Hồi hướng trọn khắp: Tỏa hương thơm Trí Huệ giải thoát, Từ Bi phổ nguyện
Đức Phật đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Tánh Phật”, và Trí tuệ sẵn có xưa nay của chúng sanh vốn đồng một thể tánh với chư Phật. Chính vì vậy, mùa Xuân của sự “thấy Tánh thành Phật” có lẽ hiển lộ rõ nhất trong chính cái tâm Thường – Lạc – Ngã – Tịnh của tất thảy chúng sanh khi đã ngộ nhập tri kiến Phật.


Mùa Xuân của sự “thấy Tánh thành Phật” 

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng và kỳ diệu, đánh dấu sự chuyển mình từ năm cũ bước sang năm mới, là thời gian đất trời dung hoà, vạn vật được khơi dậy, bừng lên sức sống mãnh liệt. Theo quan điểm của Tam giáo, mỗi một năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan,… cai quản hạ giới khác nhau. Thế nên lễ giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân” – tiễn đưa những vị thần năm cũ đi và nghinh đón những vị thần mới. Đây là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức, cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no. 


Nhưng khi Phật giáo du nhập vào bản địa thì ngôi chùa dần dần trở thành điểm tựa tâm linh, vừa là chốn thiền môn để nhân dân cùng nhau đến chùa đón giao thừa, lễ Phật đầu năm; vừa là cửa Phật để chúng sanh cùng hướng tâm quay trở về với cội nguồn tâm linh, cùng quán chiếu tu tập và đón một mùa xuân an lạc, miên viễn. 

Hội dủ duyên lành, vừa qua, hơn 300 Phật tử, Liên hữu đồng tu thiện nam tín nữ đã cùng vân tập về chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen tham gia chương trình Cộng tu “Mừng Xuân Di Lặc – Tết Giáp Thìn 2024”, thảy đều cảm nhận được năng lượng bình an, an lạc, hỷ lạc ở chốn thiền môn, và hơn hết là ân đức gia trì của chư Phật mười phương. 


Tối ngày 09/02/2024, tức đêm 30 tháng Chạp, các chư Liên hữu đồng tu Đại Tùng Lâm Hoa Sen cùng các Phật tử thiện nam, tín nữ một tâm cung kính, một lòng chí thành đã phát tâm cùng “Tam Bộ Nhất Bái” – Đảnh lễ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đúng 18 giờ 30 phút, toàn thể đàn tràng cùng thâu nhiếp lục căn, định tĩnh thân tâm, nhiếp tâm niệm Phật để bắt đầu thời khóa. 


Từ khuôn viên trước sân Niệm Phật đường 48.4, đại chúng đồng tâm, đồng thanh xưng danh hiệu “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát”, lễ lạy cung kính và cứ như thế tuần tự “Tam Bộ Nhất Bái”, đảnh lễ lên đến Lễ đài Thánh tượng Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát Lộ Thiên. 


Mỗi bước đảnh lễ, những người con Phật thảy đều tưởng nhớ đến ân đức và hạnh nguyện độ sanh sâu dày của Ngài Địa Tạng đối với chúng sanh khắp pháp giới vũ trụ. Mỗi bước đảnh lễ, cũng là một đại nhân duyên thù thắng để mỗi người tự thân quán tưởng và soi tỏ vào bản tâm của chính mình, tự tâm sám hối những nghiệp quả mình đã gây tạo từ vô thỉ kiếp, phát nguyện dõng mãnh học Phật, làm lành lánh dữ để đời này được tiêu trừ nghiệp chướng, căn lành tăng trưởng. 

Niệm Phật để hồi hướng trọn khắp – Tròn vẹn Xuân Tuệ giác, Đức hạnh 

Sau thời khóa “Tam Bộ Nhất Bái” cũng là lúc thời khắc giao thừa cận kề, không khí mùa xuân, hương xuân toả khắp đạo tràng khiến các Phật tử, Liên hữu đồng tu ai nấy trong tâm đều bồi hồi, hân hoan đón chào năm mới. Đúng 21 giờ 00 đêm Giao thừa, tất thảy đại chúng cùng nhau vân tập trang nghiêm tại Lễ đài Đức Quán Thế  Âm Bồ Tát Lộ Thiên; Chánh Điện thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát; Lễ đài Thánh tượng Đức Di Lặc Bồ Tát và Lễ đài Thánh tượng Đức Bổn Sư Đản Sanh để bắt đầu thời khóa công phu đêm giao thừa, đón mừng Xuân Di Lặc PL.2568 – DL.2024.


