"Cội Bồ Đề trang nghiêm thiền định
Thắng thiên ma, vạn chướng trùng trùng
Chúng con lạy đấng Đại Hùng
Rọi vô biên Trí tận cùng thế gian..''
Sau khi vượt thành xuất gia tìm đạo, trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già mà vẫn chưa đạt được quả vị giác ngộ, Sa Môn Cồ Đàm đã đến dưới cội Bồ đề tại Bodh Gaya để chuyên tâm thiền định. Suốt 49 ngày đêm quyết chí tham thiền, nhập định, quán chiếu vạn pháp, đến đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc, Ngài đã chứng quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành đạo.
Sau khi thành đạo, Ngài đã không ngừng giáo hóa độ sanh. Ngài đi khắp xứ Ấn Độ để thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, đưa người mê về nơi bến giác. Sau đó, những lời dạy cao quý của Ngài đã đươc truyền bá khắp năm châu, đem lại lợi ích vô cùng lớn cho nhân quần xã hội từ xưa cho đến nay, và cả tương lai về sau nữa.
Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có bản tâm chân thật vượt mọi đối đãi, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Tánh giác bình đẳng ở muôn loài, hiển lộ qua sáu căn. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng… mà không khởi niệm phân biệt đẹp xấu, hay dở, thì tánh giác hiện tiền, không phải tìm cầu đâu xa. Hạng phàm phu chúng ta luôn chạy theo trần cảnh, tạo nghiệp thiện ác không cùng, rồi trôi lăn trong sáu đường sinh tử. Khi tâm ta thanh tịnh, không bị ngoại cảnh mê hoặc, không bị tham, sân, si quấy nhiễu thì lúc đó trí giác tỏ ngộ, không còn sanh tử luân hồi nữa. Mục đích của sự tu hành là phải sửa đổi tâm mình, chuyển từ tâm bất thiện trở thành tâm hiền thiện, để từ đó nhận chân được Phật tâm hằng hữu ở nơi chính mình. Khi chúng ta nhận ra Phật tánh nơi chính mình và sống trọn vẹn với bản tâm ấy thì được gọi là Thành đạo. Cho nên, tu đạo là tu tâm, ngộ đạo là ngộ tâm, chứng đạo là chứng tâm, và thành đạo cũng là thành tại tâm chứ không đâu khác. Thành đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật nơi chính mình.
Đức Phật đã thành đạo dưới cội Bồ Đề đến nay đã hơn 25 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo và tu hành của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật. Khi mới phát tâm tu, chúng ta cần có thầy dẫn lối, chỉ đường cho chúng ta để ta không bị lầm lạc. Đang trong giai đoạn dụng công, ta cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của cuộc đời. Còn vấn đề ngộ đạo thì phải tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.
Thời gian trôi đi gần ba thiên niên kỷ, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.
BẢY Ý NGHĨA PHẬT THÀNH ĐẠO
* Ý nghĩa thứ nhất: Thành đạo nói lên rằng con đường đi đến giải thoát là Trung đạo.
* Ý nghĩa thứ hai: Bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại đời này.
* Ý nghĩa thứ ba: Nội dung của Thành đạo là đoạn trừ vô minh, ái, thủ (đoạn diệt Mười hai nhân duyên), hay đoạn trừ Mười kiết sử
* Ý nghĩa thứ tư: Có sự kiện Thành đạo có nghĩa là vô minh, ái, thủ... không thực có, hay không có tự ngã. Tự ngã chỉ là sản phẩm của vô minh, không thuộc thực tại.
* Ý nghĩa thứ năm: Đức Phật thành đạo có nghĩa là các pháp được nhìn dưới cái nhìn vô chấp thủ, được thấy thoát ly các tướng hay Vô ngã tướng
* Ý nghĩa thứ sáu: Thành đạo là trở về Thật pháp, trở về “Vô sinh”, “Tịch diệt”, đi ra mọi nghĩa đối đãi của thường, đoạn, khứ, lai, hữu, vô, sinh và diệt
* Ý nghĩa thứ bảy: Sự kiện Thành đạo của Thế Tôn mở ra cho nhân loại một con đường thoát khổ, một niềm tin thoát khổ.
Chúng con nhất tâm thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn nhân ngày Ngài chứng thành đạo quả, trở thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đem ánh đạo vàng lan toả khắp nhân gian.
NAM MÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ
BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !