KỶ NIỆM NGÀY VÍA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT THÀNH ĐẠO 19/6 QUÝ MÃO - PL.2567
Đức Quán Thế Âm là vị Đại Bi, Đại trí, liễu ngộ năm uẩn đều không, là vị Bồ Tát luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của chúng sanh trong nhân gian để thị hiện cứu độ. Với lòng từ bi, vị tha không hạn lượng, không phân biệt hình tướng, giữa cõi ngũ trược ác thế, chứng kiến chúng sanh u mê không tỉnh, Ngài luôn thị hiện kịp thời để hóa độ quần sanh, cứu độ cho muôn loài được thoát khỏi mọi khổ đau do nghiệp chướng mà chúng sanh đã gây ra trong thế giới Ta bà.

"Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách…”. Đó là phần mở đầu của Bát-nhã Tâm kinh mà Đức Phật đã mượn hình ảnh Quan Âm để chứng minh vị Bồ-tát này là người tu chứng Bát-nhã và sử dụng được Bát-nhã. Bát-nhã là trí tuệ cao nhất có thể đưa con người vượt qua tất cả khổ ách, gọi là trí Bát-nhã, cho đến đạt được cứu cánh Niết-bàn. Đức Phật nói rằng ba đời chư Phật đều nương trí Bát-nhã để vượt qua tất cả chướng duyên, phá được tất cả khổ ách và đạt đỉnh cao Niết-bàn. Và Đức Phật cũng nói rằng Quan Âm đã đạt cứu cánh Niết-bàn này.

Bồ Tát Quán Thế Âm với tôn xưng "Thí Vô Úy" là vì trong mười hai lời nguyện mà Ngài đã phát nguyện, có lời nguyện đầu nói đến việc Ngài tu tập hạnh quán về âm thanh và đã chứng "Viên thông" (tức là nghe được âm thanh của chúng sinh để ứng hiện cứu vớt). Và các nguyện lực của Ngài đều biểu thị công hạnh kinh thâm: Đại từ bi - Đại hỷ xả - Đại hùng lực.



Đức Quan Âm là vị Phật đã thành, nhưng hiện thân Bồ-tát để trợ hóa cho Đức Phật ở cõi Ta Bà. Và vì Ngài luôn sống với tâm đại bi nên thường quán sát khổ đau của chúng sanh và muốn phóng quang độ thoát cho chúng sanh khỏi khổ ải trầm luân, nên Ngài mới hiện thân lại cõi Ta Bà này. Thật vậy, Đức Quán Thế Âm có nhân duyên đặc biệt với chúng sanh trong cõi Ta Bà. Dù đã nhập Niết-bàn ở trong thế giới vô vi, tâm Ngài vẫn luôn luôn hướng về chúng sanh, lòng từ bi cứu độ chúng sanh của Ngài như ánh mặt trời luôn chiếu soi, tỏ rạng và lan toả đến muôn phương.

Phẩm Phổ Môn thứ 25 chép rằng: “Chúng sinh khốn đốn vì bao đau khổ, cái nhìn tuệ giác của Quan thế âm đầy cả năng lực cứu khổ cho đời. Ngài phóng quang nhìn đúng sự thật, nhìn thật trong suốt, nhìn với tuệ giác vô cùng vĩ đại, nhìn bằng đại bi, nhìn theo đại từ, nên hãy thường xuyên nguyện cầu chiêm ngưỡng. Là thể trong suốt sáng không tỳ vết, là vầng tuệ nhật phá tan hắc ám, là lửa rực sáng xua tan tai nạn, ngài trải hào quang khắp cả trần gian”.



Tại Ngôi Già Lam Đại Tùng Lâm Hoa Sen, Thánh tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tứ diện hướng về phía chánh Đông, trên tay Ngài cầm bình nước cam lồ để ban phát cho sự khổ, sự bệnh của của chúng sanh.



Hướng về phía chánh Bắc, Ngài cầm trên tay cây “như ý”, mang ý nghĩa Đức Quan Âm sẽ luôn lắng nghe âm thanh cứu khổ của chúng sanh, và nếu có chúng sanh nào cầu nguyện một cách chân thành, với thiện tâm và lòng phụng sự giúp đỡ chúng sanh thì ắt sẽ được như ý. 



Hướng về phía chánh Tây, trên tay Ngài là chuỗi hạt và Ngài nhìn thẳng vào Niệm Phật Đường, có nghĩa là Quan Âm đang hộ trì cho sự tu hành chân chánh, tiếp dẫn chúng sanh làm sao tiến tu trên con đường đạo.



Và hướng về phía chánh Nam, trên tay Ngài là bánh xe Chuyển Pháp Luân, biểu pháp cho mạng mạch Phật pháp luôn được truyền thừa, rộng độ chúng sanh.

Đức Phật cho biết không thể nào nói hết sự biến hóa thần thông của Bồ Tát Quan Âm. Vì vậy, trên tượng Quan Âm thường có Đức Phật trên trán, thể hiện ý nghĩa dù hiện hữu chung sống với các loại hình, nhưng Phật huệ của Quan Âm vẫn không thay đổi. Quả đức ấy của Ngài cũng phát xuất từ nhân địa tu hành Bát-nhã, Ngài quán sát cùng tột thật tướng các pháp, thấy được ngũ uẩn dưới dạng “Không”.



Giữa thế gian Ta Bà ngũ trược, chứng kiến chúng sanh u mê không tỉnh, Quán Thế Âm Bồ Tát vì lòng từ bi mà thị hiện kịp thời, để hóa độ quần sanh đưa người về bến giác, cứu khổ tầm thanh, làm cho một đời người biết đến chánh pháp được an vui qua nhiều hình tướng và ứng thân khác nhau. Như kinh Diệu Pháp Liên Hoa có đề cập, Ngài có 32 hóa thân khác nhau. Song tất cả chỉ là một, là một nhưng cũng là tất cả, đều là những gì tốt đẹp nhất mà Quán Thế Âm Bồ Tát vì đời mang đến. Và tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn ấy luôn được coi là hạnh nguyện đặc trưng của Bồ Tát Quan Thế Âm.

Chính vì hạnh nguyện cứu khổ ban vui và sự ứng hóa khôn cùng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát như thế, nên trong văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Quán Thế Âm Bồ Tát là một trong những vị Bồ Tát được thờ cúng, kính ngưỡng nhiều nhất của Phật tử và đại chúng, với niềm tin rằng nơi đâu an vị tôn tượng của Ngài thì nơi đó là chốn bình yên, tự tại, là không gian trang nghiêm tốt đẹp, nhiệm màu từ bi. Từ bi là gốc, lòng mãi an nhiên.

NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT!

trong Tin tức
KỶ NIỆM NGÀY VÍA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT THÀNH ĐẠO 19/6 QUÝ MÃO - PL.2567
Ban Lien Huu 4 tháng 8, 2023
Share this post
Tag
Lưu trữ
Niệm Phật là Chánh hạnh - Thiền thâm diệu vô thượng
Thời mạt pháp nếu bỏ đi pháp môn niệm Phật thì không có bất cứ pháp môn nào có thể giải thoát được sanh tử. Bạn chẳng biết được tốt xấu, chẳng biết mình là phàm phu ngã mạn, trí tuệ mờ tối, chướng sâu, phước mỏng, nghiệp dày. Không chịu căn cứ vào lời dạy của Đức Phật, thành thật tu hành nương nhờ sức Phật cứu giúp. Pháp môn niệm Phật không thể nghĩ bàn. Lại theo ý riêng tu hành các pháp môn khác thì không có cách gì đạt được lợi ích và thọ dụng chân thật, lại không thể giải thoát khổ đau sanh tử trong đời này.