Tất bật trăm đường, đó là nghề làm cha mẹ
Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, nếu phải lựa chọn giữa sự nghiệp của bản thân hay tương lai của những đứa trẻ, thì những người cha, người mẹ - họ đã không ngần ngại chọn tương lai của con mình. Ấy là khi họ chính thức bắt đầu một công việc mới khắc nghiệt nhưng đầy cao quý và bước vào một hành trình dài bất tận: Hành trình làm mẹ làm cha.
Từ xưa đến nay, chưa ai gọi làm mẹ là nghề hay làm cha là nghề, cũng đúng. Bởi đã là nghề thì phải được đào tạo chuyên môn, kỹ năng, phải qua trường lớp nhất định…Bất kể làm nghề gì cũng có thời gian hữu hạn, được trả lương theo công sức bỏ ra và thành quả nhận về. Vậy mà, có một nghề đi ngược lại tất cả quy luật ấy – không được đào tạo chuyên môn, không về hưu, làm việc toàn thời gian nhưng cũng chẳng hề có lương thưởng – đó là “Nghề cha mẹ”.
Cha mẹ của chúng ta chẳng trải qua một trường lớp bài bản nào, vậy mà kể từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, thì cũng là lúc thế giới của mẹ, của cha bỗng xoay vần, đảo lộn. Nuôi dạy con đồng nghĩa với việc mẹ cha phải dùng tất cả trái tim, thời gian và sự kiên nhẫn. Hành trình ấy không hề đơn giản. Đó là chuỗi ngày lao động không ngừng nghỉ suốt 365 ngày trong năm, 1 tuần 7 ngày, 1 ngày 24 giờ và…không hề có nghỉ phép.
Nghề khó nhất, nhọc nhằn nhất trên đời này là "nghề cha mẹ"
Kể từ khi chúng ta có mặt trên cuộc đời này, thì mẹ cha đều phải nghĩ hai lần: Một lần nghĩ cho bản thân, và một lần nghĩ cho con cái. Trên hành trình làm nghề ấy, cha mẹ chúng ta phải cảm đủ hỉ nộ ái ố, dẫu nhọc nhằn gian truân cũng không nề hà, dẫu trăm điều mệt mỏi cũng không dừng lại…Trên đời này, cha mẹ là người luôn vì con mà sẵn sàng làm mọi thứ, sẵn sàng trả giá cả cuộc đời để cho con một cuộc sống bình yên. Cha mẹ cũng là hai người duy nhất cho đi mà không cần báo đáp, công ơn mẹ cha làm sao những người con chũng ta có thể đong đếm được…
Trong thế giới của mẹ, của cha, lương thưởng không tính bằng giá trị vật chất thông thường, mà đong đếm bằng những lần con nhoẻn cười, những cái nắm tay thật chặt, những giấc ngủ ngon khi con no sữa hay những bước đi chập chững đầu đời.
Trong thế giới của mẹ, của cha, ước mơ lớn lao nhất, vĩ đại nhất không phải là trở thành một ai đó có địa vị ngoài xã hội, mà chính là lui về phía sau, dõi theo từng bước chân khôn lớn của con, nhìn con trưởng thành qua từng ngày bình yên, ấm áp.
Suy cho cùng, khi có con, ước mơ của người làm cha làm mẹ nào cũng thật đơn giản. Chỉ bấy nhiêu ấy đã đủ làm “vốn liếng” và động lực để người cha mẹ tiếp tục cố gắng trong suốt cuộc đời.
Hãy đem Phật pháp về “dâng” cho cha mẹ
Tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật trong lễ Vu Lan là biểu hiện của niềm tin Phật pháp một cách tuyệt đối, cũng là biểu hiện của hạnh từ bi cứu khổ và tinh thần hướng thượng. Bởi vì, chỉ có hướng thượng, thành tâm nương về chánh pháp và được sự chú nguyện của đại chúng Tăng thanh tịnh thì mới có thể tháo gỡ nghiệp lực và hóa giải mọi khổ đau phiền trược.
