Đức Phật A Di Đà dùng đại nguyện lực kiến lập Tây Phương Tịnh độ - Cực Lạc thế giới
Trong kinh A Di Đà có đoạn nói rằng: “Từ đây trải qua mười muôn ức cõi Phật về phương Tây có thế giới tên là Cực Lạc. Trong thế giới đó có Đức Phật A Di Đà hiện đương nói pháp”. Thế giới này do vô lượng nguyện lực, vô lượng công đức của Phật A Di Đà kiến lập nên. Vì vậy, công đức trang nghiêm vĩ đại của cõi này, những thế giới khác không sao sánh kịp.

Cứu độ lục đạo chúng sanh trong hết thảy các cõi Phật

Thế giới Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà Phật kiến lập, Ngài chẳng phải vì chính mình mà kiến lập, mà kiến lập là vì muốn cứu độ lục đạo chúng sanh trong hết thảy các cõi Phật, tiếp dẫn hết thảy về đạo tràng Tịnh Độ tu học. Bởi lục đạo chúng sanh khổ não trong thế giới mười phương, vượt thoát lục đạo lại chẳng dễ dàng nhờ vào thiện căn, phước đức, nhân duyên. 

Tuy trong A Lại Da của chính chúng ta có chủng tử bất thiện, nhưng bên ấy chẳng có duyên bất thiện, nhân mà chẳng có duyên sẽ chẳng thể hiện hành, chẳng khởi tác dụng! Đức Phật A Di Đà dùng phương tiện thiện xảo kiến lập một thế giới mới mẻ như thế - thế giới Cực Lạc từ khi kiến lập cho đến nay, nói theo phương diện thời gian thì chỉ có mười kiếp. Trong thời gian và không gian vô tận, mười kiếp rất ư ngắn ngủi, nhưng Đức Phật A Di Đà đã dùng thời gian trọn năm kiếp để kiến tạo nên cõi Cực Lạc Tịnh độ. Mục đích cốt nhằm giúp đỡ chúng sanh trong lục đạo chẳng có cách nào đoạn trừ tập khí phiền não, nên cũng có thể nói Ngài đã kiến tạo một hoàn cảnh tu học vô cùng lý tưởng nhằm tiếp dẫn chúng sanh về nước ấy cộng tu, khiến chúng sanh thọ hưởng niềm vui niệm Phật Vô thượng, vãng sanh Cực Lạc.


Vật chất do đâu mà có? Vật chất là huyễn tướng sanh bởi ý niệm tích lũy liên tục. Chúng ta thấy kinh Vô Lượng Thọ nói về lịch sử thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật do nguyện lực của 48 nguyện, nguyện lực chẳng phải là niệm lực hay sao? Ngài tham phỏng hai trăm mười ức cõi, “hai trăm mười ức” là biểu thị pháp, chẳng phải là một con số, mà là tất cả các cõi Phật trong khắp pháp giới hư không giới Ngài đều đã đến thăm, chọn lấy ưu điểm, loại bỏ khuyết điểm. Vì vậy, thế giới của Ngài tổng hợp toàn vẹn những điểm tốt đẹp trong các thế giới của hết thảy chư Phật. Những điều bất thiện trong hết thảy các thế giới chư Phật đều chẳng có, mọi điều tốt đẹp đều có; thế giới ấy là như vậy đó. Chư Phật tán thán, chư Phật hoan hỷ, chẳng có một vị Phật nào không khuyên các hữu tình chúng sanh trong khu vực giáo hóa của chính mình, đều dạy họ niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đến nơi ấy, thành tựu nhanh chóng, thành Phật trong một đời. 

Thế giới Cực Lạc là một đạo tràng Trung Đạo

Tịnh Độ pháp môn, thị Phật tri kiến

Trì danh niệm Phật, thong dong Trung Đạo

Tu hành ở nơi khác, thời gian rất dài, nhưng đến nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà lại rất nhanh chóng; đạo lý là như thế đó. Vì thế, nói pháp môn Tịnh Độ là tri kiến của Phật! Cõi cực lạc sẽ là nơi để Đức Phật truyền dạy phật pháp, giúp trau dồi trí tuệ và đức năng. Chúng sinh ở cõi tây phương sau khi đã hoàn thành việc tu tập sẽ trở thành Phật và bồ tát đi xuống mười phương thế giới để độ hóa cho chúng sinh.

“Lạc” của cõi Cực Lạc không phải là cái “lạc” trong nghĩa “khổ-lạc” (buồn-vui, sướng-khổ,…); vì “lạc” của “khổ-lạc” vẫn là khổ trong phạm vi ba loại khổ: Khổ Khổ, Hoại Khổ và Hành Khổ. Thế giới Cực Lạc là vĩnh viễn lìa khỏi hai bên “khổ” và “lạc”, là vô lượng thanh tịnh hỷ lạc!

-Trích lục ý nghĩa từ bài khai thị của Ân sư Thích Tịnh Không-

Trì danh niệm Phật là thong dong Trung Đạo, chúng ta tu Trung Đạo như thế nào? Buông vạn duyên xuống, nhất tâm niệm Phật, là tu Trung Đạo. Tới thế giới Cực Lạc là một thế giới Trung Đạo, là một đạo tràng Trung Đạo. Đoạn này giải thích một điều kiện trọng yếu phải hội đủ hòng lìa khổ được vui, phải tuân thủ Trung Đạo, đó là trí huệ. Học Phật phải cầu vãng sanh, nếu ta đối với thế giới Cực Lạc, đối với Phật A Di Đà không có nhận thức tương đối, thì rất khó khăn.

Đức Phật A Di Đà chỉ cho chúng ta một phương pháp, tức là dùng một câu Phật hiệu: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Ý niệm vừa khởi lên, lập tức trở về với Phật hiệu, đây là phương tiện thiện xảo vô cùng tuyệt diệu của pháp môn Tịnh độ. Nếu nắm bắt được điều này thì rất đơn giản, đời này sẽ thành tựu, thành tựu viên mãn, điều này không thể nghĩ bàn.

Bây giờ Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta thế giới tây phương Cực Lạc, mỗi người ở thế giới đó, đều đầy đủ viên mãn 48 nguyện. Vì sao vậy? Vì mỗi người vãng sanh, đều được 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì họ mới vãng sanh, cho nên gọi là 48 nguyện độ chúng sanh. Sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, mỗi người đều có đủ 48 nguyện này.



Chúng sanh muốn thành tựu đạo nghiệp, muốn trở về với tự tánh, muốn biết mục tiêu cuối cùng của việc học Phật, chính là trở về với tự tánh. Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Là đệ tử chân chánh của Phật, đối với các tông phái và pháp môn bất đồng đều phải sanh tâm cung kính.

Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Tiếp là tiếp dẫn, hóa là giáo hóa. Oai thần giáo hóa của Phật A Di Đà không thể nghĩ bàn. Không cần dùng ngôn ngữ, không cần dùng biểu thị, tự nhiên khiến những người vãng sanh này, tất cả mọi tập khí phiền não đều chuyển hóa thành chánh niệm. Thông thường chúng ta nói, oai thần của Phật Di Đà gia trì, cho nên pháp môn này quả thật thù thắng vô biên. Gặp được pháp môn này, không phải là nhân duyên nhỏ nhoi, còn thù thắng hơn cả Hoa Nghiêm!

Theo như một số ghi chép, hành giả nếu muốn được tái sinh tại cõi Tây phương cực lạc và hưởng cuộc sống bình an, hạnh phúc cho đến khi nhập cõi Niết bàn cần phải kiên trì niệm danh hiệu của Đức phật A Di Đà và phải có đủ tín (là tin tưởng hoàn toàn nơi Phật), nguyện (là cần phải phát nguyện vãng sanh) và hạnh (những công đức tu tập được).

Phương pháp tu học, thù thắng nhất không qua niệm Phật, vì sao vậy? Vì nhất tâm chuyên niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật này, nói cho chư vị biết Tam học Giới Định Tuệ đều bao hàm trong đó. Không những Giới Định Tuệ trong đó, mà Tam học, Lục độ, Lục hòa, Phổ Hiền thập nguyện, cho đến 48 nguyện của Phật A Di Đà đều bao bàm trong câu danh hiệu này. Niệm câu Phật hiệu này là niệm được tất cả, đầy đủ tất cả. Các bậc cổ đức thường nói, công đức danh hiệu ấy không thể nghĩ bàn.

 Tài liệu tham khảo: 
- Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa - Cố HT Tịnh Không khai thị  
- Pháp môn một đời thành tựu - Cố HT Tịnh Không khai thị 


trong Tin tức
Đức Phật A Di Đà dùng đại nguyện lực kiến lập Tây Phương Tịnh độ - Cực Lạc thế giới
Ban Lien Huu 5 tháng 12, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Phật A Di Đà – Đức Phật ánh sáng và nhân duyên tiền thân của Ngài
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, ai cũng đều biết Đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc; chí tâm niệm hồng danh của Ngài sẽ giúp sinh vô lượng công đức và được vãng sanh về cõi Cực Lạc dựa theo 48 lời đại nguyện của Ngài. Nhưng ít ai biết được, nhân duyên tiền thân của Đức Phật A Di Đà như thế nào?