Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Đức Phật A Di Đà đản sanh, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để những người đệ tử Phật chân chánh hướng tâm về hình ảnh Đức Từ Phụ, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.


Giữa biển khổ mênh mông, thuyền Bát nhã là phương tế độ. Trong đau khổ nghìn trùng, niệm hồng danh Di Đà  là cách qua sông. Là người Phật tử, không ai không biết về cuộc đời rạng danh và hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức A Di Đà Thế Tôn!


Ý nghĩa ngày Vía Đức Phật A Di Đà

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm Vía Đức Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Đức Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Thực ra, ngày 17 tháng 11 âm lịch là ngày sanh của Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ, Tổ sư đời thứ sáu của 13 vị Tổ tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Quốc.

Theo Tiểu sử 13 vị tổ Tịnh Độ tông của HT. Thích Thiền Tâm, Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ (904-975), tự Xung Huyền, họ Vương ở Tiền Đường, người đời Tống. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng kinh Pháp Hoa.

Lớn lên, Xung Huyền được Văn Mục Vương tuyển dụng, cho làm quan trông nom về thuế vụ. Nhiều lần Xung Huyền đem tiền công quỹ đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh nên bị pháp ty xử ngài vào tội tử. Lúc sắp đem đi chém, thấy ngài trước sau vẫn an nhiên điềm tĩnh nên lấy làm lạ mới cho diện kiến Văn Mục Vương. Vương hỏi duyên cớ, ngài đáp: "Tôi tự dụng của công, đáng tội chết. Nhưng toàn bộ số tiền đó, tôi dùng cứu được muôn ức sanh mạng, thì dù thân này có chết, cũng được vãng sanh về cõi Lạc bang, vì thế nên tôi không có gì phải lo sợ". Văn Mục Vương nghe qua cảm động, ra lệnh tha bổng. Ngài xin xuất gia, Vương bằng lòng.


Sau đó, ngài đến quy đầu với Thiền sư Thúy Nham ở Tứ Minh. Kế lại tham học với Thiều quốc sư ở Thiên Thai, tỏ ngộ tâm yếu, được quốc sư ấn khả, ngài từng tu Pháp Hoa Sám ở chùa Quốc Thanh. Trong lúc thiền quán thấy Đức Bồ tát Quán Thế Âm rưới nước cam lồ vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại và nhất ý chuyên tu Tịnh nghiệp.

Năm Kiến Long thứ hai, đời Tống, Trung Ý Vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu là Trí Giác thiền sư. Ngài ở đây khoảng 15 năm, độ được 1.700 vị Tăng. Đại sư lập công khóa, mỗi ngày đêm tụng một bộ kinh Pháp Hoa, niệm 10.000 câu Phật hiệu. Đại sư thường truyền giới Bồ tát, mua chim cá phóng sanh, thí thực cho quỷ thần, tất cả công đức đều hồi hướng về Tịnh độ. Ngài trước tác Tông Cảnh Lục, Vạn Thiện Đồng Quy Tập…, 

Niên hiệu Khai Bảo thứ tám, vào buổi sáng sớm ngày 26 tháng 2 âm lịch, Đại sư lên chánh điện đốt hương lễ Phật xong, ngài họp đại chúng lại dặn dò khuyên bảo, rồi ngồi kiết già trên pháp tòa mà vãng sanh thị tịch, thọ 72 tuổi.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề thị tịch vãng sanh của Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ, có một giai thoại thiền lâm thật thú vị, mà theo đó, người đời truyền tụng Đại sư là một trong những hóa thân của Đức Phật A Di Đà tại Trung Hoa.

Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ được người đời truyền tụng là hóa thân của Phật A Di Đà nhưng trong 72 năm thị hiện làm Tăng ở Ta bà không ai biết được.

Chỉ đến những giờ phút sau cùng, lúc thị hiện nhập Niết-bàn, mới phương tiện cho hàng Tăng kẻ tục biết Ngài là Phật A Di Đà hóa thân để tăng trưởng tín tâm, phát tâm niệm Phật, cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Từ đây, ngày sanh của hóa thân Phật A Di Đà (Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ) được chọn làm ngày vía Khánh đản Đức Phật A Di Đà.

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Trong tâm tưởng của mọi người, Ngài là Đức Phật hiền từ đức độ, tay cầm tòa Sen tiếp dẫn, ánh mắt từ bi như đang dõi theo kiếm tìm những đứa con lưu lạc từ lâu đã trở nên thân thương và diệu kỳ quá đỗi!

Chúng ta biết, từ muôn kiếp xa xưa, Ngài là vị vua Vô Tránh Niệm, nhưng rồi đã khước từ ngôi báu, danh vọng và quyền lực cao sang, xuất gia làm Pháp Tạng tỷ kheo sống đời phạm hạnh, đem chân lý nhiếp phục nhân tâm.Một lần nọ, nhân nghe đức Thế Tự Tại Vương Như Lai thuyết pháp, hiển bày những cảnh giới ưu việt của chư Phật trong mười phương thế giới, ngài đã phát ra 48 đại nguyện, thiết lập nên thế giới Tây Phương Cực Lạc với bảy báu thù thắng trang nghiêm.

Sau này khi viên thành Phật quả, có danh hiệu là A Di Đà Như Lai, và là giáo chủ của miền tịnh thổ Tây phương.


Hướng về ngày 17/11 Âm lịch, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Bằng con đường siêu việt, Ngài đã chứng ngộ chân lý tối hậu, giải thoát khổ đau cho chính mình và thiết tha trao cho nhân loại tấm bản đồ, để trở về với cội nguồn chân tâm thanh tịnh.

Những pháp âm vi diệu tưới mát tâm hồn, và những đại nguyện quý báu kia vẫn mãi ngự trị trong trái tim nhân loại, vẫn còn mãi khắc ghi trong tâm hồn những người con Phật.

Đó là 48 đại nguyện, là con đường Thánh đạo, là con đường Giải thoát; bằng tâm Từ bi vô lượng và trí tuệ vô cùng, sẵn sàng xóa bỏ những hận thù để thế giới Ta bà phủ đầy gấm hoa diễm lệ. Chính những thông điệp dạt dào tình thương tràn đầy nhân bản ấy như những bản trường ca bất tận, xoáy sâu vào tâm khảm của con người, đi vào tận cùng những ngõ ngách cuộc đời, làm cho thế cuộc thăng hoa, dạt dào nhựa sống khiến cho hàng triệu con tim rung động hướng về Ngài, hướng về đấng Thiện thệ A Di Đà từ phụ Thế Tôn, vị cha lành của bốn loài, đấng toàn tri của ba cõi.

Nam Mô Giáo chủ cõi Tây Phương tịnh thổ, từ bi vô lượng, trí tuệ vô cùng, ánh sáng tỏa muôn nơi, tận cùng không ngằn mé, tuổi thọ vô cùng, công đức vô lượng, A Di Đà Phật!

trong Tin tức
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Ban Lien Huu 8 tháng 12, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Trì niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà – “Diệu Pháp” giúp tiêu tội chướng, phước tuệ sanh
Để không phải lạc lối giữa bể khổ trần gian này thì người đệ tử Phật chân chánh ngày ngày phải phát nguyện dũng mãnh, nương nhờ công đức, nguyện lực của sáu chữ hồng danh "Nam Mô A Di Đà Phật" mà hiển bày các đức tướng vi diệu nơi tâm.