Tự Tánh Di Đà - Duy Tâm Tịnh Độ
Về Cộng tu Tịnh độ cùng đạo tràng Đại Tùng Lâm Hoa Sen nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, hơn 300 Phật tử, Liên hữu đồng tu thiện nam tín nữ thảy đều một dạ chí thành chí kính, kính tin Tam Bảo, đều quy hướng về Tịnh Độ và cùng nhất tâm niệm Phật, lão thật niệm Phật để chuyển hóa vô minh thành viên giác, để Tâm được an lành trong Chánh pháp, Trí được an trú trong Chánh niệm.
Trong không gian Niệm Phật đường trang nghiêm, thanh tịnh, trong niềm an lạc vô biên của những giờ phút đầu năm mới, toàn thể đạo tràng đã cùng nương nguyện lực và thần lực của Đức Phật A Di Đà, lực hộ niệm của chư Phật mười phương, gia trì lực của chư vị Đại địa Bồ Tát và đặc biệt là nương lực đại chúng để nhiếp trọn sáu căn chấp trì danh hiệu Phật.
Bốn chữ Phật hiệu “A…Di…Đà…Phật” cứ thế từng câu tiếp nối nhau, không có tạp niệm vọng tưởng, cũng không có chấp trước. Ngay trong từng câu niệm Phật, mỗi Phật tử, Liên hữu đồng tu đều được quay trở về với chơn tâm thanh tịnh sáng suốt của mình để điều phục, chuyển hoá, tịnh hoá tâm mình. Rồi từ đó thảy đều cảm nhận, cảm thọ danh hiệu vạn đức của Đức Từ Phụ A Di Đà đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm mà trong mỗi sát-na đều hiển hiện Tự Tánh Chân Không, Tự Tánh Chân Như, Tự Tánh Bát-nhã.
“Bất cấu, bất nhiễm thị Tây phương
Vô não, vô ưu chơn Cực Lạc
Duy tâm Tịnh Độ khẳng thừa đương
Bản tánh Di Đà do tự giác”.
Nghĩa là:
“Không nhơ, không đắm là Tây Phương.
Không phiền, không khổ là Cực Lạc.
Khẳng định Tịnh Độ ở tại tâm.
Chân tánh Phật đà do tự ngộ”
Ngay trong từng câu niệm Phật, sức mạnh tâm linh nơi nguyện lực của Đức Phật A Di Đà đã phát khởi, tác lộ trong tâm mỗi chúng sanh Tự Tánh Di Đà. Và nương nơi bổn nguyện của Ngài, tất cả Phật tử, Liên hữu đồng tu đều phát tâm dõng mãnh, quyết chí tu hành, luôn huân tập và chấp trì câu Phật hiệu trong tâm, Giả thử có lúc tạm quên, thì phải ngay lập tức hồi tưởng đến bản nguyện của Đức A Di Đà và gấp rút niệm Phật trở lại, quyết không để cho tâm thức chìm đắm trong vọng tưởng. Bởi, danh hiệu ấy vốn đầy đủ vô lượng vô biên hằng hà sa công đức, vô lượng vô biên hằng hà sa ý nghĩa, vô lượng vô biên hằng hà sa lực dụng, cứu cánh, cảnh giới, tánh giác. Dẫu trăm ngàn muôn ức vi trần đại kiếp cũng không thể diễn nói hết được.
Chân thật niệm Phật - Không cần quán tưởng cũng thấy Tây Phương
Đối với những người học Phật, Tết được xem là cột mốc để mỗi người được nuôi dưỡng con đường tâm linh, con đường kết nối với đời sống tinh thần của mình trong pháp lành. Tết còn là dịp để soi lại chính mình, nhìn lại thân và tâm mình trên con đường tu tập để kịp thời có sự điều chỉnh, sách tấn tự thân với nhiều quyết tâm hơn, tinh tấn hơn trong năm mới và trong suốt chặng đường tu hành học Phật của mình.
Là những người tu học theo pháp môn Tịnh Độ, đối với Thế Giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và pháp trì niệm danh hiệu Phật cần phải có niềm tin thật sâu dày và không nghi hối việc sẽ được vãng sanh. Dù cho bất cứ sự cản trở phỉ báng nào, cũng không để dao động đến tín tâm và việc cầu sanh Tịnh Độ của chúng ta. Được vậy mới gọi là người có niềm tin sâu dày. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật chính là bản ý, là đại sự nhân duyên của Đức Phật khi Ngài thị hiện nơi cõi đời ác trược này, cũng là đại pháp vô thượng thông suốt bổn nguyện của Đức Thế Tôn, muốn cho chúng sinh niệm Phật để liễu sanh thoát tử.
"Về Đại Tùng Lâm Hoa Sen tu tập theo pháp môn Tịnh Độ, quý vị phải dùng tâm bình đẳng, tâm giác ngộ để nỗ lực học Phật, đi đứng nằm ngồi đều chấp trì trong tâm bốn chữ “A Di Đà Phật”. Bởi pháp môn Tịnh Độ là bi tâm triệt để của đức Như Lai, là pháp môn phổ độ chúng sinh khiến cho những kẻ phàm phu đầy rẫy phiền trược không có sức đoạn hoặc, nhờ tín nguyện trì danh sẽ được liễu thoát ngay trong đời này, cùng làm bầu bạn với Quán m, Thế Chí. Trên đến bậc Đẳng giác Bồ-tát, địa vị gần kề Phật quả vẫn còn phải vãng sinh mới thành Chánh Giác. Vì thế, trong khi Đức Phật giảng kinh A Di Đà, sáu phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài đồng thanh tán thán là kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, được hết thảy chư Phật hộ niệm.
"Phải lấy sự thật tu, chánh tu, và quan trọng nhất chính là sự liễu sanh thoát tử, tu làm sao để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc làm mục đích chính, mục đích duy nhất, tối thượng thì mới có thể thành tựu việc tu hành ở thời Mạt pháp, ở cõi ngũ trược ác thế này". Đó cũng chính là lời huấn từ, sách tấn mà Bác Tường Vân – Người khai sơn, dựng lập chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen luôn nhắc nhở các Liên hữu đồng tu xuyên suốt mỗi thời khóa công phu niệm Phật.
Có duyên lành đặt chân đến ngôi già lam Tam Bảo để thực hành miên mật những lời dạy của Đức Phật, có thể phát tâm Bồ-đề, cảm thọ được niềm an lạc là phước duyên hạnh ngộ, phước báu khôn cùng của mỗi người con Phật. Đó cũng chính là niềm an lạc, hỷ lạc của tất thảy Phật tử, Liên hữu đồng tu về chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen tham dự chương trình Cộng tu Tết Giáp Thìn vừa qua.
Khóa tu đã diễn ra trang nghiêm và khép lại thập toàn viên mãn, từ ngày 08/02-14/02/2024 (Tức từ 29 tháng Chạp đến Mồng 5 Tết Giáp Thìn). Xin ngưỡng nguyện ân đức của Tam Bảo luôn từ bi quang giáng hộ trì cho mỗi vị Phật tử, Liên hữu đồng tu sẽ có đủ nguồn năng lượng cùng lòng tín tâm niệm Phật để truyền đi và tiếp thêm cho các đạo hữu đồng tâm cùng quy hướng tu pháp Tịnh Độ, giữ thiện căn Bồ-đề kiên cố không bất thoái chuyển, không quên bản nguyện ban đầu và mục đích tu hành tối thượng: “Niệm Phật để liễu sanh thoát tử”, “Niệm Phật để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc”.
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI
ĐẠI TỪ ĐẠI BI A DI ĐÀ PHẬT