho nên chúng ta phải biết khi nào thì im lặng, khi nào thì nên nói. Im lặng là một sức mạnh. Sức mạnh của người tu là im lặng. Im lặng cũng đồng nghĩa với nhẫn nại, nhịn nhục. Sức mạnh của trẻ em là tiếng khóc. Sức mạnh của phụ nữ là nước mắt. Còn sức mạnh của người tu hành là im lặng, nhẫn nhục.
Đức Phật dạy: "Tự mãn gây thiệt thòi, Tự khiêm được ích lợi"
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Hãy sống cung kính. Hãy thường buộc tâm. Hãy thường cẩn thận sợ hãi. Hãy phục tùng các bậc tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa. Vì sao? Vì nếu có Tỳ-kheo sống không cung kính, không buộc tâm, không cẩn thận sợ hãi, không phục tùng các vị tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa khác mà muốn được đầy đủ các oai nghi, thì không hề có trường hợp đó. Vì nếu không đầy đủ oai nghi mà muốn học pháp viên mãn, thì không hề có trường hợp đó. Nếu học pháp không viên mãn mà muốn có giới thân, định thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, thì cũng không hề có trường hợp đó. Nếu giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà muốn được Vô dư Niết-bàn, cũng không hề có trường hợp đó.
Cho nên, Tỳ-kheo cần phải cung kính, buộc tâm, cẩn thận sợ hãi, theo đức lực các vị tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa khác thì oai nghi được đầy đủ,… cho đến được Vô dư Niết-bàn, cần phải học như vậy.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1242)
Con người phải biết học hạnh khiêm tốn và chân thực. Nếu học cao hiểu rộng mà khinh khi những người chung quanh, tự chúng ta sẽ chuốc lấy nỗi khổ, mất đi vầng hào quang. Con người dù nghèo hay giàu nhưng học được hạnh lắng nghe, khiêm tốn thì người đó sẽ có thêm nhiều vầng hào quang. Nói chuyện quá nhiều lại nói những lời vô ích, tự cao tự đắc, hào quang chân thật sẽ biến mất.
Như Phật thường hay nói, cõi Ta Bà này chỉ là cõi tạm, vinh hoa phú quý, công danh lợi lạc, chức vụ địa vị, khi con người ta thác rồi thì còn mang được chỉ là phần hồn và công đức đã tu.
Một bậc đại trí thể hiện phẩm chất khiêm tốn, khiêm hạ là đã tu được 2 phần công đức. Phần thứ nhất là “không ngã mạn, kiêu căng”. Xem như là tu tâm tu dạ, không để tâm đến sự đời, một lòng chuyên chính tu hành cốt sao có được thành tựu, làm lợi lạc bản thân. Mọi sự thiệt hơn đều không màng đến, công danh, nổi tiếng xem nhẹ cả 10 phần. Phần thứ hai là “công đức” có được qua việc trợ giúp, đồng hành cùng người khác ngộ đạo, với người đã tu đạo thì cùng phát triển thêm. Đó là công đức vì lợi lạc quần sinh, vì mọi người đặng cùng thành Phật.
Tài liệu tham khảo:
Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1242, HT. Thích Đức Thắng dịch việt
Tâm lý đạo đức - Bài 4: Khiêm hạ, NXB Tôn giáo Hà Nội