Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân cho năm anh em Kiều Trần Như tại Vườn Nai (Lộc Uyển) về pháp Trung đạo. Qua sự thực chứng, Đức Thế Tôn đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh nhân sinh về lẽ thật cuộc đời. Đồng thời, kiên quyết khẳng định rằng, nếu con người còn vướng mắc trong hai trạng thái cực đoan là mê đắm hưởng thụ và khổ hạnh ép xác, thì vĩnh viễn không thể giải quyết được cội nguồn sinh tử khổ đau.
Con đường Như Lai đã tìm ra
Là đường Trung đạo vượt lẽ tà
Tránh đi khổ hạnh và hưởng lạc
An vui tuệ giác vượt trùng ba
(Kinh Chuyển Pháp Luân)
Trong kinh Niệm xứ thuộc tuyển tập kinh Trung bộ, Đức Phật nói rằng con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh, vượt thoát sầu não, dứt trừ khổ ưu, thành tựu thánh đạo, chứng ngộ Niết bàn chính là sự tỉnh thức chánh niệm quán chiếu thân tâm. Tính chất khai minh của tỉnh thức chánh niệm là ở chỗ nó mở ra tuệ giác về vô ngã và tuệ giác về tánh không.
Một vị thanh văn đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ nghe giảng pháp, nghiên cứu kinh điển mà có được Văn Tuệ, tức hiểu biết đúng như thật các pháp, liễu tri các pháp với nền tảng “tâm biết tâm”, biết như thật các đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận là Cảm Giác hay Cảm Thọ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sanh, nó vô thường, vô ngã, có vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly như Đức Phật đã tuyên bố về sự giác ngộ của Ngài rằng:
Này các Tỳ-kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ. Vị ấy biết như thật Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về “nội tâm” chứ không thuộc về thế giới ngoại cảnh, biết rõ Duyên khởi lên lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Vô minh, có Tham Sân Si, có Sầu Bi Khổ Ưu Não, biết rõ Duyên khởi lên con đường chấm dứt Khổ là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo với NIỆM – ĐỊNH – TUỆ, với Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát.
Bản chất của chánh niệm là cái nhìn tràn đầy tỉnh thức, không đánh giá phán xét, nên đưa đến tuệ giác về tánh không. Mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này đều mang bản chất tánh không nhưng vì phiền não tham sân yêu ghét, thái độ bám víu, chấp thủ khoác lên sự vật hiện tượng nên ta không thấy được bản chất tánh không của chúng.
Chính vì vậy, Đức Phật dạy hàng Thanh văn thực hành lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, để khi lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên thì Ý thức Chánh Tri Kiến, là Minh sẽ đoạn trừ Ý thức Tà Tri Kiến, Vô Minh. Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ hiểu biết như thật đối tượng là Vô thường, Vô ngã, biết như thật về Khổ Tập Diệt Đạo nên sẽ không sinh tâm Tham Sân Si. Và khi lời nói, hành động không bị chi phối bởi Tham Sân Si, sẽ do Minh, do Trí Tuệ khởi lên gọi là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Nhờ đó mà Khổ không có mặt, Khổ chấm dứt.
Tài liệu tham khảo:
Phật thuyết Bát Chánh Đạo Kinh
Kinh Niệm Xứ (Tuyển tập Kinh Trung Bộ)
Niệm Định Tuệ, Tỷ Khưu Nguyên Tuệ, NXB Hồng Đức