Hối lỗi phải từ nơi tâm
Ngoại trừ các bậc Thánh phiền não lậu hoặc đã đoạn tận, còn người phàm thì ai cũng có lỗi lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ lầm lỗi ấy nhiều hay ít, cách khắc phục thế nào, nhanh hay chậm, có triệt để hay không. Thành ra sự hối lỗi luôn là hành trang cho những ai hướng về đường lành, văn minh và thánh thiện.


Biết hối lỗi, tự nhận mình đã có sai quấy và nói ra trước mọi người là điều tốt. Người có thiện tâm, biết tàm quý và dũng cảm lắm mới làm được. Tuy vậy, theo Thế Tôn, người thực sự tu thiện thì ngoài việc tự nhận và nói lời hối lỗi, trong tâm phải chuyển hóa, xả ly hết tham sân thì mới có thể dứt hết lỗi lầm.

Tâm là cội nguồn của mọi sự thiện ác, phước đức và tội lỗi cũng bắt đầu từ tâm

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy  giờ,  có  một  Thiên  tử  dung  sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.

Lúc đó, Thiên tử kia nói kệ:

Không thể chỉ nói suông

Cũng không một mực nghe

Mà đạt được đạo tích

Kiên cố thẳng vượt qua.

Tư duy khéo tịch diệt

Giải thoát các ma phược

Làm được mới đáng nói

Không được, không nên nói.

Người không làm mà nói

Thì người trí biết sai

Không làm điều nên làm

Không làm mà nói làm

Là đồng với giặc quấy.


Bấy giờ Thế Tôn bảo Thiên tử:

- Nay ông có điều gì hiềm trách chăng?

Thiên tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, con hối lỗi. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi.

Bấy giờ, Thế Tôn mỉm cười vui vẻ.

Lúc ấy, Thiên tử kia lại nói kệ:

Nay con xin hối lỗi

Thế Tôn không nạp thọ

Trong lòng ôm tâm ác

Oán hờn mà không bỏ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Chỉ nói lời hối lỗi

Trong tâm kia không dừng

Làm sao dứt được oán

Mà gọi là tu thiện?

Lúc ấy, Thiên tử kia lại nói kệ:

Ai không có lỗi kia?

Người nào không có tội?

Ai lại không ngu si?

Ai thường hay kiên cố?

Thiên tử kia lại nói kệ tiếp:

Lâu thấy Bà-la-môn

Đã đạt Bát-niết-bàn

Qua rồi mọi sợ hãi

Vượt hẳn ái ân đời.

Thiên tử kia nghe những gì Phật đã nói, hoan  hỷ,  tùy  hỷ  cúi  đầu  lễ  sát  chân Phật, liền biến mất.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1277)


Theo lời Thế Tôn dạy, lời nói và việc làm cần phải song hành, tương ưng với nhau. Hối lỗi cũng vậy, khi miệng biết nói ra lời hối lỗi thì tâm phải chuyển hóa các mầm mống lỗi lầm. Tâm là cội nguồn của mọi sự thiện ác, phước đức và tội lỗi cũng bắt đầu từ tâm. Lời dạy “Trong tâm kia không dừng/ Làm sao dứt được oán” đã chỉ ra điều mấu chốt trong việc sám hối phục thiện chính là điều phục tâm thanh tịnh.

Có thể khái quát lộ trình sám hối những sai lầm trong đời sống chúng ta bằng hai giai đoạn. Trước phải tự nhận ra những hạn chế của bản thân và phát lồ sám hối. Phát lồ là tự nhận lỗi, dũng cảm nói ra những sai phạm của mình trước mọi người, cầu mong tha thứ và tỏ bày mong muốn được ăn năn, hối cải. Ai làm được điều này thì đã đi được hơn nửa đường của lộ trình sám hối.

Sau phát lồ hối lỗi là nguyện không tái phạm. Cơ sở của sự không tái phạm là chuyển hóa và điều phục tâm thanh tịnh. Muốn tâm thanh tịnh thì không có con đường nào khác ngoài Thánh đạo tám ngành, đó là tu tập để trau dồi, trưởng dưỡng và thành tựu giới-định-tuệ.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

trong Tin tức
Hối lỗi phải từ nơi tâm
Ban Lien Huu 12 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Xả buông để bình an và hạnh phúc
Cuộc đời không phải lúc nào cũng là đất bằng, trải thảm mà có lúc hầm hố, khúc khuỷu, chông gai. Hãy giữ tâm bình giữa cuộc đời để ngay nơi đời có đạo, ngay nơi đạo là tâm, ngay nơi tâm là tánh, ngay nơi tánh là Phật, ngay nơi Phật là giác ngộ giải thoát.