Lắng nghe chính mình để gieo hạt giống lành nơi vườn tâm ta
Pháp môn của Bồ-tát Quán Thế Âm chính là phương pháp phản văn văn tự tánh, tức không xuôi dòng đuổi theo âm thanh mà trở ngược lại tánh nghe. Trong cái nghe của Ngài, Ngài chuyển dụng khả năng nghe tiếng bên ngoài, để nghe lại tự tánh nghe của mình. Đến lúc những cái sinh diệt diệt hết thì tánh vắng lặng hiện ra và khi ấy chứng được “nhĩ căn viên thông”, được hai thứ thù thắng: đồng với từ lực của mười phương chư Phật và cảm thông lòng cầu mong thương cứu của chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi.
Tự tánh là bản thể của tâm, vốn không sanh, không diệt và ngay đây chủ thể hay đối tượng nghe đều không tồn tại. Nghe được tự tánh tức là nghe đến tận cùng sâu thẳm của vô thanh, nghe cái tịch nhiên im lặng sấm sét. Ngay đây, phiền não rơi rụng, tuệ giác hiện tiền, thực tại hiển bày “vượt ngoài thế gian và xuất thế gian, sáng suốt cùng khắp mười phương, trên thì hợp với bản giác diệu tâm mười phương chư Phật đồng một từ lực với Như Lai, dưới hợp với tất cả chúng sanh đồng với chúng sanh một lòng bi ngưỡng”.
Hàng ngày, vì công việc, vì những mối lo, vì tập khí nhiều đời nhiều kiếp đã khiến ta hướng ngoại, thích nghe ngóng chuyện này, chuyện nọ rồi phải trái, hơn thua ngoài xã hội. Trong dòng sinh diệt bất tận của cuộc đời, ta luôn phải mang nhiều vai diễn và mải mê chạy theo nó rồi chợt nhận ra rằng trong ta còn quá nhiều góc khuất, nhiều mảng tối, thiện ác đan xen với nhiều cung bậc cảm xúc.
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian
Để có thể lắng nghe được mình thì phải dừng lại. Nhà thiền gọi là “chỉ”, tức dừng lại. Dừng lại không phải chỉ là ngồi một chỗ, nhưng phải bắt đầu bằng việc cấm túc - ở yên một chỗ. Từ việc ở yên đó, mình có cơ hội để tâm an trụ nơi hiện tại, ngay chỗ mình đang sống để có thể lắng lòng lại.
Khi ta lắng nghe là lúc ta phát hiện ra chính bản thân mình, nghe thấy nội tâm của mình, tâm ta như một dòng sông lúc thì yên ả hiền hòa, lúc thì gập ghềnh thác lũ. Ta nghe để hiểu ta hơn và tìm lại chính mình. Lắng nghe để trở về với tự tánh, để cắt bớt duyên trần, tập trung suy ngẫm bản thân mình, quay về nương tựa chính mình.
Đức Phật xác định: Dừng lại, nhìn sâu vào những biểu hiện ở hiện tại nơi bản thân mình rất quan trọng, giúp ta hiểu được con người mình, nhận ra mình còn yếu kém ở mặt này, khoản khác để từ đó tìm cách khắc phục, phát nguyện sửa đổi. Đó chính là “quán” - nhìn sâu vào chính ta, để hiểu mình.
Chúng ta lắng nghe, tức là sự yên lặng sâu sắc của trái tim hiểu biết mà Bồ-tát Quán Thế Âm đã trao cho mình. Ta lắng lòng để nghe, nghe thật sâu vào từng nhịp thở của con tim, thì những giận hờn, bực tức không thể phát sinh mà hoàn toàn được chuyển hóa. Ta học và tu theo hạnh lắng nghe để mình và người sống bình yên, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Cho nên, khi lắng nghe, ta phải hiểu thấu chính mình thì mới nghe được trong sâu thẳm con tim, từ đó ta biết cách làm vơi bớt nỗi đau, để ta và người có sự cảm thông và càng yêu thương nhau.
Lắng nghe người khác và muôn loại để hiểu, để thương
Hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm trong Phật giáo được tôn vinh, tán thán với công hạnh lắng nghe. Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.
