Đức Phật xuất hiện trên thế gian đem lại an vui cho tất cả chúng sanh. Vì vậy, lễ Phật với lòng chí thành chí tín giúp cho hành giả phát triển hạnh lành, loại bỏ tà niệm
Trong các truyền thống Phật giáo ở mỗi quốc gia, do ảnh hưởng của văn hóa bản địa, phong tục địa phương mà cách lễ lạy có phần sai khác; có nơi khi lễ thì “Ngũ thể đầu địa” tức là “Năm vóc sát đất”; “Tam bộ nhất bái”; “Nhất bộ nhất bái” là đi ba bước lễ một lễ hay cứ đi một bước lại lễ một lễ. Có nơi khi lễ lại xoài người nằm dài xuống sát đất để bày tỏ sự cung kính cùng tột; có nơi khi lễ hai tay ngửa lên, có nơi khi lễ hai tay lại úp xuống và cũng có nơi khi lễ hai tay ngửa ra trước sau đó mới úp.
Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng hay xã hội đều có những hình thái lễ nghi tôn kính khác nhau, thể hiện ước vọng tôn kính của con người đối với những đối tượng mà họ nhận thấy đáng tôn kính, trân trọng và tri ân. Đối với Đạo Phật, lễ bái, nghi lễ được xem là một phương tiện, vừa thể hiện nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống, vừa phản ánh một động thái chánh niệm của người Phật tử trong quá trình tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ.
Kính lễ Phật theo cách thức “Thân tâm cung kính lễ” là gì? Cung kính cũng là tinh tiến, tinh thì không tạp, tiến thì không lùi. Khi nghe danh hiệu Phật liền nghĩ tưởng đến như Phật đang ở trước mặt, tướng tốt đầy đủ, lộng lẫy trang nghiêm, tâm không sinh tạp niệm lăng xăng, thân tâm cung kính thành khẩn tha thiết không cùng, một lòng chí thành không mỏi mệt biếng trễ. Lúc lễ lạy đặt thân tâm hết lòng thành kính nghiêm trang, năm vóc sát đất... Cách lễ này đúng pháp. Theo cách lạy của Tịnh độ tông thì:
Khi lạy xuống, trước tiên úp hai lòng bàn tay xuống đất. Lạy như thế có ý nghĩa là buông xả tất cả từ vật chất bên ngoài đến ý tưởng (vọng niệm) bên trong, nhất tâm nhất ý đặt vào lòng thành kính. Sau đó ngửa bàn tay ra, đặt trán của mình lên hai lòng bàn tay, ý nghĩa là nhằm đón nhận những giáo pháp, những công hạnh, hạnh nguyện của đức Phật trao cho mình để chúng ta áp dụng thực hành vào cuộc sống khi đối nhân xử thế với mọi người xung quanh. Lưu ý rằng phần lưng và mông phải thấp sát xuống, bằng phẳng, như hình cái mặt bàn.
Cuối cùng là úp hai lòng bàn tay xuống đất (trước khi đứng lên), ý nghĩa cũng là buông xả. Sau khi đón nhận những giáo pháp của Phật trao cho, ta đem thực hành vào cuộc sống để lợi người lợi mình. Khi xong việc liền buông xả, không nên câu nệ, chấp cứng vào đó, phải tùy duyên uyển chuyển. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Chánh pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp. Ngài ví những giáo pháp của mình như chiếc thuyền, khi đã qua sông, muốn lên bờ thì phải bỏ chiếc thuyền”.
Lễ Phật chính là tỏ lòng biết ơn và thành kính trước những lời dạy của Phật, vì đó là kim chỉ nam giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau
Lễ Phật đúng pháp trong kinh gọi là “thân tâm cung kính lễ”, nghĩa là thân thì hăng hái tề chỉnh, nghiêm trang, tâm thì vui mừng và hết lòng thành kính như gặp được Phật còn tại thế. Trái lại, lễ Phật với lòng ngã mạn, hay với tâm cầu danh, thì đã không có kết quả gì, mà còn mang thêm tội.
Là người Phật tử chúng ta cần nên thận trọng chẳng nên lơ là mỗi khi hành lễ, bên ngoài thân cần đoan chính trang nghiêm, bên trong tâm nên nhiệt thành chí tâm thanh tịnh một lòng tưởng niệm cung cung kính kính, tri ân Tam bảo cùng pháp giới mười phương, nương vào từ lực gia trì phá tan chướng nghiệp.
Chung quy lại, khi lễ Phật điều quan trọng nhất, cần nhất ở nơi tâm là “sự chí thành” tha thiết. Việc lễ Phật với lòng chí thành chí tín khiến cho hành giả phát triển hạnh lành và loại bỏ tà niệm. Lạy Phật ở đây không phải van xin tha tội hay cầu một sự cứu rỗi nào đó, mà lạy Phật sẽ giúp cho hành giả tăng trưởng thiện pháp và thể nhập Phật tánh.
Có như vậy thì công phu tu tập một đời mới không uổng phí, mới mong có ngày đến được bờ giải thoát an vui.