Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo được tổ chức vào Rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Lễ Vu lan - báo hiếu của người Việt Nam hiện nay là một kết quả độc đáo của sự tích hợp thành công giữa Phật giáo Ấn Độ với văn hóa, tín ngưỡng và văn hóa bản địa ở Đông Á, trong đó có Việt Nam, qua quá trình du nhập, thích nghi và tiếp biến.
Nguồn gốc ra đời ngày Vu Lan Báo Hiếu
Không phải ngay từ nguyên thủy Phật giáo đã có lễ Vu lan (Vu lan Bồn). Kinh Vu lan không có trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy Nam tông, mà chỉ có trong kinh điển Bắc tông thuộc Hán tạng qua quá trình hội nhập vào Trung Quốc. Lễ Vu lan – báo hiếu là một điển hình của thành tựu tiếp biến Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) ở Trung Quốc. Vào thời Tây Tấn (thế kỷ thứ III-IV), đến Rằm tháng Bảy, giới Phật giáo Trung Quốc đều nhất định phải tụng Kinh Vu Lan Bồn. Và từ đó lễ Vu lan truyền tới các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Nghi lễ này tiếp thu thêm các yếu tố bản địa của mỗi nơi để làm nên những hình thức tín ngưỡng đặc sắc.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Ban Liên hữu Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen lật lại những kinh sách cũ để cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của mùa Vu Lan.
Về ngữ nghĩa, “Vu lan” hay “Vu lan Bồn” là tiếng Việt chuyển âm từ tiếng Phạn (tiếng Sanskrit): Ullambana hay Alamnàna và tiếng Hán với nghĩa là “Giải đảo huyền”, về sau được diễn dịch thành “giải đảo huyền, cứu thống khổ”. Giải có nghĩa là "cởi trói" hay giải phóng ai ra khỏi một cái ách nào đó. Đảo là ngược hay “dốc đầu xuống đất, chân chống lên trời”, nhằm ám chỉ cho hình thức nghiêm khắc và đau đớn tột độ của hình phạt. Huyền là “treo”. Như vậy, “giải đảo huyền” có nghĩa là “tháo bỏ các cực hình treo ngược” (của nghiệp xấu) và “cứu thống khổ” là cởi trói ách đau khổ cùng cực của chúng sanh bị đày đoạ trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.
Phật thuyết Vu Lan Bồn là một bản kinh ngắn kể về nguyên nhân và phương pháp báo hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên đối với thân mẫu của Ngài. Mục Kiền Liên (Moggallana, tên đầy đủ là Kolita Moggallana) là một trong số các vị đại đệ tử của Phật, và là nhân vật chính trong kinh Vu lan Bồn. Sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tượng đạo đức “hiếu nghĩa” của người con đối với cha mẹ và tổ tiên trong văn hóa Phật giáo Bắc tông.
Theo Phật giáo (Đại thừa) Bắc tông, Vu lan Bồn (Ullambana) là một pháp đặc biệt mà Phật truyền dạy cho Mục Kiền Liên để cứu cho được mẹ ra khỏi “cõi ngạ quỷ” dưới địa ngục. Đức Phật đã giảng cho Mục Kiền Liên về việc thực hành lòng hiếu thảo để biến thành sức mạnh cứu mẹ ở địa ngục.
Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi cảnh giới ngạ quỷ, địa ngục
Duyên khởi của kinh như sau: Bà Thanh Đề (mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên) lúc còn sống là người xa hoa, lãng phí. Mỗi bữa ăn thường sẽ nấu rất nhiều và để vương vãi trên khắp mặt đất. Không những vậy, bà cũng là người không tin vào Tam Bảo, không nghe theo Phật pháp. Vì thế mà sau khi mất, bà bị đày xuống địa ngục, chịu nhiều đau khổ, dày vò.
Sau khi Mục Kiền Liên Bồ tát chứng quả vị La Hán đắc được lục thông, Ngài vận dụng 6 phép thần thông tìm thấy mẹ bị tái sanh trong cảnh giới ngạ quỷ, đói khát, tiều tuỵ, chịu nhiều thống khổ đến cơm cũng không có để ăn. Xót thương tình cảnh của mẹ, Ngài liền lấy bát đựng cơm đem hiến dâng cho mẹ.
Bà Thanh Đề lúc còn sống, tâm quá nặng nề, cho tận đến khi bị đày xuống địa ngục cũng không thoát khỏi lòng tham. Bà một tay đỡ bát, một tay che bát cơm lại rồi đến chỗ không có ngạ quỷ để ăn. Nhưng vì nghiệp quá nặng nên khi cơm đến miệng bỗng hóa thành lửa đỏ.