Xuyên suốt thời khoá trì tụng kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn, kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, toàn thể đàn tràng tam nghiệp thanh tịnh, một dạ viên minh, nhất tâm trì tụng, an trú trong Chánh niệm, trong từng câu kinh lời kệ, trong bầu không khí thiêng liêng và niềm hỷ lạc của suối nguồn năng lượng từ bi, trí tuệ dưới ánh từ quang gia hộ châu biến khắp pháp giới của mười phương chư Phật, chư Đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, Duyên giác, Bích Chi Phật, chư Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp. 


Đây cũng chính là nhân duyên thù thắng, phước báu vô lượng để các Phật tử, Liên hữu đồng tu cùng định tĩnh thân tâm, quay trở về soi chiếu chính bản thể của mình cũng như những thiện nghiệp mình đã gieo trồng; những ác nghiệp mình đã gây tạo và đặc biệt là hành trình tu học của mình suốt một năm Quý Mão vừa qua. Từ đó, phát nguyện một lòng tin sâu Phật pháp, tôn kính Tam Bảo, trau dồi giáo lý pháp Phật mỗi ngày để trưởng dưỡng Bồ-đề tâm kiên cố, nguyện sửa đổi chính mình, tinh tấn tu hành, làm nhiều việc phước thiện để có đời sống an lạc, hạnh phúc.




Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hồi Hướng, nói như vầy: “Tôi vì tất cả chúng sanh nguyện cho vô số thế giới tràn đầy báu vật rồi đem ra bố thí. Nguyện vô số thế giới tràn đầy thân thể, đầu mắt, máu thịt xương tuỷ của tôi rồi đem ra bố thí. Lòng đại bi bao trùm khắp cả, không hở, không ngớt, xót thương tất cả, không để việc bố thí vì gặp một trở duyên nào mà ngừng nghỉ, nhẫn đến không chút lòng mỏi mệt dầu trong khoảng khảy móng tay”. 

Lúc đại Bồ Tát hồi hướng như vậy, có thể hộ trì tất cả Phật chủng, có thể thành thục tất cả chúng sanh, có thể chẳng hư hoại tất cả hạnh nghiệp, có thể rõ biết tất cả pháp, có thể bình đẳng quán sát các pháp vô nhị, có thể qua khắp thế giới mười phương, có thể rõ thấu thiệt tế ly dục, có thể thành tựu tín giải thanh tịnh, có thể đầy đủ căn thân minh lợi.


Mùa xuân đem đến nguồn năng lượng mới để đạt được những ước nguyện tốt đẹp. Nhưng có lẽ điều chúng ta tâm đắc nhất ở mùa Xuân, đó là “sự sẵn lòng”, sự “hồi hướng khắp cả” của mùa Xuân. Mùa Xuân là sự cho đi không vì một duyên cớ gì, không vì một lý do gì dầu ở trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, và cũng vì thế mà mùa Xuân không bị giới hạn và ngưng trụ trong thời gian. 

Đó mới chính là mùa Xuân vĩnh cửu, là mùa Xuân của sự “thấy Tánh thành Phật” là nụ cười Đức Phật, nụ cười của Thường - Lạc - Ngã - Tịnh, an nhiên bất động nở giữa dòng sanh tử, hiện hữu thường hằng trong từng con sóng sanh diệt, trong từng niềm vui nỗi khổ của chúng sanh. Mùa Xuân ấy sẵn đủ và tràn ngập trong sắc thanh hương vị xúc pháp, trong mùa Xuân ấy sẵn đủ, tràn ngập trong sắc thanh hương vị xúc pháp, trong nhãn - nhĩ - tỷ - thiệt - thân - ý. 