Tam tạng Thánh giáo của đạo Phật đề cập rất nhiều về tinh thần hiếu đạo. Đức Thế Tôn trong nhiều đời nhiều kiếp tu nhân hiếu đến kiếp này thành Phật. Ngay cả khi đã thành Phật rồi, Ngài vẫn thực hành hiếu đạo. Trong kinh điển, rất nhiều đoạn Ngài nói về chữ hiếu, nhắc nhở mọi người thực hiện chữ hiếu như một trong các pháp tu.
Trách nhiệm của người Phật tử tại gia chúng ta là phải tự mình bồi đắp hiếu tâm cho thật dày. Không những vậy, chính chúng ta phải lan tỏa hiếu đạo đến với tất cả mọi người, trước hết là đến với con cháu, người thân của chúng ta. Vì hiếu là gốc của đạo, “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, mười phương chư Phật đều tu tập từ hiếu tâm này mà thành Phật. Chúng ta phải vun bồi tưới tẩm cái gốc này mỗi ngày; gốc có sâu, có chắc thì cây mới bền, mới cho hoa tươi, quả tốt.
Khi nói về Vu Lan, ta không đơn thuần nói về sự trả hiếu cho cha mẹ bằng cách cúng dường Tăng chúng trong ngày Tự tứ. Bởi vì công ơn cha mẹ thật rộng lớn, nên ta không thể dùng một ngày trong một năm mà có thể trả hết được. Vì thế, báo hiếu phải đúng cách và đúng pháp mới đem lại lợi ích lâu dài và có hiệu quả. Trong bài kinh Lễ bái sáu phương, Giáo giới Thi Ca La Việt, Đức Phật đưa ra từng nhóm vấn đề cụ thể để làm nên những mối quan hệ gắn bó, quan hệ có đạo đức và văn hóa trong từng gia đình và trong cộng đồng xã hội, trong đó có 5 bổn phận con cái đối với Cha Mẹ.
– Phụng dưỡng cha mẹ
– Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ
– Giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình
– Bảo vệ tài sản thừa tự
– Lo chu toàn tang lễ cho cha mẹ đúng pháp
Hãy hướng dẫn cha mẹ theo Chánh pháp để cha mẹ thắp lên trong tim mình ánh sáng của sự giải thoát, giác ngộ
Theo đạo Phật, hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo Chánh đạo là một thái độ hiếu thuận có ý nghĩa nhất trong những bổn phận của người con đối với cha mẹ. Bởi khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu.
Đức Phật dạy ta nên an trú cha mẹ vào lòng tin, tin Phật, Pháp và Tăng; khuyến khích, hướng dẫn, quy y Tam Bảo, thọ trì Tam quy và Ngũ giới; khuyến khích, hướng dẫn, bố thí, làm các việc lành, xa lìa các việc xấu ác; nghiên cứu kinh điển với những lời dạy của đức Phật để mở mang trí tuệ, áp dụng vào trong đời sống… Được vậy, ta có thể mang lại giá trị đích thực hiện tại, an lạc cho cha mẹ ngay trong đời này và đời sau.
Trong kinh, Đức Phật nói rằng: “Cha mẹ chưa an trú trong Chánh pháp thì làm sao giúp đỡ, dẫn dắt cha mẹ an trú trong Chánh pháp; cha mẹ chưa an trú trong điều lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều lành; cha mẹ chưa quy y Tam bảo thì nên đưa cha mẹ an trú trong quy y Tam bảo”.
Chúng ta hãy để cha mẹ thắp lên trong tim mình ánh sáng của sự giải thoát, giác ngộ mà Đức Phật đã truyền dạy hơn 2000 năm xưa… Như vậy, cha mẹ không những hưởng được những phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược, xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sanh tử mà đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”, tức là cha mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo.
Cha mẹ đã nuôi chúng ta một đời vất vả, cha mẹ đã chấp nhận gánh sương, đội nắng, chấp nhận dẫm lên chông gai để cuộc đời chúng ta được bình yên, bóng mát. Mỗi người con chúng ta hãy báo hiếu cha mẹ mỗi ngày, đừng đợi đến dịp Vu Lan hay lúc giàu sang, phú quý bởi thế gian này vô thường lắm, đâu ai biết được rằng hôm trước cha mẹ vẫn còn bên cạnh ta, nhưng ngày mai cha mẹ đã lìa xa nhân thế, chúng ta muốn báo hiếu thì cũng đã muộn màng…