Vậy cầu an được hiểu là gì?
“Cầu” có nghĩa là cầu nguyện, “an” là sư bình an, an nhiên. Cầu an mang ý nghĩa là cầu nguyện những chuyện an lành, bình an cho bản thân, cho gia đình và những người xung quanh.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, khi chúng ta cầu nguyện đúng cách thì luôn “có kết quả”. Khi được hỏi thế nào là đúng cách, Thiền sư có giải thích như sau: “Sự cầu nguyện là phải có năng lượng, trường hợp này giống với năng lượng trong đường dây điện thoại. Khi cầu nguyện, dòng điện đó phải là đại diện của tình thương, chánh niệm, chánh định. Phải có niệm, tịnh, tuệ, và phải có tình yêu thương thì mới có hy vọng lời cầu nguyện trở thành hiện thực”.
Ý nghĩa của cầu an trong Phật giáo
Với mỗi người khi sống trên thế gian này, dù giàu hay nghèo, dù ở bất kì đâu từ nông thôn tới thành thị, ai ai cũng có nhu cầu kiếm tìm sự bình an trong tâm hồn. Cầu an là cầu cho bản thân mình giữ được cái tâm an bình, cầu cho gia đình, dòng họ hay rộng ra là cầu cho quê hương đất nước được bình an, mọi người có được đời sống ấm no, hạnh phúc.
Cầu an là cầu mong sự bình an đến với bản thân, gia đình, xã hội
Lễ cầu an thông thường sẽ được tổ chức thường niên với ý nghĩa mang lại sự an nhiên, an lạc, đáp ứng nhu cầu và mong ước của Phật tử. Lễ cầu an có thể coi là một liệu pháp tâm linh tuyệt vời, bù đắp cho những hoang mang, lo sợ của mỗi người và mang đến một hy vọng mới cho tương lai.
Vì sao nên cầu an hằng ngày?
Không chỉ vào năm hạn mới cần cầu an mà cầu an hằng ngày cũng là điều thật cần thiết trong cuộc sống của mỗi người. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn cần phải hướng thiện, làm điều lành để tâm có thể an lạc mỗi ngày. Cầu an không cần nhất thiết phải lên chùa, bạn hoàn toàn có thể cầu an tại nhà, khởi tâm niệm Phật, mong mọi điều hanh thông.
Khi cầu an hằng ngày tại nhà, các Phật tử có thể đọc kinh Kinh Dược Sư, Kinh A Di Đà và Chú Đại Bi để mong cầu bình an. Đọc kinh và thực hiện lời dạy của Phật, sẽ mang đến cho quý Phật tử tinh thần dồi dào và cái tâm an lạc.
Phân biệt cầu an và cầu siêu trong Phật giáo
Cầu an và cầu siêu là hình thức tín ngưỡng từ ngàn đời truyền lại có ở khắp nơi trên thế giới. Cầu an và cầu siêu đều thể hiện những ước muốn, nhu cầu của con người về cuộc sống bình yên ở cả hiện tại cũng như sau khi mất. Tuy nhiên, cầu an và cầu siêu cũng có sự khác nhau.
Cầu an và cầu siêu là hình thức tín ngưỡng cần thiết trong Phật giáo
Cầu an là cầu nguyện cho những người đang sống và cầu nguyện cho những chuyện hiện tại. Còn cầu siêu là cầu nguyện cho những người đã khuất, mong muốn cố nhân được siêu thoát.
Cầu an và cầu siêu đều là những hình thức tín ngưỡng tâm linh cần thiết trong Phật giáo, ở cả Phật giáo Bắc tông lẫn Phật giáo Nam tông. Xét ở góc độ tích cực, cầu an và cầu siêu chính là sự biểu hiện của lòng từ bi, mong muốn cứu độ những người kể cả khi họ lỡ tạo duyên nghiệp xấu.
Có thể nói, cầu an và cầu siêu là những nghi thức cầu nguyện rất đẹp trong Phật giáo và được chúng Phật tử ủng hộ nhiệt tình.
Nhân ngày vía Địa Tạng Vương Bồ Tát năm 2022, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại lễ Cầu siêu đồng bào tử nạn trong đại dịch Covid-19. Đồng thời, kết hợp tổ chức lễ Cầu an dành cho nhân dân, bà con (không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc) để mọi người cùng hướng tâm, cầu nguyện cho muôn điều an lành, tốt đẹp. Sự kiện này được tổ chức tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Quý Phật tử, nhân dân có thể đăng ký tham dự và viết sớ cầu siêu cho những người thân không may đã mất của mình cũng như đăng ký viết sớ cầu an cho bản thân, gia đình, người thân. Thông tin chi tiết về chương trình Tại đây.
Những lưu ý về cầu an
Nếu bạn cầu an mỗi ngày mà không phát tâm làm việc thiện thì rất khó có thành tựu. Đời này, đời trước hay đời sau, đều tuân theo quy luật nhân quả vì vậy bên cạnh việc cầu an, hãy tích cực làm những việc có lợi cho chúng sinh, gieo trồng phúc đức bởi chính những phúc đức đó mới khiến tâm mỗi người được an lạc, dần dần cởi bỏ được những oan nghiệp.
Vì vậy, khi cầu an tại nhà hay tại chùa, hãy thành tâm sám hối, phát nguyện, nỗ lực tu tập để tâm được an lạc, bình yên và hạnh phúc hơn.
Nguồn: Truyền hình An Viên