Mùa Xuân cho đi trọn vẹn tất cả bản thể của mình, cho đi trọn đủ cho một sát-na thường trụ, trọn đủ cho ba đời quá khứ - hiện tại - vị lai, trọn đủ cho vĩnh viễn kiếp về sau. Và trong hương xuân của tuệ giác, đức hạnh toả lan khắp mái già lam Đại Tùng Lâm Hoa Sen, tất cả những người con Phật đã nguyện đem tất cả công đức tụng kinh niệm Phật của thời khoá công phu đêm giao thừa hồi hướng về Tây Phương trang nghiêm Phật Tịnh độ, hồi hướng cho pháp giới khổ nạn chúng sanh, cho Ông Bà Cha Mẹ, cửu huyền thất tổ nhiều đời nhiều kiếp cùng oán thân trái chủ từ lịch đại kiếp số, cho các chư vị hương linh, âm linh, vong linh đang cư ngụ tại núi B’Nom Lu Mu,... hồi hướng trọn khắp pháp giới vũ trụ cho tất thảy đều được nương nơi công đức lành này mà sanh về Tây Phương Tịnh Độ, được nhìn thấy Phật A Di Đà và chứng thành Vô Sanh Nhẫn. 

Đức Phật đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Tánh Phật”, và Trí tuệ sẵn có xưa nay của chúng sanh vốn đồng một thể tánh với chư Phật. Chính vì vậy, mùa Xuân của sự “thấy Tánh thành Phật” có lẽ hiển lộ rõ nhất trong chính cái tâm Thường – Lạc – Ngã – Tịnh của tất thảy chúng sanh khi đã ngộ nhập tri kiến Phật.


Trong sự hồi hướng tối thượng khắp cả không hở sót như vậy, mọi ý niệm chấp ngã, chấp pháp, mọi vọng tưởng, mọi tâm khởi phát sanh từ ngã chấp và pháp chấp thảy đều tiêu tan - Như trong phẩm Thập Hạnh, kinh Hoa Nghiêm đã lược nói: “Lúc hành sự đại lợi ích cho tất cả chúng sanh như vậy, chẳng thấy tự thân, chẳng thấy vật bố thí, chẳng thấy người thọ, chẳng thấy nghiệp báo, chẳng có ngã tưởng, chẳng có chúng sanh tưởng, chẳng có mạng tưởng, chỉ thấy pháp giới - chúng sanh giới vô biên tế, vô sở hữu pháp, vô thể pháp, vô xứ pháp, vô tác pháp, vô y pháp”. 

Từ đó, tất cả mọi người đều hướng đến hoàn thiện thâm nhập vào Pháp giới, trở thành một bông hoa đầy hương sắc đức hạnh, toả hương thơm Trí Huệ giải thoát và Từ Bi phổ nguyện đem lại mùa xuân miên viễn cho cuộc đời. 


Thời khoá công phu đêm giao thừa năm Giáp Thìn tại Đại Tùng Lâm Hoa Sen đã thành tựu viên mãn trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh và tràn đầy niềm hỷ lạc của đại chúng, mở ra một mùa xuân an lạc nơi chốn thiền môn, mang theo những ước nguyện cho một năm mới chúng sanh được an lạc, an vui, hạnh phúc và được sống trong ánh hào quang nhiếp thọ của mười phương chư Phật, sống an lành trong giáo pháp của Đức Phật, sống trong tinh thần từ bi vô ngã của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Đại Bồ Tát. Đồng thời, ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho đất nước bình an, người người ấm no hạnh phúc và gửi năng lượng bình an ấy đến khắp pháp giới khổ nạn chúng sanh. 

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !

trong Tin tức
Hồi hướng trọn khắp: Tỏa hương thơm Trí Huệ giải thoát, Từ Bi phổ nguyện
Ban Lien Huu 28 tháng 2, 2024
Share this post
Tag
Lưu trữ
Rằm Tháng Giêng: Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo từ bi gia hộ cho tất thảy chúng sanh đạo hạnh vẹn tròn, một đời an lạc trong Chánh pháp
Rằm tháng Giêng theo truyền thống Phật giáo mang hai ý nghĩa là: Kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh hội Tăng Già; Kỷ niệm đánh dấu ngày Đức Phật công bố giáo pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài khả hứa với ma vương sẽ viên tịch sau ba tháng nữa.