Không nỡ nhìn cảnh mẹ mình phải chịu khổ cực, Tôn giả sầu than trở về thưa Phật để cầu cách cứu mẹ Ngài. Đức Phật dạy rằng, chỉ nhờ vào uy lực đạo đức tu tập của chư tăng trong ba tháng an cư mới có thể độ được mẹ Ngài Mục-kiền-liên. Đức Phật nói: “Mẹ ông phỉ báng Tam bảo, tội nghiệp quá nặng không thể chỉ dựa vào sức của ông mà cứu được. Muốn cứu thì vào ngày Rằm tháng Bảy, là lúc mà chư Phật hoan hỷ, hãy thiết lễ Vu Lan Bồn. Trước tiên, ông hãy cúng mười phương Tăng, khi mười phương Tăng chưa thọ dụng những thức ăn này thì ông chưa dùng được. Ông phải cúng Phật, Pháp và Tăng sau mới có thể thọ dụng những vật phẩm dâng cúng. Vào ngày này, ông thiết trai cúng dường Tam Bảo thì mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui”.
Ngài đã theo y lời Phật dạy thiết lập trai đàn, nhờ oai đức chuyển hoá nghiệp lực của chư tăng mà mẹ Ngài đã thoát khỏi cảnh ngạ quỷ, tái sanh về cõi trời. Mục Kiền Liên cảm kích vô cùng, từ đó khuyến khích chúng sinh nơi nhân gian hằng năm tổ chức lễ cúng Vu Lan vào Rằm tháng Bảy và tụng kinh Vu Lan Bồn để báo hiếu tới cha mẹ.
Nhân dịp này, Đức Phật cũng đã khuyên tất cả những người con nên học theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên để báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời quá khứ.
Từ đó về sau, Rằm tháng Bảy hàng năm trở thành ngày lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, như một lời nhắc nhở tất cả mọi người con hiếu đạo đều phải hướng tâm suy nghĩ về đạo lý nhân quả, chiêm nghiệm về cuộc sống, lòng hiếu thuận, sự kính trên nhường dưới, đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Ý nghĩa của lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo với đạo hiếu người Việt Nam
Lễ Vu Lan đã hòa quyện với Đạo hiếu của dân tộc Việt Nam, trở thành ngày hội của tình thương yêu con người dành cho tất cả mọi người dân Việt Nam.
Thứ nhất, lễ Vu Lan mang ý nghĩa giáo dục lòng nhân ái của con người, khơi mở lòng từ bi độ lượng trong mối quan hệ giữa con người với con người và con người với các loài vật xung quanh.
Thứ hai, lễ Vu Lan có ý nghĩa nhắc nhở mọi người báo hiếu cho cha mẹ. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì Phật giáo đề cao chữ hiếu, quan điểm này tương đồng với quan điểm của dân tộc Việt Nam. Cũng giống như quan điểm đạo hiếu trong truyền thống dân tộc Việt Nam, Phật giáo cho rằng phận làm con phải báo ân cho cha mẹ khi cha mẹ còn sống.
Đạo hiếu của con người được đề cao và nó trở thành chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ phải được thể hiện bằng những hành động thiết thực tuỳ theo sức của mình khi cha mẹ còn sống, đây là giá trị lớn nhất của ngày lễ Vu Lan.
Thứ ba, lễ Vu Lan mang ý nghĩa góp phần khắc sâu vào tâm của người dân Việt Nam đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Trong những năm gần đây ở Việt Nam, lễ Vu Lan ngày càng được tổ chức quy mô, trọng thể. Ngày lễ Vu Lan đã trở thành “ngày hội hiếu” của Phật tử và của nhân dân. Trong ngày này, phần người dân đến chùa để cúng, một số khác cúng ở nhà thờ họ hoặc tại nhà để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ và cho pháp giới chúng sinh. Ở các chùa còn tổ chức chương trình văn hóa, nghệ thuật Phật giáo, làm tôn vinh thêm giá trị của ngày lễ Vu Lan, tổ chức lễ cầu siêu để đông đảo đại chúng được tham gia cầu nguyện cho hương linh người thân, cửu huyền thất tổ sớm được vãng sanh về miền cực Lạc, tích luỹ công đức, hướng đến điều tốt lành, gắn kết con cháu với gia đình, tổ tiên ông bà. Đây chính là tinh thần nhân văn cao cả trong triết lý nhân sinh của đạo Phật được người dân Việt Nam đón nhận một cách trân trọng nhất.
Đăng ký Cầu siêu cho người thân tại Đại lễ Cầu siêu do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào tháng 8 sắp tới bằng cách gọi điện qua số hotline: 0912.12.07.10
Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày Ngày 25-26-27-28 tháng 8 năm 2022 nhằm ngày 28-29 tháng 7 và 1-2 tháng 8 âm lịch tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen (Quốc lộ 20, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).