Huân tập lòng biết ơn để vun bồi, nuôi dưỡng hạnh từ bi, đức và tâm “vô úy”
Cảm ơn là một từ nhiệm mầu, và lòng biết ơn là một cảm xúc nhiệm mầu. Khi soi chiếu trong pháp ấn vô thường và vô ngã, con người mới thấy được ý nghĩa sự nhiệm mầu của lòng biết ơn. Bởi đây không chỉ là một phẩm tính tự nhiên của bậc trí tuệ trên đường tu hạnh bậc thánh mà còn hiện diện nơi tất cả chúng sanh.

Lòng biết ơn khởi phát từ tâm và đức nhẫn nhục vô song

Đức Phật sau khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác, bài kinh đầu tiên mà Ngài thuyết giảng là kinh Vô Ngôn, cốt lõi của bài kinh này Ngài dạy về “lòng biết ơn”. Đức Phật bày tỏ lòng biết ơn cây Bồ Đề - nơi Ngài ngồi dưới cội cây và được che mưa nắng suốt 49 ngày đêm quyết chí tham thiền, nhập định, quán chiếu vạn pháp cho tới khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. 

“Tuần lễ thứ nhì trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban truyền cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây Bồ Đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cây Bồ Đề trọn một tuần không nháy mắt. Noi theo gương lành cao quý và để kỷ niệm sự thành công vẻ vang, hàng tín đồ của Đức Phật đến ngày nay vẫn còn tôn kính, chẳng những chính cây ấy mà đến các cây con, cháu của cây ấy.” (Đức Phật và Phật Pháp, HT. Narada Maha Thera)


Chúng ta học được gì qua hình ảnh Đức Phật đứng nhìn, với cảm xúc biết ơn cây Bồ Đề một cách thuần vô cầu như thế? Lòng biết ơn của Đức Phật là cảm xúc biết ơn tự nhiên của Đức Thế Tôn, chỉ đơn giản là biết ơn và không hề mang theo sự dính mắc, bởi Ngài vẫn luôn luôn nhìn thấy thế giới này trong thực tướng của các pháp – Khổ, Không, Vô Ngã, Vô Thường. Nghe như thế, người con Phật chúng ta ở thời Mạt pháp này mới thấu được rằng: Biết ơn là một phẩm tính tự nhiên của bậc trí tuệ trên đường tu hạnh bậc thánh.

Tôn giả Phú Lâu Na – Người thuyết pháp đệ nhất trong thập đại đệ tử của Đức Phật. Một hôm, Ngài phát tâm đến giáo hóa ở một vùng dân chúng khét tiếng hung dữ. Đức Phật hỏi:

- Này Phú Lâu Na, dân chúng ở đó rất hung dữ, nếu họ mắng chửi ông thì ông làm thế nào?

- Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ họ vẫn còn hiền thiện vì chưa đánh đập con.

- Nếu họ đánh đập ông thì thế nào?

- Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ họ vẫn còn hiền thiện vì chưa đâm con bằng dao.

- Nếu họ đâm ông bằng dao thì sao?

- Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ họ vẫn còn hiền thiện vì chưa giết chết con.

- Nếu như họ giết chết ông?

- Bạch Đức Thế Tôn, nếu họ giết chết con, con cảm ơn họ vì đã giúp con xả bỏ xác thân ô uế này.

Chúng ta học được gì khi ngẫm cuộc đối thoại giữa Đức Phật và tôn giả Phú Lâu Na? Lòng biết ơn ở đây là biết ơn chân thật, khởi phát từ tâm và đức nhẫn nhục vô song của vị Đệ Nhất thuyết pháp.


Trong Kinh Tương Ưng ghi lời Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỳ-kheo, ví như một cây lớn, có một người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ các rễ lớn cho đến các rễ con, các rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc. Sau khi chặt cây thành từng khúc, người ấy bửa, sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi vun thành đống tro, người ấy sàng tro ấy giữa gió lớn hay đổ tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, cây lớn ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.”

Lòng biết ơn mà Đức Phật dạy luôn luôn đi kèm với cái nhìn buông xả, đối trị tâm chấp thủ, lìa tận cùng tham sân si để thấy rằng các pháp vô thường, đều do duyên mà thành, nên không để gì dính mắc.

Lòng biết ơn cần được nuôi dưỡng liên tục trong “tâm”

Trong Kinh Tăng chi bộ, phẩm Các Hy vọng, Đức Phật dạy: “Có hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ơn trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời”. 

Lòng biết ơn nhắc nhở chúng ta một nguyên lý của vũ trụ: Lý nhân duyên. Khi cảm ơn một ai đó là chúng ta công nhận, nhận diện sự có mặt của họ và của chúng ta. Chủ thể và đối tượng nằm trong mối tương quan với nhau, như lời Đức Phật dạy: “Cái này có mặt vì cái kia có mặt”. 



Cảm ơn là một từ nhiệm mầu, và lòng biết ơn là một cảm xúc nhiệm mầu. Lòng biết ơn giúp chúng ta nuôi dưỡng đức vô úy (Bi – Trí – Dũng) trên đường đạo. Và tâm vô úy, hạnh từ bi cũng từ lòng biết ơn mà ta có được. Tuy nhiên, lòng biết ơn cần được nuôi dưỡng liên tục trong tâm, vì Đức Phật dạy rằng người biết ơn là châu báu khó gặp trên đời.

Đồng thời, lòng biết ơn luôn luôn cần được soi chiếu trong pháp ấn vô thường và vô ngã. Sống ở thời Mạt pháp này, chúng sanh nào quán chiếu được như thế, tự thân họ đã trở thành những cây Bồ Đề mới, để nuôi dưỡng vô lượng các vị Phật vô tướng trong cõi Ta bà.

Tích tắc một năm Nhâm Dần sắp trôi qua, bao nhiêu biến cố và thăng trầm thênh thang trong tâm khảm mỗi người cũng sắp qua đi. Những ngày cuối năm, chúng ta hãy tĩnh tâm ngẫm về lòng biết ơn, bởi chính từ trái tim biết ơn sẽ mở ra cho chúng ta những cánh cửa kỳ diệu để sống một đời có ý nghĩa. 

Khi nói đến mùa xuân là nói đến sự tươi đẹp, an lành. Thế nhân thường mượn mùa xuân để nói đến cuộc sống tươi vui đầy sức sống vươn lên. Nhưng không phải lúc nào mọi việc đều xảy ra một cách thuận lợi như chúng ta hằng mong đợi, mà luôn đầy sự thử thách với những trái ý nghịch cảnh. Bản chất của cuộc đời luôn xoay chuyển theo quy luật biến đổi, giông bão cũng có ngày lặng yên, sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Người chưa trải qua một lần thăng trầm sẽ không thể thấu được ý nghĩa của cuộc đời. Chính nghịch cảnh sẽ là bước đệm cho chúng ta thay đổi. Đức Phật trước khi giác ngộ cũng phải trải qua a-tăng-kỳ kiếp thực hành khổ hạnh, nhưng nhờ vậy mà Ngài mới tìm ra được con đường đạt đến đạo quả giác ngộ trên thế gian, lưu truyền ngàn đời. 



Nhìn vào thế sự ngổn ngang, ta cảm thấy thế giới chỉ biến động khi tâm con người biến động. Thời gian trôi qua, mọi thứ đều vô thường biến đổi, chỉ còn lại niềm vui khi nhìn lại một chặng đường đã qua, ta đã bỏ đi những tánh bất thiện và học thêm nhiều bài học để yêu người, yêu đời.

Một năm đã vội vã rồi, mỗi người hãy dành cho nhau những ngày xuân về để tập sống chậm lại, chậm lại để lắng nghe từng hơi thở của mình được ban tặng bởi khí trời, chậm lại để nghe tiếng chân đang bước trên mảnh đất quê hương, chậm lại để thầm cảm ơn sự kỳ diệu của muôn vật.

Nếu mùa xuân là cái gì tươi đẹp nhất thì đó phải là vẻ đẹp từ sự biết ơn trong tâm hồn của mỗi người. Hãy cùng mở ra điều kỳ diệu của mùa xuân bằng cách sống biết ơn. Hãy học hạnh Đức Phật Di Lặc, một vị Phật đến với thế gian bằng nụ cười hoan hỷ, vui vẻ, tha thứ và bao dung để ta sẵn sàng xóa bỏ những tị hiềm, xích mích, mà độ lượng, trân trọng với tất cả, mở lòng mình để cảm thông, chia sẻ, làm lợi lạc cho mọi người, mọi vật.

Hãy một lần quay đầu nhìn lại để bày tỏ lòng biết ơn: Tứ Trọng Ân - Ân cha mẹ, Ân Tam Bảo - Ân Thầy Cô - Ân Tổ quốc, biết ơn những người đã giúp đỡ ta trong năm qua, biết ơn những khó khăn nghịch cảnh đã giúp ta hoàn thiện, biết ơn vạn vật… và biết ơn nhiều hơn nữa, biết ơn tất cả mọi nhân duyên!

trong Tin tức
Huân tập lòng biết ơn để vun bồi, nuôi dưỡng hạnh từ bi, đức và tâm “vô úy”
Ban Lien Huu 17 tháng 1, 2023
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tịnh Độ của A Di Đà Phật – Con đường Nhất Thừa, nơi chốn đại duyên khởi để hoàn thành nguyện lực đại bi
Trong số tám vạn bốn ngàn pháp tu chỉ có pháp môn Niệm Phật là thù thắng đệ nhất, cứu cánh đệ nhất, hữu hiệu và siêu việt nhất. Ðó là lời dạy của Ðức Thế Tôn. Vì thế nên biết một câu A Di Đà Phật đã tròn đầy khắp pháp giới, bao hàm vô lượng chư Phật, Phật Pháp, quốc độ chư Phật, nhiếp thọ và tiếp độ tất cả chúng sanh!