Trước khi thành Phật ở kiếp cuối cùng, Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu hành Bồ Tát đạo. Trải qua A-tăng-kỳ kiếp, hàng trăm nghìn đại kiếp, Đức Phật đã chịu muôn vàn gian truân vất vả để thành tựu đại nguyện Bồ Đề. Vì lòng bi mẫn muốn cứu khổ và làm lợi ích cho chúng sanh vạn loài mà Đức Phật đã thị hiện vào cuộc đời. Ngài có vô lượng hạnh nguyện của các Bồ Tát, an trụ vào các pháp, công đức trọn đầy, rồi dạo bước khắp mười phương, tùy theo phương tiện cứu độ chúng sanh, khiến cho tất cả qua khỏi đường sinh tử, vào được Pháp tạng của chư Phật.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, quyển Thượng, Đức Phật dạy: “...Như Lai đem lòng đại bi vô tận, thương xót chúng sanh trong ba cõi, nên mới thị hiện ra đời, khai sáng đạo giáo, để cứu vớt quần sanh, khiến cho họ được nhiều lợi ích chơn thật. Như Lai vô lượng kiếp khó gặp, khó thấy, cũng như hoa ưu đàm trải qua bao kiếp mới trổ một lần...”.
Chính vì thế, khi Thái tử Tất Đạt Đa ra đời, tất cả Trời, người, muôn loài đều hân hoan, cỏ cây hoa lá đua nở. Chim hót vang ca, nhạc trời reo vang, hoa trời tung rải khắp nơi, chúng sinh các cõi đều hân hoan, hạnh phúc. Khi Ngài xuất gia cầu đạo, đắc thành vị Phật Toàn Giác trên thế gian, giáo Pháp mà Ngài chứng ngộ đã thắp lên ngọn đèn trí tuệ soi rọi cho chúng sinh trong màn đêm u tối của vô minh, là con đường đưa chúng sinh thoát khỏi sự ràng buộc đau khổ của sanh tử luân hồi. Không ngoại trừ một ai, không phân biệt màu da, tôn giáo, bất kỳ ai thực hành theo giáo Pháp của Ngài đều được lợi ích, an vui hạnh phúc.
Trong lịch sử Phật giáo có ghi lại một sự kiện vô cùng đặc biệt khi Đức Phật vừa đản sanh, đó chính là hình ảnh hài nhi khi vừa sinh ra đã đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen nở dưới chân.
Theo tinh thần của Phật giáo, con số 7 mang nhiều hàm nghĩa:
- Đó là biểu trưng cho bảy vị Phật: Phật Tỳ-bà-thi của kiếp quá khứ; Phật Thi-khí của kiếp quá khứ; Phật Tỳ-xá-phù của kiếp quá khứ; Phật Câu-lưu-tôn của kiếp hiện tại; Phật Câu-na-hàm-mâu-ni của kiếp hiện tại; Phật Ca-diếp của kiếp hiện tại và thứ bảy là Phật Thích Ca kiếp hiện tại giáo hóa chúng sanh trong thế giới ta bà.
- Biểu trưng cho Thất chúng (Bảy chúng đệ tử Phật): Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.
- Biểu trưng cho Thất Thánh quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát và Phật.
- Biểu trưng cho Thất Bồ Đề phần (7 phần giác ngộ): Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định và Xả.
- Biểu trưng cho 7 phương vị: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới và tại Đây. Tất cả các địa hạt từ vật nhỏ nhất như vi trần cho đến vật lớn như núi Tu Di đều không ngoài con số bảy này.

Với thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, bảy bước đi của bậc Toàn giác hàm chứa nhiều tầng nghĩa mà không phải ai cũng am hiểu, thấu tỏ. Đại Tùng Lâm Hoa Sen trân quý mời Quý Phật tử, Quý Liên hữu cùng tìm hiểu Ý nghĩa của Bảy bước Sen nở kính mừng ngày Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Đản Sanh - Đón mừng Đại Lễ Phật Đản DL.2025 - PL.2569:

BƯỚC THỨ NHẤT: Đức Phật nhìn về Phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sanh". (Thị Đông phương vị chúng sinh vi đạo thủ cố).

BƯỚC THỨ HAI: Đức Phật nhìn về Phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sanh gieo gặt”. (Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố).

BƯỚC THỨ BA: Đức Phật nhìn về Phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây ấy chỉ cho chúng sanh cách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sanh thân cuối cùng”. (Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố).

BƯỚC THỨ TƯ: Đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sanh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. (Thị Bắc phương vị chúng sanh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Đến đây, Đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe pháp để cứu độ chúng sinh.

BƯỚC THỨ NĂM: Đức Phật nhìn xuống Phương Dưới và bảo rằng: “Phương Dưới ấy Ta sẽ giúp cho chúng sanh chinh phục ma lực để vượt thoát khổ đau” (Thị Hạ phương vị chúng sanh dị dục hàng ma cố).

BƯỚC THỨ SÁU: Đức Phật nhìn lên Phương Trên và bảo rằng: “Phương Trên ấy là chỉ cho chúng sanh đang sống đúng với năm nhân cách và tu tập mười thiện nghiệp” (Thị Thượng phương vị chúng sanh quy y thiên nhân cố). Đây là những thiện nghiệp cần hướng tới thực tập để thóat khỏi khổ đau.

BƯỚC THỨ BẢY: Đức Phật một tay chỉ Trời, một tay chỉ Đất và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sanh tử, ư kim hỷ tận”. Ta bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường đều do ngã chấp chi phối, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của Ta vậy.

Theo dấu chân Phật, đại chúng sẽ thấy từng bước chân của đấng xuất trần thượng sĩ khi đản sanh đều có ý nghĩa rất sâu sắc, cao thượng và cũng biểu hiện Ngài là bậc tối thượng, bậc tôn quý vô thượng. Bảy bước chân của Đức Phật cũng có ý nghĩa là Ngài đã đi qua hết cả lục đạo luân hồi: Cõi Địa ngục, Cõi Ngạ quỷ, Cõi Súc sinh, Cõi Người, Cõi Thần (A-tu-la), Cõi Trời, tất thảy Ngài đều vượt qua. Tất cả sáu cõi Ngài đều không còn nhân để sinh vào nữa, không còn ở trong Tam giới này nữa.