Công đức sinh thành, cả một đời nặng trĩu nghĩa ân
Lặng nghe tháng Bảy mà lòng xao xuyến, bâng khuâng và đầy ngổn ngang. Mùa Vu Lan tháng Bảy luôn gợi về những khoảng lặng, nhắc nhớ phận làm con một mùa báo hiếu tới đấng sinh thành.
“Hiếu dưỡng phụ mẫu” vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và cũng như của tất cả những người con Phật. Chữ “hiếu” là bài học đầu tiên của đạo làm người, là điều căn bản đầu tiên trong 11 điều tu phúc của chư Phật. Đức Phật dạy, cha mẹ như hai vị Phật trong nhà, thờ cha mẹ cũng chính là thờ Phật.
Đức Phật sau khi thành đạo cũng trở về quê nhà hóa độ phụ vương, lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẫu thân. Khi vua cha băng hà, Đức Phật ghé vai nâng kim quan vua cha đưa đi trà tỳ. Lòng hiếu thảo của Đức Phật là tấm gương sáng soi cho hậu thế.
Dù đã cát ái từ thân, dù là bậc thầy của trời người, Đức Phật vẫn không quên ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu không có cha mẹ ban cho tấm thân thì làm sao có ngày đạt đạo Bồ-đề, thành bậc Đại giác? Và cũng chính vì có hiếu tâm mà Ngài đủ đức hạnh để trở thành một vị Phật. Đức Phật đã từng dạy: “Trong vô lượng kiếp về trước, Ta luôn là người con hiếu thảo, chính vì thế mà nay Ta thành bậc Vô thượng Chánh đẳng giác”.
Điều đó còn nói lên rằng, đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Thiếu hiếu thảo, tính cách đạo đức của con người đã bị phá vỡ và do đó không thể trở thành các bậc hiền thánh để đời ca tụng và học hỏi theo được. Chính vì thế mà kinh Nhẫn Nhục thuộc hệ Đại thừa đã đẳng thức hoá “hiếu” với “điều thiện tối cao” và “bất hiếu” là điều ác nguy hại: “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác tối cao là bất hiếu”. Kinh Báo Ân cha mẹ cũng dạy rằng: “Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ vô lượng vô biên, thì tội bất hiếu cũng vô biên vô lượng”, nhằm xác quyết rằng, đạo hiếu là con đường mà tất cả các bậc thánh hiền, các bậc giác ngộ đã đi qua.
“Hiếu nghĩa” cũng là nền tảng căn bản của hết thảy các phẩm chất đạo đức làm người. Đây là bước khởi đầu của mọi đạo lý trên đời. Nếu tính cách thiêng liêng của đạo hiếu bị phá vỡ thì tính cách đạo đức của một cá nhân cũng không thành tựu được. Nghĩa là người bất hiếu không phải là người hiền lương và đạo đức (Kinh Vu Lan & Báo Hiếu).