Mỗi ngày hiếu nghĩa là một ngày Vu Lan
Lặng nghe tháng Bảy mà lòng xao xuyến, bâng khuâng và đầy ngổn ngang. Mùa Vu Lan tháng Bảy luôn gợi về những khoảng lặng, nhắc nhớ phận làm con một mùa báo hiếu tới đấng sinh thành.

Suốt đời, dường như cha mẹ chỉ biết sống cho ta, lo lắng tất cả vì ta. Người có thể đi sớm về trưa, dãi nắng dầm mưa hay băng rừng vượt suối cũng chỉ có thể là cha mẹ. Không có khổ đau nào mà cha mẹ không từng trải, không có gian khó nào mà cha mẹ chưa một lần nếm qua. Miễn sao mang về được cho ta manh áo chén cơm để vun thắm niềm vui những ngày thơ ấu. Chỉ cần thấy con vô tư sống, bấy nhiêu thôi là mẹ cha đã hạnh phúc lắm rồi. 


Vu Lan đâu phải mỗi năm một ngày, mà hãy để mỗi ngày hiếu nghĩa là một ngày Vu Lan

Chúng ta lớn lên từ từ, rồi đến ngày rời khỏi vòng tay bố mẹ đi học, đi làm xa. Thế giới bên ngoài thật rực rỡ, chúng ta bước đi không do dự. Tuy nhiên, nếu ta sẵn sàng nhìn lại khoảnh khắc khi ta ra đi, chắc chắn sẽ thấy hình bóng mẹ cha thật cô đơn và buồn bã. Họ nhìn chúng ta quay lưng đi xa hết lần này đến lần khác, rồi lại trông chờ từng phút ngày ta trở về nhà...

Ta nhớ lời Đức Phật dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Nhớ về cha mẹ đã vất vả cả cuộc đời vì chúng ta. Cả một đời ta luôn ghi nhớ chữ hiếu vuông tròn, biết thương mẹ cha nhiều hơn – người đã có công sinh thành dưỡng dục. Dẫu tháng ngày bên mẹ cha ngắn ngủi, ta cũng cố gắng hết mình. Mùa Vu Lan cũng để cho ta lắng đọng lại, chiêm nghiệm về cuộc đời, sống chậm, bớt sân si và yêu thương nhiều hơn.

Trong hệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Vấn đề hiếu đạo được đề cập trong nhiều trong kinh tạng Pali của Phật giáo nguyên thủy và Hán tạng của hệ phái Bắc tông như: kinh Trường Bộ, kinh A Hàm, kinh Báo Ân, kinh Vu Lan Bồn, kinh Hiếu Tử, kinh Tâm Địa Quán…

Đức Phật dạy:

“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu

Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.

(Kinh Nhẫn Nhục)

Hay trong kinh Tương Ưng, Đức Phật nói: “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.

Đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhơn quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.

Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.

Theo quan điểm của Phật giáo, thiện là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, không si, có chánh kiến. Ngược lại là bất thiện. Mà tham, sân, si chính là gốc rễ của bất thiện.

Cho nên người tu học Phật pháp phải thấy rõ điều này để biết cách áp dụng lời Phật dạy vào đời sống sinh hoạt của chính mình, để mỗi ngày bớt tham, sân, si, thăng tiến trên đường đạo. Được như vậy mới thật sự là người con hiếu đạo.


Tu học Phật pháp giúp cha mẹ vơi đi buồn phiền trong cuộc sống, cảm thấy an tâm, thảnh thơi trong nếp sống tâm linh thánh thiện

Thật vậy, hiếu dưỡng không phải là chỉ lo về mặt vật chất mà quan trọng hơn là về phần tinh thần, tâm linh của cha mẹ. Người càng lớn tuổi thì lại càng có nhu cầu về tâm linh, vì thế chúng ta có thể hướng dẫn cha mẹ nghe những bài pháp thoại về kinh Phật, kể những câu chuyện về Đức Phật và đi chùa niệm Phật.

Đức Phật dạy:

Người con nào có thể:

*Thấy cha mẹ không có đức tin, giúp cho cha mẹ có đức tin trọn đủ.

*Thấy cha mẹ không có giới, giúp cho cha mẹ có giới trọn đủ.

*Thấy cha mẹ có tánh keo kiệt bỏn xẻn, không muốn bố thí, giúp cho cha mẹ hoan hỉ trong việc bố thí trọn đủ.

*Thấy cha mẹ không có trí tuệ, giúp cho cha mẹ có trí tuệ trọn đủ.

Này chư tỳ-kheo, người con nào làm được như vậy, mới được gọi là người con biết ơn và đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ một cách xứng đáng. 

Tu học Phật pháp giúp cha mẹ vơi đi buồn phiền trong cuộc sống, cảm thấy an tâm, thảnh thơi trong nếp sống tâm linh thánh thiện và khi lâm trung được an ổn sinh về cõi lành không phải sa đọa vào ba đường ác.

Đức Phật cũng dạy: "Cha mẹ chưa an trú trong Chánh pháp thì làm sao giúp đỡ, dắt dẫn cha mẹ an trú trong Chánh pháp; cha mẹ chưa an trú trong điều lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều Lành; cha mẹ chưa quy y Tam Bảo, thì nên đưa cha mẹ an trú trong quy y Tam Bảo"

Như vậy, cha mẹ không những hưởng được những phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược, xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sanh tử mà đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”. (Cha mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo). 

Là người Phật tử, hãy ghi nhớ lời Phật dạy như vậy để hàng ngày tu niệm, hàng ngày hồi hướng công đức về cho tiên nhân của mình; nhất là trong ngày lễ Vu-lan, thành tâm chí kính, niệm Phật, tụng kinh, lạy Phật, cúng dường Tam bảo, cúng dường chư Tăng tự tứ, để cầu mong sự chú nguyện của chư Tăng cho tiên vong của mình thoát khỏi u đồ mà siêu sanh lạc quốc. Đó mới tạm gọi là con hiếu, là người Phật tử thuần thành trong mùa báo hiếu vậy.

Công cha nghĩa mẹ sâu dày, báo hiếu đâu phải mỗi năm một ngày, mà mỗi ngày hiếu nghĩa sẽ là một ngày Vu Lan! 


trong Tin tức
Mỗi ngày hiếu nghĩa là một ngày Vu Lan
Ban Lien Huu 9 tháng 8, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tháng 7 mùa Vu Lan Báo Hiếu: Ý Nghĩa sắc hoa hồng cài áo?
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu Lan từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đó, “Bông hồng cài áo” được xem là một nghi thức đặc biệt để những người con tưởng nhớ công ơn của đấng sinh thành. Tuy nhiên, rất ít người biết trong lễ Vu Lan, bông hồng cài áo có tới 4 sắc màu: Bông hồng màu đỏ, màu hồng, màu trắng và màu vàng. Mỗi sắc hoa là một ý niệm, đại diện cho một câu chuyện tình mẫu tử chất chứa nhiều cảm xúc.