Chư Tổ chọn ngày bắt đầu năm mới (mùng một Tết Nguyên Đán) là ngày vía đản sanh của Đức Phật Di Lặc và mùa xuân trong đạo Phật cũng được gọi là Xuân Di Lặc, mang ý nghĩa "Xuân Hoan Hỷ", "Xuân Hy Vọng", hay "Xuân Hạnh Phúc".
Đó cũng là ước nguyện đầu Xuân của những người con Phật, nguyện cầu và mong ước một mùa xuân an vui, hạnh phúc, vạn sự kiết tường, vạn sự như ý trong năm mới.
Chúc cho năm mới thật bình yên
Tự tại thong dong chẳng muộn phiền
Xuân đến xuân đi tâm tịch tịnh
Pháp sinh, pháp diệt tánh thường niên
Theo kinh sách thì Phật Di Lặc xuất thân trong một gia đình Bà La Môn, dòng quý tộc cao quý, ở thôn Kiếp – Ba – Lợi, thuộc nước Ba La Nại (Nam Thiên Trúc – Ấn Độ cổ đại), có hiệu là A – Dật – Đa (Adijita) nghĩa là “Vô Năng Thắng” không gì có thể thắng nổi!). Di Lặc là tiếng phiên âm từ Phạn ngữ Maitreya Bodhisattva, nghĩa là “Từ Thị” (người có lòng từ bi), hoặc “Từ Bi”. Ngài và Phật Thích Ca là người cùng thời. Ngài theo Đức Phật Thích Ca xuất gia, tu tập Chánh pháp và trở thành đệ tử của Phật, sau này Ngài nhập diệt (vào ngày mồng Một tháng Giêng Âm lịch) trước Phật Thích Ca.
Với lòng bao dung rộng lớn, Di Lặc chính là vị Phật tương lai nối tiếp Đức Phật Thích Ca đến thế giới Ta Bà phổ độ, hoằng độ chúng sanh. Ngài cũng chính là hiện thân cho sự giải thoát khỏi khổ đau phiền trược để tìm về chốn an vui, hỷ xả. Bởi diệu tướng của Ngài tràn đầy hạnh tuỳ hỷ, hoan hỷ và hỷ lạc.
“Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự
Từ nhan thường tiếu, tiếu thiên hạ khả tiếu chi nhân”
Tạm dịch:
(Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ.
Miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả ở thế gian)
Khác với sự trang nghiêm thường thấy ở các vị Phật hay các vị Bồ Tát khác, Đức Di Lặc nhập thế dưới hình ảnh vị Hòa thượng thoát tục với vòm ngực lớn rộng trên chiếc bụng to tròn, người béo thấp, nụ cười híp mắt biểu lộ sự vui vẻ khôn cùng đã khiến không biết bao nhiều người dù là giáo đồ hay không tin tôn giáo hễ gặp đều sinh lòng cảm mến, hoan hỉ, thấy hữu duyên với Ngài, đều khiến họ có thể trở thành những thiện nam tín nữ sau này của Ngài hoặc của đạo Phật. Đó chẳng phải là phương tiện hóa độ của Ngài sao? Phật Pháp quá trang nghiêm khiến người không rõ sẽ khó gần, người hiểu rõ lại đôi khi không muốn mãi nghiêm túc, khe khắt như vậy. Trên thực tế, bản chất của cuộc sống cần thoải mái, vui vẻ, cười cợt nhân gian, dáng vẻ hiển hiện bên ngoài của đức Di Lặc cũng giống như một sự thoải mái, lạc quan của Đấng giải thoát vậy.
Mùa xuân tượng trưng cho sự sống tiềm tàng đầy năng lượng mà chỉ khi chúng ta nhận ra cái không sinh diệt nơi chính bản thể thân và tâm mình, ta mới thấy được mùa xuân bất tận của Đức Di Lặc Bồ Tát là một mùa xuân tràn đầy niềm vui và hi vọng trong tương lai.
Mừng xuân Di Lặc ngát từ bi
Chúc cho đất nước đượm xuân thì
Ta nghe một thoáng bừng giao cảm
Mai nở bên trời, vọng cố tri!
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật đã dạy: “Một đốm lửa sân đốt hết cả rừng công đức”. Vì thế, người con Phật cần học theo hạnh Từ Bi Hỷ Xả của Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật để dung những điều khó dung của thiên hạ, nhẫn những điều khó nhẫn của thế nhân, ấy mới là chân tu.
Ngày đầu xuân mới Giáp Thìn - mồng một Tết Nguyên Đán cũng là ngày vía đản sanh Đức Phật Di Lặc. Ngắm nhìn diệu tướng hỷ lạc của Đức Di Lặc Bồ Tát chính là nhân duyên thù thắng nhắc nhở chúng sanh hãy biết buông xả những chấp ngã, chấp pháp, trải rộng lòng từ bi đến tất cả muôn loài. Bởi thân nay vốn đã khổ, nên lìa khổ mới mong được an vui. Quý vị hãy thành tâm lễ kính và học theo hạnh Từ Bi Hỷ Xả của Ngài để ta nở nụ cười an nhiên, tự tại đón một mùa Xuân Di Lặc an lạc, cát bảo bình an.
NAM MÔ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT!