Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại lễ Cầu Siêu Đồng Bào Tử Nạn Trong Đại Dịch Covid-19
Sau đại dịch Covid-19, chúng ta đã phải chịu quá nhiều đau đớn, mất mát, có biết bao gia đình phải âm dương cách biệt. Và chính vì không tổ chức được tang lễ trọn vẹn với đầy đủ lễ tiết, những người ở lại luôn trăn trở làm thế nào thân nhân của mình được siêu thoát, tái sinh về cảnh giới an lành.


Nỗi đau mang tên “Covid-19”: Hy sinh, mất mát và sự cô đơn

Nhớ lại thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam chúng ta đã phải trải qua 4 đợt dịch đầy cam go, khốc liệt và ghi nhận hơn 11 triệu ca nhiễm. Trong cuộc chiến chống dịch, đặc biệt ở đợt dịch lần thứ 4, có hàng chục nghìn người đã mãi mãi ra đi. Những hy sinh, mất mát ấy sẽ là những nỗi ám ảnh khôn nguôi, dai dẳng mãi trong tâm trí của người ở lại…

Trong đại dịch vừa qua, là “tâm dịch” lớn nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã phải đi qua một thời kỳ mất mát đau thương chưa từng có trong lịch sử vì “Covid-19”. Hàng trăm nghìn người phải ứng phó với dịch bệnh. Số ca mắc lần lượt từ 1 con số nhảy lên 2 rồi 3 con số… Và từ tháng 8/2021, khi biến thể delta khiến dịch bùng phát mạnh nhất thì số ca nhiễm ở Hồ Chí Minh mỗi ngày luôn ở 4 con số.


 Ngày ra đi chưa kịp nói lời tạm biệt, ngày gặp lại chỉ còn hũ tro cốt, cả người trao và người nhận đều đau đến xé lòng (Nguồn ảnh: TTXVN)

Thời điểm đó, nhiều người ám ảnh, bất an khi nghe từng hồi còi hú vang mỗi ngày, bởi đó là âm thanh của sự hiểm nguy, mất mát, báo hiệu điều chẳng lành. Nhiều người phải tạm biệt gia đình lên xe cứu thương đi cách ly điều trị. Quãng đường còn lại của những bệnh nhân Covid khi ấy là một hành trình “đơn độc”, một mình chống chọi lại bệnh tật. Đến khi trút hơi thở cuối cùng, họ cũng chỉ một mình, không hề có người thân bên cạnh. Đó chính là điều nghiệt ngã nhất…

Còn đối với những người ở lại, họ hoàn toàn không hề hay biết tin tức gì cho đến khi nấc nghẹn nhận cuộc gọi báo tin buồn từ ngành y tế và đau đớn đến tận cùng ngày nhận lại hũ tro cốt hay kỷ vật thân nhân của mình. Hàng chục nghìn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu mà không thể nói lời từ biệt, cũng không thể tổ chức cho người thân một lễ tang trọn vẹn. Đó chính là điều day dứt nhất…

Xoa dịu những đau thương, nguyện cầu hương linh siêu sinh Tịnh Độ 

Tháng Bảy là tháng Vu lan Báo Hiếu, thế nhưng mùa Vu Lan năm nay, có biết bao người con chẳng thể cài lên ngực bông hoa đỏ thắm, có biết bao gia đình vẫn hằn sâu trong tim vết thương không thể xóa nhòa và có những người đọc đến đây hẳn chỉ biết chực trào nước mắt...

Chúng ta đã phải chịu quá nhiều đau đớn sau đại dịch Covid-19, đi qua đỉnh dịch, có biết bao gia đình phải âm dương cách biệt. Những nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong tim hàng triệu người, có khi đến cả đời, nhất là với những ai có thân nhân đã hóa thành tro cốt. Mãi mãi trong họ là nỗi day dứt vì không được nhìn mặt, tiễn đưa người thân về cõi vĩnh hằng…Và chính vì không tổ chức được tang lễ trọn vẹn với đầy đủ lễ tiết, những người ở lại luôn trăn trở làm thế nào để thân nhân của mình được siêu thoát và tái sinh về cảnh giới an lành. 
 

 
Việc cầu siêu cho hương linh người mất là việc nên làm, bởi khi cầu siêu có thể mang lại lợi ích to lớn. Hơn nữa, cầu siêu cũng là một hinh thức nhắc nhở những người còn sống phải năng tạo nghiệp lành để hồi hướng công đức cho người thân đã khuất, trợ duyên cho họ vượt qua bể khổ trầm luân bởi những tạo tác nghiệp lực đã gieo trồng từ quá khứ.

Với tâm nguyện hóa giải tạo duyên lành, đồng thời góp phần chia sẻ, xoa dịu bớt nỗi đau của những gia đình có người thân đã khuất trong đại dịch vừa qua, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại lễ Vía Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đại lễ Cầu siêu đồng bào tử nạn trong đại dịch Covid-19, thành tâm nguyện cầu cho các hương linh sớm được vãng sanh về miền cực lạc. Đồng thời, trong khuôn khổ của Pháp hội sẽ kết hợp tổ chức lễ Cầu An để tất cả mọi người cùng hướng tâm, cầu nguyện cho muôn điều an lành, tốt đẹp. 

Tính từ thời điểm khi đại dịch bùng phát đợt thứ 4 mà thành phố Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng và mất mát lớn nhất đến nay đã tròn 1 năm, nói theo ngôn ngữ dân gian là “giỗ đầu” hay “tiểu tường”. Việc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại lễ Cầu siêu thể hiện mong muốn xoa dịu phần nào nỗi buồn thương vẫn còn âm ỉ nơi những người có thân nhân qua đời trong đại dịch. Đại lễ lần này diễn ra trong không khí của mùa Vu lan, đúng với tinh thần Thông bạch của Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hướng dẫn về việc tổ chức các hoạt động để thể hiện tình người, tinh thần tri ân và báo ân.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 5.000 lượt đăng ký ghi sớ cầu siêu cho hương linh và hơn 3.000 lượt đăng ký ghi sớ cầu an từ Phật tử, nhân dân thiện tín gần xa. 

Đại lễ Vía Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đại lễ Cầu siêu đồng bào tử nạn trong đại dịch Covid-19 sẽ diễn ra liên tục trong 05 ngày, từ 24-28/8 (nhằm ngày 27-28-29 tháng 7 và ngày 1-2 tháng 8 Nhâm Dần) tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen (Quốc lộ 20, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).

trong Tin tức
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại lễ Cầu Siêu Đồng Bào Tử Nạn Trong Đại Dịch Covid-19
Ban Lien Huu 22 tháng 8, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Bồ Tát Địa Tạng - Đại biểu của Hiếu Đạo
Bồ Tát Địa Tạng từ vô lượng kiếp đến nay thực hành hiếu đạo theo nghĩa rộng của Phật giáo. Do cứu bạt nỗi khổ của cha mẹ mình bị đoạ vào đường ác mà mở rộng đến cha mẹ người khác; do cứu bạt nỗi khổ của cha mẹ hiện đời bị đoạ vào đường ác mà mở rộng đến cha mẹ nhiều đời trong quá khứ và vị lai.