Cũng như có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâu dày đối với song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đã chỉ bày cách báo ân chơn chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong hiện đời và mai sau.
"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha."
Không có loại ân huệ nào trên thế giới có thể lớn hơn sự nuôi dưỡng của cha mẹ, không có tình yêu nào trên thế giới này lớn hơn tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Con cái là một công trình đầu tư vĩ đại của cha mẹ, và “nguyên liệu” đầu tư là những điều vô giá nhất. Đó là sự hy sinh thầm lặng, là tình yêu, là thời gian, là thanh xuân, là sức khỏe, là trách nhiệm, sự quan tâm, những bài học và cả những số tiền chắt chiu hàng ngày. Cha mẹ chẳng có gì nhiều ngoài tình yêu thương con vô bờ. Tình yêu này đã hình thành từ khi con còn trong bụng mẹ, lớn dần lên và cứ thế tồn tại trong suốt cuộc đời. Chưa bao giờ cha mẹ ngừng quan tâm, ngừng lo lắng cho con, dù khi con còn bé hay đã lớn, ngay cả khi con đã có những đứa con của riêng mình.
Trong Kinh Phân biệt, về hiếu hạnh, Đức Phật đã dạy: "Ta trải qua nhiều kiếp tu hành thành đạo là nhờ công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng". Đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhơn quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.
Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.
Theo quan điểm của Phật giáo, thiện là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, không si, có chánh kiến. Ngược lại là bất thiện. Mà tham, sân, si chính là gốc rễ của bất thiện.
Cho nên người tu học Phật pháp phải thấy rõ điều này để biết cách áp dụng lời Phật dạy vào đời sống sinh hoạt của chính mình, để mỗi ngày bớt tham, sân, si, thăng tiến trên đường đạo. Được như vậy mới thật sự là người con hiếu đạo.
Trong đạo Phật, vấn đề hiếu đạo được đề cập trong nhiều trong kinh tạng Pali của Phật giáo nguyên thủy và Hán tạng của hệ phái Bắc tông như: kinh Trường Bộ, kinh A Hàm, kinh Báo Ân, kinh Vu Lan Bồn, kinh Hiếu Tử, kinh Tâm Địa Quán, kinh Nhẫn Nhục, kinh Phân Biệt,...
Có thể thấy rằng, hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất của đời người, là phúc báo mà Phật giáo khuyên nên làm nhất trên đời. Những lời Phật dạy về lòng hiếu thảo con cái giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về công lao to lớn đó.
Mùa Vu Lan báo hiếu là cơ hội để chúng ta có thể tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng ngàn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau. Rất mong rằng tất cả chúng ta đều ghi lòng tạc dạ, luôn nhớ nghĩ đến ân nghĩa sinh thành sâu dày thâm trọng của cha mẹ để tìm cách đáp đền trong muôn một.