Trong kinh Pháp hoa, Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.
Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.
Quán chiếu sâu sắc vào hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta thấy ngay rằng những hóa thân của Ngài đang ở quanh ta, hiện diện đầy đủ trong mọi khía cạnh cuộc đời. Hạnh lắng nghe để cứu độ chúng sinh của Ngài là luôn lắng nghe để hiểu dù điều ấy đã nói ra hoặc không nói, lắng nghe mà người kia trút bỏ được ưu phiền, trở nên an vui đó cũng chính là hạnh phúc chân thực.
Đức Phật dạy: Người ta chỉ có thể mất ba năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học hạnh lắng nghe mà chưa chắc đã tròn.
Kỳ thực mà nói, chính sự ích kỷ ngăn không cho ta lắng nghe người khác và muôn loại. Nếu nhất tâm lắng nghe người khác, lắng nghe loài khác... ta sẽ không mặc kệ nỗi đau của họ, khai thác nỗi đau của họ để phục vụ cho mình.
Xóa đi sự ích kỷ chính là ta mở cửa từ bi, mở lòng nghe được sự khó khăn, ngăn ngại trong lòng người khác, thấy nghiệp riêng của họ mà cảm thông. Phương pháp “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” khơi dậy trong ta lòng từ bi hơn mức bình thường. Khi đó, ta sẽ nhận ra rằng, việc thương một người khổ đau, đói khát quá dễ; nhưng để có thể thương được người gieo hạt giống xấu thì lại không dễ dàng.
Làm sao có thể thương được người đã, đang làm khổ ta nếu như không quán niệm (lắng nghe sâu sắc) và nghe được rằng: họ cũng đang bị khổ rất nhiều, nếu họ có an vui thì họ sẽ không gây khổ cho ta như vậy.
Lắng nghe sâu sắc những người tạo ác nghiệp hiện tiền, ta thấy, ta biết hàng ngày để hiểu được mẫu số chung của những người ấy chính là sự mê mờ, không tin nhân quả, chứa nhiều phiền não, đau khổ... thì ta sẽ có thể không trách móc họ, không tự hành quyết họ trong ý nghĩ chứa đựng sân giận của mình. Khi đó, ta chấp nhận việc họ phải chịu trả quả báo mà họ gây bằng tình thương của một người học Phật, thầm mong họ giác ngộ chứ không phải bằng cách: đáng đời tên ấy, kẻ ấy... vì hắn ác quá mà!
Người học Phật tinh tế trong sự phản ứng trước nỗi khổ niềm đau của người, để không cười đùa khi biết ai đó cần sự chia sẻ, đang gặp bất trắc. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Và, quan trọng, không hỉ hả trước những sự trừng phạt theo lẽ công bằng của cuộc sống trước pháp luật và luật nhân quả của một người nào đó (vì vô minh mà tạo ác nghiệp). Nếu làm được vậy có nghĩa là ta đang thương mình, đang gieo hạt giống lành nơi vườn tâm ta, dần dần ta sẽ có cơ hội khai mở tâm mình rộng ra với hoa trái yêu thương thay vì oán hận...
Lắng nghe để hiểu. “Hiểu càng rộng, thương càng sâu”. Từ sự lắng nghe để thấy rõ chơn vọng của cuộc đời, thấy rõ nhân quả nghiệp báo của mọi sự việc. Lắng nghe là một phép lạ để khám phá sự thực của mỗi tâm hồn. Chỉ cần im lặng và lắng nghe, mỗi chúng ta sẽ đều trở thành hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Như thế, chúng ta có thể làm cho trần gian cạn vơi đi những khổ đau phiền muộn rất nhiều.
Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện. Chỉ cần vận dụng một phần ba năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi.
Hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm giúp cho chúng ta vun bồi những hạt mầm yêu thương, trái tim bao dung và độ lượng được tưới tẩm và dần lớn lên đơm hoa kết trái, giúp con người xích lại gần nhau, hiểu và thương nhau hơn và đó cũng chính là giọt nước cam lồ của Đức Bồ tát Quán Thế Âm ban rải cho tất cả muôn loài.