Nhằm thể hiện lòng tôn kính và biết ơn những hạnh nguyện độ sanh rộng lớn vô biên của Đức Từ Phụ A Di Đà – Bậc thầy Giáo chủ cõi Tịnh Độ Tây Phương, đối với chúng sanh khắp mười phương pháp giới, trong không khí trang nghiêm của thời khoá công phu tụng kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, hàng trăm Phật tử, đồng tu thiện nam tín nữ một dạ chí thành, nhất tâm quán lễ thọ trì.
Trong Tịnh Độ đại kinh giải diễn nghĩa (Tập 265) - Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải nói rằng: “Ta niệm Phật, mỗi câu A Di Đà Phật đều tương ưng với Kinh Vô Lượng Thọ. Một câu Phật hiệu là một bộ kinh, một bộ kinh rút gọn thành một câu Phật hiệu. Tâm là tâm của Phật, nguyện là nguyện của Phật, đức là đức của Phật, hạnh là hạnh của Phật”.
Đức Phật A Di Đà từ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp tu hành Bồ Tát đạo mới thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài dùng ngàn ức tuổi tu học thành tựu viên mãn đã 5 kiếp, lấy đức năng này để giúp đỡ cho chúng sanh. Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 6 - Phát Đại thệ nguyện, Pháp tạng bạch rằng:
“Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót nghe cho, con nếu chứng được Vô Thượng Bồ Ðề, thành Đẳng Chánh Giác rồi, cõi nước của Phật ở có đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn, không có địa ngục, ngạ quỷ súc sanh các loại. Nếu có chúng sanh trong ba đường ác cho đến từ địa ngục sanh về cõi con, thọ giáo pháp của con, thảy đều đắc đặng, quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, chẳng còn đọa lạc, vào ba đường ác, được như nguyện này, con mới thành Phật, bằng không như nguyện, chẳng thành Chánh Giác".
Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 47 lại nhắc: “Nhược bất vãng tích tu phước huệ, ư thử chánh pháp bất năng văn”. Nghĩa là: Nếu xa xưa chưa từng tu phước huệ, thì đối với pháp này không thể nghe. Nghe cũng không hiểu, không tin. “Dĩ xưng danh cố, chư tội tiêu diệt”, nghĩa là niệm Phật tiêu được nghiệp tội.
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng, một niệm lúc lâm chung có thể trừ 80 ức kiếp sanh tử trọng tội. Tất cả các pháp môn tu đều tốt, nhưng tại sao chúng ta đề xướng pháp môn này. Vì một Kinh thông thì tất cả các Kinh đều thông, một pháp môn thành tựu thì tất cả các pháp môn đều thành tựu. Muốn có được niềm tin thì chúng ta phải học Kinh Vô Lượng Thọ.
Thấu tỏ nhân duyên thù thắng đó, bằng tất cả lòng thành kính, tôn kính của những người con Phật, mỗi Phật tử, đồng tu đều tinh tấn trì niệm, tưởng nhớ 48 Đại Nguyện cứu độ chúng sanh rộng lớn của Đức Phật A Di Đà. Tất cả đều quán chiếu “Kinh Vô Lượng Thọ chính là tâm của chúng ta, tâm chúng ta chính là Kinh Vô Lượng Thọ, tâm này tức là tâm vô thượng bồ đề".
Sau hơn 3 giờ hành trì, toàn thể đạo tràng đồng nguyện đem tất cả công đức được hồi hướng đến cửu huyền thất tổ, thân bằng quyến thuộc cùng hết thảy chúng sanh hữu tình, vô tình trong pháp giới, tất cả bốn loài trong sáu nẻo, oán thân từ vô lượng kiếp cho đến nghiệp chướng hiện tiền đều nương nhờ tha lực đồng nguyện tu hành đến tri kiến giải thoát, thoát khỏi sanh tử luân hồi, đồng xin nguyện vãng sanh về Cực Lạc Quốc.
Hướng vọng ngày vía Đức Phật A Di Đà, kính mong tất cả đại chúng cùng phát nguyện tu pháp môn Tịnh độ, đặt tâm ở Cực lạc, học cách suy nghĩ, cách sống của Phật, Bồ-tát, La-hán, Thánh chúng Liên Trì Hải Hội để tâm được sáng tỏ theo sự giáo dưỡng của các Ngài. Rồi từ đó, đem cái tâm sáng tỏ ấy quay trở về Ta-bà, làm nơi nương tựa an ổn, phát huy diễm phúc được sinh ra làm người, được học Phật, được nghe Pháp và được truyền tải chính pháp để cuộc sống luôn an lành, cát tường bớt khổ đau, nhờ sự gia trì của Tam Bảo mà được sự giải thoát cho đời hiện tại và mai sau.